Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thị trường Chứng khoán: Chưa thể phục hồi trong ngắn hạn

Tú San - 10:38 01/05/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sau nhiều phiên điều chỉnh tăng của cuối tuần trước, lòng tin của nhà đầu tư ít nhiều cũng đã được khôi phục. Sự kỳ vọng bật lại của thị trường khi mức test đáy VN-Index 1300 đã trụ được cũng như tín hiệu tăng trưởng trở lại của dòng cổ phiếu penny cũng khiến các nhà đầu tư mong mỏi một tháng 5 sáng sủa hơn. Tuy nhiên, các chỉ số dòng VN30 tuần qua cũng sụt giảm mạnh lại khiến cho sự kỳ vọng này trở nên gian nan hơn với sự hồi phục trở lại của thị trường chứng khoán.

Từ "Tín hiệu vui mỏng manh cuối tháng 4"...

Đó là nhận định của ông Lê Hoàng Tân – Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Asean (trụ sở tại 77-79 Phó Đức Chính, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.HCM) khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Nông Thôn Mới vào ngày 30/4 vừa qua. Ông nhận định: “Thị trường trong 4 phiên giao dịch cuối tuần đã có sự phục hồi mạnh mẽ khi chỉ số VN-Index chạm ngưỡng hỗ trợ 1.300 điểm, thậm chí trong phiên chỉ số này xuống sát ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.250 điểm tương ứng với ngưỡng Fib 38,2% nên thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia bắt đáy. Tuy có 4 phiên phục hồi mạnh vào cuối tuần nhưng lũy kế cả tuần giao dịch chỉ số VN-Index vẫn chưa lấy lại được những gì đã mất khi đóng cửa ở mức 1.366,8 điểm, giảm 0,9% so với chỉ số đóng cửa cuối tuần trước là 1.379,23 điểm.Tương tự chỉ số VN-Index, chỉ số VN30 thâm chí còn sụt giảm mạnh hơn với mức giảm 1,88% so với cuối tuần trước, điều này cho thấy các cổ phiếu trong rổ VN30 đã hồi yếu hơn các cổ phiếu chung trên thị trường. Cụ thể, phần lớn các cổ phiếu trong rổ VN30 là các cổ phiếu ngân hàng, đây là nhóm cổ phiếu đã phục hồi rất yếu mặc dù hầu hết công bố kết quả kinh doanh quý 1 khả quan. Hiện tại, nhà đầu tư vẫn rất thận trọng với nhóm cổ phiếu này do lo ngại về rủi ro nợ xấu gia tăng, sự sụt giảm nguồn thu mảng trái phiếu và thu lãi thuần giảm do NIM bị thu hẹp. Ngoài nhóm ngân hàng, các cổ phiếu còn lại của VN30 cũng phục hồi tương đối yếu như nhóm VIN (VHM, VRE), VNM, SAB, MSN, VJC”

Ông Lê Hoàng Tân – Phó Tổng Giám Đốc Công ty Chứng khoán Asean (77-79 Phó Đức Chính, Phường Nguyễn Thái Bình , Quận 1, TP.HCM).

Cùng nhận định trên, ông Vũ Thái Dương – Chuyên viên quản trị rủi ro Công ty Chứng khoán Funan (Tầng 7- Vincom Center, 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM) cũng cho biết thêm: “Thị trường trong tuần qua đã trải qua một giai đoạn cảm xúc lẫn lộn ngay khi phiên giao dịch đầu tuần VN-Index đã giảm hơn 5% với hàng loạt cổ phiếu đều kết phiên ở mức giá sàn. Tuy vậy, VN-Index cũng đã bất ngờ phục hồi mạnh trong suốt các phiên giao dịch còn lại, giúp VN-Index lấy lại gần như tất cả điểm số đã mất ở thời gian trước đó. Đáng chú ý là khối lượng giao dịch trong tuần cũng như trong suốt giai đoạn từ cuối năm 2021 đến thời điểm hiện tại đang giảm đi một cách đều đặn, gợi ý dòng tiền đang dần rút khỏi thị trường chứng khoán. Trong khi đó, chỉ số VN30 mặc dù cũng giảm, nhưng có vẻ như VN30 đã giữ được mức hỗ trợ trước đó ở vùng 1350. Các tín hiệu này cho thấy đã có sự dịch chuyển của dòng tiền, vừa rút ra khỏi thị trường chung nhưng cũng đồng thời tập trung vào lại danh mục của nhóm VN30.”

Ông Vũ Thái Dương – Chuyên viên quản trị rủi ro Công ty Chứng khoán Funan (Tầng 7-Vincom Center, 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM).

Theo đó, điểm sáng nhất tuần qua có lẽ là nhóm cổ phiếu thủy sản, phân bón, hóa chất và vận tải. Đây là 4 nhóm ngành có sự phục hồi mạnh mẽ nhất trong 4 phiên giao dịch cuối tuần, thậm chí có 1 số mã đã lên lại đỉnh cũ hoặc vượt đỉnh cũ như HAH, VHC, ACL, ANV và DGC. Qua đây cho thấy "khẩu vị của nhà đầu tư" năm 2022 có thể sẽ thay đổi từ nhóm các cổ phiếu đầu tư, tài chính, chứng khoán sang các nhóm thuần sản xuất và được hưởng lợi từ các điều kiện kinh tế vĩ mô khác.

... Đến những dự đoán không lạc quan của tháng 5

Có những tín hiệu tốt là thế, tuy nhiên dưới góc độ phân tích chuyên môn của mình, Ông Tân cho rằng thị trường chứng khoán vẫn chưa thể phục hồi trong ngắn hạn bởi một số lý do được ông chia sẻ thêm: “Trở lại xu hướng biến động chung của thị trường, chúng tôi cho rằng đợt hồi vừa rồi là rất cần thiết để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư nhưng xét về mặt kỹ thuật thì xu hướng downtrend chưa thể kết thúc. Trong ngắn hạn, chỉ số VN-Index còn chịu nhiều áp lực điều chỉnh khi tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức và thị trường tài chính chứng khoán thế giới có nhiều biến động khó lường. Trước mắt, chỉ số này có thể test lại ngưỡng hỗ trợ 1.300 điểm để tạo đà tích lũy và đi lên. Về trung và dài hạn, khả năng phục hồi về đỉnh cũ của VN-Index là rất khó khăn, thậm chí có thể không diễn ra trong năm 2022. Tôi cho rằng năm 2022 điểm số cân bằng của VN-Index sẽ nằm trong vùng 1.250 điểm đến 1.400 điểm. Kịch bản khả thi nhất là chỉ số sẽ sideway trong vùng này và cổ phiếu sẽ phân hóa.”

Còn Ông Dương thì cho rằng: “Với các tín hiệu vận động của dòng tiền như đã đề cập ở trên, giai đoạn tiếp theo, thị trường chứng khoán có thể chứng kiến những đợt sụt giảm mạnh mẽ hơn nữa khi mà gần như chắc chắn rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang có các phát ngôn cứng rắn trong việc kiềm chế lạm phát ở quốc gia này thông qua việc siết cung tiền và tăng lãi suất cơ bản. Sự kiện này tương tự với những gì diễn ra ở giai đoạn cuối những năm 2017 đầu năm 2018 khi FED quyết liệt gia tăng lãi suất, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam và khiến chúng ta rơi vào trạng thái tái tích luỹ kéo dài đến đầu năm 2020.”

Và giải pháp tái cơ cấu lại danh mục đầu tư

Kiến nghị về giải pháp để tránh rủi ro trong giai đoạn thị trường ảm đạm như dự đoán, ông Vũ Thái Dương cũng cho rằng tái cơ cấu lại danh mục đầu tư là phương án khả thi. Theo ông Dương: “Có thể thấy, về ngắn hạn nhịp tăng phục hồi của thị trường trong tuẩn qua khá tốt, việc khối lượng giao dịch giảm đi cũng cho thấy lượng cung ở vùng giá hiện tại đã không còn nhiều trong khi lực cầu bắt đáy đang có phần chiếm ưu thế hơn. Tuy nhiên, khả năng này chỉ có thể duy trì ở vùng giá thấp và lực cung có thể xuất hiện trở lại khi VN-Index quay về vùng trên 1400. Nếu thị trường gặp khó khăn trong việc vượt qua vùng kháng cự 1400 – 1450 thể hiện qua việc các cổ phiếu luân phiên tăng giảm, giữ cho thị trường tăng điểm mà không có sự đồng thuận từ các nóm cổ phiếu thì việc nhà đầu tư nên cân nhắc đến việc cơ cấu lại danh mục và sẵn sàng cho các kịch bản xấu nhất có thể sẽ bất ngờ xuất hiện trong giai đoạn tiếp theo này.”

Đồng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Tân còn chia sẻ thêm: “Như tôi trao đổi ở trên, nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ thay đổi "khẩu vị đầu tư" trong năm 2022 và ưa thích hơn các ngành thuần sản xuất hoặc dịch vụ thiết yếu như: Hóa chất, phân bón, thủy sản, logistic, bán lẻ, công nghệ vật liệu xây dựng và bất động sản khu công nghiệp. Đây là các ngành được dự báo sẽ thu hút dòng tiền lớn từ thị trường và sẽ tạo được sự phân hóa tương đối rõ ràng trong năm 2022. Các ngành trọng điểm khác như ngân hàng, chứng khoán hay bất động sản cũng có cơ hội nhưng rõ ràng những điều tốt nhất đã qua.

Trong các ngành đã nhắc ở trên, tôi đặt biệt chú ý đến ngành thủy sản, phân bón hóa chất và logistic…nhóm này đang được hưởng lợi rất lớn từ việc giá đầu ra đang tăng rất mạnh, có khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu và hưởng lợi từ tỷ giá. Các cổ phiếu nổi trội trong các ngành này bao gồm VHC, ANV, ACL, DPM, DCM, DGC và HAH.”