Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thị trường chứng khoán: Ngập trong sắc đỏ

Tú San - 08:22 28/02/2023 GMT+7
Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch với nhiều biến động, sau khi bật tăng mạnh gần 3% trong phiên đầu tuần nhờ những thông tích tích cực hỗ trợ ngành Bất động sản thì chỉ số sau đó điều chỉnh liên tiếp 4 phiên và đóng cửa cuối tuần tại mốc 1.040 điểm, tương ứng giảm 1,86% so với tuần trước. Theo đó, sắc đỏ bao phủ toàn bộ thị trường trong đó nhóm viễn thông, bất động sản, hóa chất giảm giá mạnh nhất với mức giảm 9,5%; 3% và 2,7%.

Hầu hết các nhóm ngành đều giảm điểm

Phần lớn các nhóm ngành đều đi xuống trong phiên với 98 mã tăng, 56 mã tham chiếu, 311 mã giảm. Trong đó, các mã thuộc nhóm Ngân hàng, Bất động sản, Chứng khoán là những nhóm tác động tiêu cực nhất lên thị trường chung, bên cạnh là nhóm Thép – Tôn mạ, Dầu khí, Bán lẻ… chỉ có một số ít đi ngược diễn biến chung như các nhóm Đường, Hàng không, Bia và đồ uống…

Thị trường chứng khoán đang “phản ứng” với mã cổ phiếu tăng điểm : HVN (+0.38), GAS (+0.34), SAB (+0.31), VCB (+0.23), DPM (+0.08). Còn chiều làm giảm điểm ở BID (-1.19), VHM (-1.07), HPG (-1), CTG (-0.89), VPB (-0.66). Khối ngoại bán ròng 363 tỷ trên sàn HOSE. Các mã mà nhóm này chủ yếu mua là VCB, STB, NKG, PC1. Ngược lại, lượng bán ròng chủ yếu ở VHM, VIC, DGC, DCM, việc khối ngoại tiếp tục bán ròng đang tạo thêm áp lực lên chỉ số thị trường.

Trong khi đó, ở thị trường phái sinh thì bên Short chiếm ưu thế trong phiên giao dịch cuối tuần. Hợp đồng tháng 3 giảm từ đầu ngày và mở rộng biên độ trong phiên chiều, theo đó F1M kết phiên quanh ngưỡng 1.020 điểm, giảm 28 điểm và mở rộng basis âm lên ngưỡng -10,4 điểm. Mặc dù có tín hiệu rút chân vào cuối ngày tuy nhiên việc hợp đồng tháng 3 đóng cửa dưới vùng nền 1.022 – 1.027 điểm cho thấy quan điểm thận trọng của các nhà giao dịch. Khối lượng thu hẹp so với phiên gần nhất tuy nhiên vẫn cao hơn đáng kể so với bình quân 20 phiên, đạt hơn 329,5 nghìn hợp đồng.

Xét theo vốn hóa, dòng tiền tuần qua tập trung vào nhóm vốn hóa nhỏ. Cụ thể chỉ số VN30 và VNMIDCAP ghi nhận mức giảm lần lượt là 2,21%; 2,49% trong khi chỉ số VNSMALLCAP giảm nhẹ hơn với mức giảm 0,04% so với đầu tuần.

Ông Phan Văn Hùng - Trưởng phòng Môi giới và Tư vấn đầu tư, Agriseco - Chi nhánh Miền Nam

Ông Phan Văn Hùng - Trưởng phòng Môi giới và Tư vấn đầu tư, Agriseco - Chi nhánh Miền Nam nhận định: “Thị trường trong nước có tuần giao dịch đồng pha với thị trường chứng khoán thế giới khi sụt giảm gần 2%. Tôi cho rằng nhịp điều chỉnh xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau (1) Nhóm bất động sản và nhóm ngân hàng giao dịch kém tích cực do chịu ảnh hưởng bởi các thông tin về chậm thanh toán lãi và gốc cho trái chủ và nợ xấu của các doanh nghiệp BĐS tại hệ thống ngân hàng. Trong khi tỷ trọng vốn hoá thị trường của 2 nhóm ngành trên hiện chiếm khoảng 45% tổng vốn hoá. (2) Các nhóm dẫn dắt trong nhịp khoảng 1 tháng qua (xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, dầu khí…) đã ghi nhận mức hồi phục từ 15-20% do đó áp lực chốt lời đặc biệt trong bối cảnh thị trường biến động mạnh là khó tránh khỏi (3) Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng với quy mô tăng lên qua từng phiên và tập trung vào nhóm VN30 trong bối cảnh lãi suất của FED có thể tăng lên ngưỡng cao hơn sau báo cáo lạm phát dưới mức kỳ vọng”.

Các kịch bản của thị trường trong tuần

Theo phân tích của Công ty chứng khoán Mirea Asset thì thị trường trong tuần có thể xảy ra 2 kịch bản theo xu hướng sau. Kịch bản 1 sẽ phụ thuộc vào việc giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh triển khai ngay từ những tháng đầu năm 2023 bên cạnh những tín hiệu lạc quan khi nền kinh tế Trung Quốc hồi phục tốt sau giai đoạn kiểm soát dịch bệnh Covid-19 nghiêm ngặt. Tâm lý tích cực trên thị trường tiếp tục được duy trì, đặc biệt là diễn biến của khối ngoại khi FED khẳng định quá trình giảm lạm phát tại Hoa Kỳ đã bắt đầu sau nhiều lần thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ trước đó mặc dù bỏ ngỏ khả năng về việc dừng tăng lãi suất cũng như đảo chiều chính sách trong 2023. VN-Index được dự báo dao động trong vùng 1.130 -1.150 điểm. Kịch bản 2 sẽ phụ thuộc vào tâm lý chốt lời chiếm ưu thế chủ đạo trên thị trường sau đà tăng điểm kéo dài từ giữa tháng 11/2022 bên cạnh động thái thận trọng của khối ngoại sau quá trình mua ròng trước đó có thể khiến chỉ số bước vào nhịp điều chỉnh. Mặt khác, nền kinh tế Trung Quốc chưa cho thấy sự hồi phục rõ rệt mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đã bước vào giai đoạn lây nhiễm ở mức độ thấp với các số ca mắc mới giảm dần. Bên cạnh đó, nếu những thông tin tiêu cực trong nước xuất hiện, VN-Index có thể quay trở lại kiểm tra vùng 1.030 – 1.050 điểm và các ngưỡng thấp hơn đã thiết lập trước đó.

Ông Đỗ Anh Tuấn – Trưởng Phòng Môi giới Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam

Ông Đỗ Anh Tuấn – Trưởng Phòng Môi giới Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng: “Trong tuần tới, VN-Index sẽ kiểm định độ bền của hỗ trợ 1.032 – 1.030 điểm. Nếu giữ vững khu vực kể trên, khả năng chỉ số sẽ tiếp tục đi ngang trong ngắn hạn tuy nhiên nếu không duy trì trên ngưỡng hỗ trợ này, khả năng pha điều chỉnh sẽ quay lại với vùng hỗ trợ quan trọng tiếp theo dành cho VN-Index là 1.000 điểm”.

Cùng quan điểm trên, Ông Phan Văn Hùng đưa ra dự báo: “Trên đồ thị kỹ thuật ngày, xu hướng ngắn hạn và trung hạn đều đảo chiều giảm điểm khi VN-Index lần lượt đánh mất các mốc hỗ trợ quan trọng MA20 và MA50. Kết hợp với các chỉ báo động lượng MACD và RSI hướng xuống biểu thị rủi ro giảm điểm vẫn hiện hữu. Mặc dù mốc 1.030 điểm vẫn đang được bảo toàn và đang là hỗ trợ ngắn hạn của chỉ số, tuy nhiên với áp lực bán đang có xu hướng gia tăng và lượng cổ phiếu từ phiên phục hồi ngày thứ 5 sẽ có thể giao dịch từ đầu tuần tới, không ngoại trừ kịch bản chỉ số sẽ đánh mất ngưỡng hỗ trợ này. Khi đó, nhà đầu tư nên lưu ý mốc 1.000 điểm và theo dõi cung – cầu tại đây. Điểm số VN-Index trong tuần tới được dự báo sẽ nằm trong vùng 1.000-1.065 điểm”.