Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thơm lừng “làng nghề” nướng cá Hộ Độ

20:52 31/03/2019 GMT+7
Đi dọc theo con đường tỉnh lộ 9, đoạn qua xã Hộ Độ ( Lộc Hà , Hà Tĩnh), du khách khó có thể cưỡng lại được mùi thơm ngậy của cá nướng nơi đây. Họ tất bật ngày cũng như đêm, các liếp cá vàng óng, săn chắc được gác trên bếp than hồng

Đi dọc theo con đường tỉnh lộ 9, đoạn qua xã Hộ Độ ( Lộc Hà , Hà Tĩnh), du khách khó có thể cưỡng lại được mùi thơm ngậy của cá nướng nơi đây. Họ tất bật ngày cũng như đêm, các liếp cá vàng óng, săn chắc được gác trên bếp than hồng “sẵn sàng” để phục vụ bà con. Dù đi nơi đâu, thưởng thức món ngon ba miền thì nhắc đến món cá nướng, người ta nghĩ ngay đến làng nướng cá Hộ Độ.

Lớp mỡ bên trong da cá chảy ra khi nướng hòa quyện với thịt làm cá béo và ngọt hơn

 Một “làng nghề” nướng cá truyền thống

Chúng tôi tới “làng nướng cá” vào một chiều muộn, khi mà các gian hàng đã được sắp xếp ngay ngắn những con cá vàng ươm trên các khay và lò nướng. Người mua, người bán tấp nập. Khói nghi ngút cả một vùng trời,  mùi thơm thơm khó cưỡng cùng với cảnh tượng buôn bán nhộn nhịp, làm cho chúng tôi không khỏi tò mò về “làng nghề” nướng cá truyền thống của nơi đây.

Nói là “làng nghề” nhưng thực chất là những cái chòi nho nhỏ ven con đường tỉnh lộ 9, đi qua xã Hộ Độ, người ta dựng những cái chòi nhỏ ven đường. Nhờ có con đường giao thông huyết mạch, đông đúc người qua lại  mà những hộ dân ở đây có cái “nghề” để mưu sinh, cải thiện hơn cuộc sống của mình.

Nghề nướng cá khá vất vả, toàn thân lúc nào cũng lấm lem than khói, bụi bặm, nồng nặc mùi cá nhưng nhìn các cô, các chị lúc nào cũng vui tươi, rộn ràng. Cứ thế hệ này sang thế hệ khác, đàn bà không đi học, làm ăn xa thì ở quê chung thủy với nghề này. Bởi cái nghề cũng không phụ công người, mỗi tháng cũng giúp họ trang trải cuộc sống. Trung bình, mỗi ngày một sạp bán được từ 350 – 450 con cá/ngày; những ngày rằm, ngày lễ thì số lượng cá bán được còn tăng lên; thu lãi về gần 1.000.000/ ngày. Nhiều người cũng khấm khá đi lên từ nghề truyền thống này. Nhưng, chẳng ai biết nó được hình thành từ bao giờ, chỉ biết, từ khi người ta muốn thưởng thức món cá thơm ngon hơn thì làng nghề này ra đời từ đó.

Chị Vương Thị Loan (1964) – Chủ sạp cá ở Hộ Độ ( Lộc Hà) chia sẻ, chúng tôi cũng không nhớ rõ là cái làng nghề này hình thành từ bao giờ, từ lúc còn nhỏ, “làng nghề” này đã hoạt động sầm uất rồi. Từ hồi còn mười hai, mười ba tuổi tôi đã được mẹ dạy cho cách chọn cá, nướng cá, cách trao đổi  buôn bán. Đã hơn 40 năm, nướng cá không chỉ để mưu sinh, mà món cá nướng nơi đây còn nổi danh khắp miền, là món đặc sản của quê hương Lộc Hà. Bất kể đi đâu khi nghe người ta nhắc, muốn ăn cá nướng ngon phải về làng Hộ Độ, chúng tôi càng cảm thấy vô cùng vui sướng.

Phải chờ đợi khá lâu, chị Nguyễn Thị Hoa (Hộ Độ) mới có được phần cá nóng hổi và thơm phức. Chị chia sẻ: “dù đợi hơi lâu một chút, nhưng tôi cũng không thấy phiền lòng. Cá ngon là cá chín đủ độ, có màu vàng ươm, thịt mềm nhưng chắc, đặc biệt phải là cá vừa được đưa từ lò than hồng xuống. Cá mà để lâu thì sẽ dai và không ngon, mùi cũng không được thơm nữa”.

 “Bí quyết” tạo nên thương hiệu của “làng nghề”  nướng cá Hộ Độ

Cá sau khi rã đông, được làm sạch ruột và khứa lên thân để khi nướng dễ chín và mềm hơn

Để làm ra được món cá nướng truyền thống, thu hút du khách từ bao đời nay, quả thực không đơn giản chút nào. Cá để nướng là cá biển gồm: Cá thu, cá nục chuối, cá bạc má, cá trích… cá đánh bắt ở vùng biển Thạch Kim (Lộc Hà). Các loại cá này thường được đánh bắt xa bờ, sau khi đánh bắt người ta cho vào cấp đông ngay thì mới giữ được con cá tươi xanh. Việc lựa chọn nguyên liệu là cả một nghệ thuật, cá được chọn là những con còn tươi xanh, mơn mởn, thuyền vừa cập bến là phải “đặt hàng” ngay, chậm trễ là mất cơ hội ngay.

Trải qua nhiều năm trong nghề, nên việc chọn cá đối với các chị ở đây khá đơn giản. Chị Nguyễn Hải Yến (Lộc Hà) chia sẻ, khẩu vị của khách hàng ngày một cao vì thế đòi hỏi cá nướng phải mỗi ngày một ngon. Muốn cá ngon thì nguyên liệu phải đảm bảo, vì thế, chúng tôi phải tự tay đi chọn những lô cá ngon, tươi, chất lượng. Một lần khách mua mà hương vị không đạt yêu cầu là sẽ mất khách liền. Tàu, thuyền vừa cập bến, cá còn “nóng hôi hổi” là phải nhặt ngay, nếu không bị nhà khác lấy mất. Buôn bán nên cạnh tranh cũng là một nghệ thuật.

Đến khoảng 7 giờ sáng thì cá về tới các gia đình, những lao động ở làng nghề Hộ Độ lại nhanh tay rã đông, làm sạch ruột, phơi ráo. Sau đó, người ta dùng một que tre xuyên từ đầu đến bụng cá. Cách này giúp nướng cá ngon hơn và giữ cho cá không bị bể nát trong quá trình nướng. Để cá chín đều, trước khi nướng, họ cẩn thận dùng dao khía từng đường nhỏ lên thân cá. Loại cá này thịt dày, béo nên khi nướng lên có mùi thơm ngậy. Đến khi lửa vừa độ, lớp mỡ bên trong da cả chảy ra quện vào thịt cá ăn không khô mà còn rất bùi và béo.

Bếp than nướng cá rất đơn giản, dùng 3-5 thanh sắt nhỏ đặt lên hai viên gạch, cho than vào, nhóm lửa là có thể nướng cá cả ngày. Ngày xưa, khi chưa có quạt điện, người ta thường dùng quạt mo bằng tay để duy trì độ nóng cho than. Để giữ được mức lửa vừa phải, cá chín, thịt cá ngon thì người nướng phải có kinh nghiệm, lật trở đều tay và thời gian vừa phải.  Điều đó thì rất ít người có thể làm được. Sở dĩ, vì ngồi từ sáng sớm tinh mơ đến tối đen bên bếp lửa hồng quả là điều không đơn giản. Nhất lại là cái vùng “gió lào, cát trắng” Hà Tĩnh, mỗi độ hè đến nhiệt độ lại lên chót vót. Dù người học có nhanh đến cỡ nào thì cũng mất cả năm trời mới quen tay được.

Điều đặc biệt, cá nướng ở đây không hề tẩm bất kỳ một loại gia vị nào, vì thế, khi nướng xong người ta mới cảm nhận được cái vị “ngọt tinh khôi” toát ra từ những thớ cá, cái vị béo từ lớp da vàng óng bên ngoài. Chính cái đơn sơ, mộc mạc không cầu kỳ đã làm nức lòng những du khách khi thưởng thức món cá này. Như một món quà mà biển cả đã ban tặng cho người dân làng Hộ Độ.

Quan sát các chị cười nói vui vẻ, khiến cái cảm giác nóng rát của lò nướng, của khí trời oi bức cũng bị xua tan tự bao giờ. Cá ở đây thường được bán giá tùy theo độ lớn nhỏ của cá, có giá trung bình từ 20.000 – 30.000/con. Khi mua, người bán thường sẽ hỏi “ Chị mua về kho hay ăn luôn?”.  Vì khi để kho người ta sẽ nướng vừa phải, khi cá chín vừa đủ, khi kho cá sẽ không bị nát; hoặc khách hàng muốn ăn luôn thì phải nướng chín kỹ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đình Hinh – Chủ tịch UBND xã Hộ Độ chia sẻ, nói “làng nghề” nhưng thực tế ở xã Hộ Độ cũng không còn nhiều người làm nghề này, vì nghề vô cùng vất vả và đòi hỏi phải chịu thương chịu khó. Nghề nướng cá ở Hộ Độ vừa là một ngành nghề để mưu sinh, song, còn là một điểm đặc sắc của làng quê Lộc Hà. Cá nướng Hộ Độ đã được đóng hộp, gửi theo xe khách đi từ nam ra bắc, vào dịp lễ tết là những món quà quê được nhiều người ưa chuộng.

Cảm nhận được sức sống, nhộn nhịp của một “làng nghề” dù bao khó khăn vất vả, họ vẫn giữ được “lửa” của nghề mà tổ tiên đã để lại. Trải qua bao nhiêu gian truân, thì giờ đây thương hiệu cá nướng Hộ Độ đã được nhiều người biết đến và muốn đến tận nơi để thưởng thức, quả là, không phụ lòng những người lao động ở nơi đây. Chúng tôi, rời làng nghề nướng cá tại Hộ Độ khi những bếp than đang đỏ ửng để nướng những liếp cá cuối ngày. Trên tay không thể thiếu những con cá nướng còn nóng hổi, thơm nức.

Bảo Trung – Huyền Trang