Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thu lợi kép từ trồng dược liệu dưới tán cây ăn quả

Kiên Quảng - 07:12 26/02/2022 GMT+7
Nông dân vùng núi thường lựa chọn cây ăn quả để phát huy lợi thế đất đai rộng. Là địa bàn phát triển mạnh cây ăn quả, để “lấy ngắn nuôi dài” nông dân ở huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã áp dụng trồng xen cây dược liệu. Nhờ đó nông dân thu lợi nhuận gấp nhiều lần so với chuyên canh trên một đơn vị diện tích.
Cây dược liệu Atisô trồng tại Lào Cai.

Từ trồng xen thành cây mũi nhọn

Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu cộng với giá trị kinh tế, nên từ chỗ chỉ là cây trồng xen, đến nay cây dược liệu đã trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn ở các địa phương vùng cao tỉnh Lào Cai. Từ nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện những mô hình “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách trồng cây dược liệu xen kẽ dưới tán cây ăn quả bước đầu đã cho kết quả khả quan.

Tại huyện Bắc Hà được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng nên có nhiều điều kiện để phát triển các loại cây ăn quả và dược liệu. Và mô hình trồng cây dược liệu dưới tán cây ăn quả được đánh giá là một cách làm sáng tạo, rất phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào các dân tộc địa phương.

Trồng mận từ năm 2000, sau nhiều năm phát triển mở rộng, hiện gia đình anh Giàng Seo Tráng (ở thôn Lả Dì Thàng, xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà) đã có trên 200 gốc mận Tả Van, mận Hậu và mận Tam Hoa. Từ năm 2018, gia đình anh tiếp tục tăng gia bằng cách trồng xen 0,5ha cây dược liệu Cát cánh dưới tán mận, mỗi năm cho thu thêm gần 100 triệu đồng từ thu hoạch củ.

“Cát cánh 1 năm cho thu củ 1 lần nhưng không phải lo về đầu ra cho sản phẩm, giá thành cao nên chúng tôi cũng yên tâm để trồng. Hàng năm, ngoài Cát cánh thì chúng tôi vẫn có thu nhập ổn định từ cây mận”, anh Tráng nói.

Áp dụng mô hình tương tự như anh Tráng, gia đình chị Tráng Thị Sở ở thôn Xà Ván Sừ Mần Khang, xã Tả Van Chư (Bắc Hà) dù mới trồng, nhưng cũng bước đầu có thu nhập từ cả mận và Cát cánh với mức khoảng 80 triệu đồng/năm.

“Thấy bà con trồng, mình cũng học hỏi làm theo, Cát cánh thích hợp trồng trên đất này và cho kinh tế hiệu quả. Mình chăm cây Cát cánh thì cây mận cũng có thêm dinh dưỡng để phát triển, nên rất thuận lợi”, chị Sở chia sẻ.

Người vùng cao một khi tận mắt thấy hiệu quả, họ sẽ tin. Nếu như năm 2016, toàn xã Tả Van Chư của Bắc Hà chỉ có 1ha diện tích trồng dược liệu dưới tán cây ăn quả, thì đến nay đã phát triển lên gấp 6 lần.

Cây dược liệu của tỉnh Lào Cai đã dần xây dựng được thương hiệu. Ảnh: An Kiên

Hỗ trợ nhân rộng để nông dân làm giàu

Để hỗ trợ người dân, cán bộ khuyến nông xã cũng thường xuyên trực tiếp đến cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc.

“Ngoài vận động bà con phát triển diện tích nâng cao thu nhập, chúng tôi cũng hướng dẫn bà con kĩ thuật phủ nilong, đục lỗ và xuống giống. Sau khi cây mọc mầm, chúng tôi hướng dẫn bà con giai đoạn bón thúc cho cây và giai đoạn xuống củ”, anh Trần Văn Sơn, cán bộ khuyến nông xã Tả Van Chư cho biết.

Hiện Bắc Hà có trên 100 hecta diện tích trồng cây dược liệu; 1/3 số đó được trồng xen kẽ dưới tán cây ăn quả, tập trung chủ yếu ở các xã Tả Van Chư, Lùng Phình, Lùng Cải.

Đánh giá về mô hình này, ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bắc Hà cho biết: “Trồng cây ăn quả lâu năm, trong giai đoạn kiến thiết ban đầu từ 3-5 năm thì trồng thêm cây dược liệu tăng thêm hiệu quả sử dụng đất, lấy ngắn nuôi dài giúp bà con tăng thu nhập. Trong quá trình chăm sóc cây dược liệu cũng chăm sóc cho cây mận luôn, đó là một trong những lợi ích kép”.

Trồng cây dược liệu dưới tán cây ăn quả đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp của vùng cao Bắc Hà. Cách làm này không chỉ góp phần bảo tồn các loại dược liệu quý mà còn giúp người dân tìm thấy cơ hội thoát nghèo, làm giàu. Đây cũng là một hướng phát triển quan trọng trong lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Lào Cai.

Nhận định về hiệu quả của việc mở rộng diện tích cây dược liệu, ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: Phát triển dược liệu gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, khai thác tiềm năng lợi thế những loại cây dược liệu có sẵn ở Lào Cai gắn với phát triển du lịch, tạo ra sản phẩm phục vụ nâng cao sức khỏe người dân. Tạo ra sản phẩm phong phú nhưng phải đặc hữu so với các địa phương khác trên cơ sở khai thác bản sắc văn hóa các dân tộc.

Trồng dược liệu dưới tán cây ăn quả ở vùng cao Lào Cai. An Kiên

Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ ổn định vùng sản xuất dược liệu khoảng 3.500ha. Đồng thời với nỗ lực mở rộng diện tích, tỉnh cũng thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cây dược liệu đạt các tiêu chuẩn an toàn và có liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng công nghệ cao trong phát triển dược liệu đang được các địa phương trong vùng sản xuất thực hiện. Đó là việc sử dụng giống chất lượng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng quy trình canh tác an toàn đảm bảo các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

Đến nay, tỉnh Lào Cai đã có 4 cây dược liệu được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc”. Có 8 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Nhiều sản phẩm là đặc trưng của Lào Cai phục vụ khách du lịch như: Cao Atiso Sa Pa, chè dây, giảo cổ lam, tam thất, thuốc tắm người Dao đỏ... Cây dược liệu của tỉnh Lào Cai đã dần xây dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng trong nước.

“Quan trọng nhất trong phát triển dược liệu là phải xây dựng mối liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, áp dụng kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tỉnh cũng đang hướng đến việc xây dựng thương hiệu, cấp mã vùng trồng, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm dược liệu gắn với thực hiện mỗi xã một sản phẩm, tạo nguồn dược liệu mang thương hiệu Lào Cai” - ông Tiến cho biết thêm. 

Phát triển dược liệu gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, khai thác tiềm năng lợi thế những loại cây dược liệu có sẵn ở Lào Cai gắn với phát triển du lịch, tạo ra sản phẩm phục vụ nâng cao sức khỏe người dân. Tạo ra sản phẩm phong phú nhưng phải đặc hữu so với các địa phương khác trên cơ sở khai thác bản sắc văn hóa các dân tộc.