Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thủ tướng chỉ đạo khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ

Bảo Minh - 15:13 09/09/2024 GMT+7
Ngày 9/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 89/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.

Sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), báo cáo sơ bộ có 10 ô tô, 2 xe máy và 13 người bị cuốn trôi

Bộ NN&PTNT vừa có thông tin nhanh về tình hình thiệt hại do mưa bão số 3 tính đến 11 giờ 30 ngày 9-9. Theo đó, 59 người chết và mất tích, trong đó do bão là 9 người; sạt lở đất, lũ quét 44 người; do lũ cuốn 6 người.

Cụ thể: Tỉnh Cao Bằng có 21 người chết, mất tích do sạt lở đất ở huyện Nguyên Bình (1 người chết, 20 người mất tích); Lào Cai: 15 người chết, mất tích do sạt lở đất, lũ quét; Quảng Ninh: 6 người chết (do bão 5 người; lũ cuốn 1 người); Hải Phòng: 2 người chết do bão; Hải Dương: 1 người chết do bão; Hà Nội: 1 người chết do bão; Hòa Bình: 4 người chết do sạt lở đất; Yên Bái: 3 người chết do sạt lở đất; Lạng Sơn: 2 người chết (do lũ 1 người; do sạt lở đất 01 người); Bắc Giang: 1 người mất tích do lũ cuốn; Tuyên Quang: 2 người mất tích do lũ cuốn; Hà Giang: 1 người do lũ cuốn.

Công điện số 89/CĐ-TTg của Thủ tường Chính phủ gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lào Cai, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn; Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông.

Công điện nêu: Bão số 3 đã gây mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ đã có mưa từ 200-350 mm (nhiều nơi 400-500mm, có nơi gần 600mm), lũ trên sông Thao và Lục Nam đã vượt mức báo động 3, ngập lụt cục bộ, sạt lở đất đã xảy ra tại nhiều nơi, nhất là ở Hòa Bình và Lào Cai.

Bão, mưa lũ làm ít nhất 26 người chết và mất tích (17 người do lũ, sạt lở đất; 09 người do bão), 247 người bị thương, nhiều nhà cửa, công trình hạ tầng bị hư hại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Đặc biệt sáng ngày 09 tháng 9 năm 2024 đã xảy ra sự cố sập nhịp cầu Phong Châu qua sông Thao trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, theo thông tin ban đầu có một số phương tiện giao thông và người bị rơi xuống sông.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của Nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ.

Video Clip vụ tai nạn từ camera hành trình của một lái xe. Nguồn internet

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày tới (nhất là ngày 09 và 10 tháng 9), khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ sẽ tiếp tục có mưa lớn với lượng mưa 100-200mm, có nơi trên 350mm nên nguy cơ rất cao xảy ra lũ lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt cục bộ tại các vùng thấp trũng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến ngay hiện trường để phối hợp với đồng chí Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chỉ đạo kiểm tra, triển khai ngay công tác khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tập trung công tác cứu hộ cứu nạn đối với những nạn nhân vụ sập cầu.

Khoảng 10 giờ sáng 9/9, cầu Phong Châu nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao (Phú Thọ) đã bất ngờ sập xuống.

Khoảng 10 giờ sáng 9/9, cầu Phong Châu nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao (Phú Thọ) đã bất ngờ sập xuống, theo người dân cung cấp, thời điểm cầu sập, trên cầu có cả ô tô và xe máy. Theo lãnh đạo UBND huyện Tam Nông, thời điểm sập cầu Phong Châu, nhiều người và phương tiện gặp nạn khi đang lưu thông.

Cầu Phong Châu là một cây cầu bắc qua sông Hồng trên Quốc lộ 32C, nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ. Cầu có lý trình tại Km 18+300 Quốc lộ 32C, kết nối xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao với xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông.

Ngay sau tai nạn, cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ đã huy động hàng trăm người đến hiện trường tìm kiếm, cứu hộ. Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho hay, ngay khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo huyện và tỉnh Phú Thọ đã xuống hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn sập cầu Phong Châu. “Đến thời điểm hiện tại lực lượng cứu hộ đã được huy động đến nỗ lực tìm kiếm ở dưới sông”, ông Hùng nói. Tại thời điểm sau xảy ra sự cố, các lực lượng chức năng đã cứu, đưa 5 người bị thương tới cơ sở y tế.

Ông Bùi Văn Quang (áo xanh) Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã có mặt ở hiện trường vụ sập cầu Phong Châu, bên cạnh là Đại tá Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ.

Sau đó, ông Bùi Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.

Người phụ nữ khóc ngất khi người thân bị mất tích. Ảnh: Phạm Chiểu

Gần 20 người dân đã đến hiện trường trình báo người thân mất tích và chờ đợi tìm kiếm. Họ được cảnh sát cho nhận diện hình ảnh phương tiện tại thời điểm cầu sập, một số người òa khóc khi thấy hình ảnh vụ tai nạn.

Khẩn trương tìm kiếm nạn nhân, phong toả lưu thông 2 đầu cầu

Trực tiếp kiểm tra tại hiện trường sập cầu Phong Châu vào trưa nay 9/9, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu tỉnh Phú Thọ báo cáo sơ bộ thiệt hại từ vụ sập cầu. Theo báo cáo sơ bộ ban đầu cho thấy thiệt hại: 10 ô tô, 2 xe máy và 13 người bị cuốn trôi. Phó Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng ngăn chặn 2 đầu cầu, và dùng lưới để tìm kiếm người bị rơi xuống sông.

Lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ). Ảnh Hoan Nguyễn.

Tại cuộc họp của lực lượng chức năng dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vào 13h45 ngày 9/9, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cần thiết hướng dẫn luôn phương tiện giao thông, nhất là liên tỉnh bằng điều tiết 2 tuyến cầu Văn Lang và cầu Ngọc Tháp. Bên cạnh đó là phân luồng vừa có chỉ dẫn phần mềm Google để dân không vào khu vực cầu Phong Châu. Để đảm bảo an toàn tìm kiếm cứu hộ, lực lượng chỉ có thể triển khai khi điều kiện thời tiết cho phép.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp của lực lượng chức năng khẩn trương thực hiện các giải pháp cứu hộ nạn nhân.

Tuy nhiên tỉnh Phú Thọ báo cáo giải pháp cứu hộ hiện tại đang gặp khó khăn do dòng nước xiết không thể cho người, phương tiện xuống ngay được. Thủ tướng đã có công điện giao Bộ Quốc Phòng, Công an huy động lực lượng thực hiện việc cứu nạn, cứu hộ.

Lãnh đạo tỉnh cho biết, đây là tuyến lưu thông chủ đạo cho nên cần phải sửa chữa khôi phục ngay. Tỉnh đề nghị dùng quỹ khẩn cấp để triển khai làm mới cầu và Bộ GTVT sẽ phải thực hiện việc này trong 1 năm. Trước mắt để tạo điều kiện cho người dân qua lại thì dùng cầu phao. Về công tác tìm kiếm cứu nạn, hiện nước sông đang cao chưa thể tìm kiếm ngay tại chỗ mà kiểm tra phía hạ lưu. Trường hợp đưa phương tiện thuỷ ra tìm kiếm cứu hộ tại chỗ sẽ rất nguy hiểm.

Tại hiện trường, hai đầu cầu Phong Châu bị phong tỏa khoảng một km, cấm toàn bộ phương tiện lưu thông. Trên bờ, gần 100 chiến sĩ sẵn sàng tham gia cứu nạn. Do nước sông Hồng chảy xiết, một số đội cứu hộ đã đưa dây xuống sông song vẫn chưa tiếp cận được phương tiện dưới lòng sông. UBND tỉnh Phú Thọ cho biết mực nước sông Hồng tại Ấm Thượng đạt 27,25 m, trên báo động 3 là 1,25 m.

Một mảng cầu Phong Châu sập xuống dòng nước xiết.

Liên quan đến sự cố này, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở GTVT Phú Thọ khẩn cấp điều động nhân lực, thiết bị tham gia khắc phục các sự cố và tìm kiếm cứu nạn; bảo vệ công trình và các công việc cần thiết khác.

Sở GTVT khẩn trương có phương án phân luồng giao thông qua các tuyến khác bảo đảm chất lượng, an toàn công trình cầu, đường, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để các phương tiện và người tham gia giao thông tránh khu vực cầu Phong Châu. 

Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu Sở GTVT đề xuất sử dụng vật tư dự phòng tại Khu Quản lý Đường bộ I và các cơ quan, đơn vị để khắc phục sự cố hư hỏng công trình; Phối hợp với chính quyền và lực lượng chức năng bảo đảm an toàn, an ninh trật tự khu vực.

Đối với khu Quản lý Đường bộ I, bố trí người, phương tiện tham gia hỗ trợ Sở GTVT Phú Thọ để khẩn trương khắc phục sự cố hư hỏng công trình.  Rà soát các vật tư dự phòng, nhất là các bộ dầm cầu dùng cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai, sẵn sàng điều động khi có yêu cầu.

 

Do cầu Phong Châu bị sập, Công an tỉnh Phú Thọ thông báo phân luồng giao thông như sau:
* Các phương tiện qua huyện Tam Nông để đi Lâm Thao, Việt Trì di chuyển theo tuyến: Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi đường Hồ Chí Minh → qua cầu Ngọc Tháp hoặc qua Quốc lộ 2 → đi Lâm Thao, Việt Trì. Hoặc Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà → đi Hà Nội → đi cầu Văn Lang → đi Việt Trì, Lâm Thao. Các phương tiện từ hướng Lâm Thao đi Tam Nông, theo chiều ngược lại.

* Các phương tiện qua huyện Tam Nông để đi Hà Nội, Vĩnh Phúc di chuyển theo tuyến: Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà hoặc đi cầu Đồng Quang → đi Hà Nội, Vĩnh Phúc. Hoặc đi theo tuyến quốc lộ 2 và cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính về nơi tâm bão số 3 đổ bộ, chỉ đạo khắc phục hậu quả
Chiều nay (8/9), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại Quảng Ninh và Hải Phòng – nơi bão đổ bộ với sức gió mạnh nhất, gây nhiều thiệt hại nhất theo thống kê tới sáng 8/9.