Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng: Mưa lớn, hàng nghìn héc ta lúa và hoa màu bị hư hại

13:09 02/04/2022 GMT+7
Hai ngày qua, trên địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 80-100mm, có nơi mưa to hơn như huyện Hải Lăng trên 300mm gây ngập úng nhiều lúa và hoa màu của người dân.

 

Nước lũ tràn qua đê bao vùng trũng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị gây ngập nhiều diện tích lúa.

Tại huyện Hải Lăng, nước lũ tràn qua đê bao gây ngập úng, làm nhiều diện tích lúa hoa màu hư hại. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủy điện Hương Điền nằm ở thượng nguồn sông Bồ sẽ xả lũ gây ngập lục bộ một số xã vùng thấp trũng.

Tại tỉnh Quảng Trị, mưa to xuất hiện lũ trên sông Đakrông gây ngập, chia cắt ngầm tràn Ba Lòng, có nơi ngập sâu 2 mét, gây chia cắt cục bộ xã Ba Lòng với Trung tâm huyện. Quốc lộ 9, đoạn qua địa bàn huyện Đakrông xuất hiện một số điểm sạt lở, đất đá ở mái ta luy dương đổ sạt xuống chắn ngang, thu hẹp mặt đường khiến giao thông bị ách tắc cục bộ. Chi cục Quản lý đường bộ 2.5 Cục Quản lý đường bộ 2 đang tập trung khắc phục.

Mưa to, nước trên một số sông ở tỉnh Quảng Trị dâng cao làm hầu hết hệ thống đê bao tại các xã vùng trũng huyện Hải Lăng bị nước tràn qua, gây ngập số tuyến giao thông liên thôn, liên xã, nhiều vùng bị chia cắt. Trong mưa xuất hiện gió lốc làm 1 nhà dân ở huyện Triệu Phong bị tốc mái. Hơn 7000 héc ta lúa trong tỉnh đang kỳ làm đồng, trổ bông và hoa màu bị ngập úng, ngã đổ hư hại, nặng nhất là huyện Hải Lăng.

Ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho biết, huyện đã huy động lực lượng hỗ trợ cùng người dân dùng bao tải đựng cát đắp tạm các bờ đê ngăn lũ để cứu diện tích lúa và hoa màu. Đến sáng nay, nước đã ngập trắng các cánh đồng vùng trũng, huyện đang chuẩn bị phương án chờ nước rút bớt để bơm tát cứu lúa.

“Hiện nay do mưa lớn nên nhiều vùng trũng bị ngập lụt hết cả rồi. Người dân và lực lượng hỗ trợ chống chọi đến chiều tối qua, nước các sông đổ về quá mạnh nên đành chịu, không thể cứu được, nước tràn qua đê hết rồi. Toàn bộ diện tích lúa chuẩn bị trổ bông và đang làm đòng bị ngập sâu trong nước luôn. Bây giờ chỉ đợi nước sông hạ xuống ngoài bờ đê mới bơm hút nước ra ngoài được. Huyện đang tổ chức họp với các xã, HTX chuẩn bị phương tiện, nước rút đến đâu tổ chức bơm hút đến đó”, ông Hải cho hay.  

Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 28.000 ha lúa đang thời kỳ trổ bông, trong đó hơn một nửa diện tích bị gãy đổ và ngập úng, hư hại. Các địa phương đang phối hợp với các Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi tập trung ứng cứu lúa ngập nước.

Ông Lê Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đợt mưa lớn bất thường gây nhiều thiệt hại lớn đối với bà con nông dân.

“Theo nắm sơ bộ là có khoảng 2/3 diện tích trong  gần 4.200 héc ta lúa bị ngập. Do một số đê bao bờ vùng bị tràn thành ra tiêu úng không được, phải chờ nước xuống mới khi đó mới tiêu úng  được. Còn một số vùng không bị tràn đê thì các hợp tác xã chủ động tiêu úng rồi. Cũng cố gắng để cứu, nếu trong ngày nay nay mà nước xuống thì có thể cứu được. Nếu ngập 3-4 ngày thì có thể bị hư", ông Bảo cho biết.

Nhiều tuyến đường về các xã ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập.

Trong khi đó, mưa to cùng lúc Thủy điện Hương Điền nằm ở thượng nguồn sông Bồ, tỉnh Thừa Thiên Huế xả lũ đã gây ngập lục bộ một số xã vùng thấp các huyện Quảng Điền, Phong Điền, thị xã Hương Trà…Nhiều nơi bị ngập, người dân phải di dời đồ đạc, đắp đê cứu lúa.

Tại huyện Phú Lộc xảy ra lốc xoáy làm 27 ngôi nhà tốc mái, 4 người bị thương, 7 chiếc thuyền, ghe trên đầm phá bị chìm. Ngay sau khi xảy ra lốc xoáy, huyện Phú Lộc huy động gần 40 cán bộ, chiến sĩ các lực lượng đến giúp những gia đình nhà bị tốc mái lợp lại mái nhà, trục vớt tàu thuyền, khắc phục hậu quả thiên tai./.

Mưa lớn gây ngập hàng trăm héc ta lúa, rau màu ở Đà Nẵng

Tại thành phố Đà Nẵng, mưa lớn liên tục mấy ngày qua gây ngập nhiều tuyến đường đô thị, khu dân cư, vùng trũng thấp ở các quận, huyện. Mưa lớn gây ngập úng hàng trăm héc ta lúa Đông Xuân và rau màu tại huyện Hoà Vang. Chính quyền địa phương huy động lực lượng cùng với bà con nông dân khai thông dòng chảy, giảm thiệt hại.

Mưa lớn trên diện rộng từ ngày 31/3 đến rạng sáng nay (2/4) gây ngập úng và làm ngã đổ hơn 650 héc ta lúa Đông Xuân tại huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng. Hầu hết diện tích lúa đang giai đoạn làm đòng, chắc hạt nên ảnh hưởng đến năng suất và nguy cơ mất trắng.

Bà con nông dân huyện Hoà Vang đối mặt nguy cơ mất trắng do lúa bị ngập hư hại.

Mưa liên tục cũng gây ngập úng hàng trăm héc ta rau màu của bà con nông dân. Bà Nguyễn Thị Thơm, ở thôn Tuý Loan Tây, xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang cho biết, 3 sào rau xanh của gia đình bị ngập úng, hư hại hoàn toàn.

“Tự nhiên năm nay mưa trái mùa. Mưa lớn quá thành ra hoa màu hư hại hết. Sáng nay trời tạnh chứ không là mất hết. Bây giờ bà con xúm nhau khơi thông dòng chảy chứ không thì hư hết”, bà Thơm cho biết.

Vùng rau Tuý Loan, xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang bị mưa ngập gây hư hại.

Trước thiệt hại do đợt mưa lớn bất thường, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Hoà Vang đã tổ chức kiểm tra, sẵn sàng phương án di dời các hộ dân thuộc khu vực sạt lở đất đến nơi an toàn. Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị, địa phương có hồ chứa nước tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn các hồ chứa trên địa bàn huyện.

Ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, địa phương chủ động rà soát, có phương án gia cố, khơi thông dòng chảy, xử lý các điểm ngập úng, sạt lở, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

“Bây giờ những diện tích lúa bị ngập thì phải tập trung khơi thông cho thoát nước cho kịp để giữ lúa. Rau đậu thì bà con tập trung thu hoạch, đặc biệt là đậu phụng”, ông Tôn nói

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đã đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ  phương tiện biết không khí lạnh, tin cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển và vùng áp thấp, mưa lớn để chủ động phòng tránh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng chủ động quản lý tàu thuyền ra khơi, giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển và ven bờ để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết.

Theo VOV