Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tiến độ đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn chậm

07:06 03/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthonmoi) Kết thúc 10 năm triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo đề án 1956, tuy nhiên tới nay các đơn vị có liên quan vẫn chưa thể ban hành chương trình, hướng đào tạo mới. Lý do vì sao?
Khai giảng lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại xã Đăk Choong.

Đơn vị phải chủ động triển khai

Sau 10 năm thực hiện Đề án 1956, kết quả đã có khoảng 9,6 triệu LĐNT được đào tạo nghề, hỗ trợ hàng triệu nông dân có hoàn cảnh khó khăn, tìm được việc làm thoát nghèo. Tuy vậy, hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT cũng đối mặt với nhiều khó khăn.

Mới đây, vào cuối tháng 6/2022, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) mới ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 5.300 LĐNT gồm 2.184 người học nghề nông nghiệp và 3.116 người học nghề phi nông nghiệp, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 85% trở lên. Trong đó, đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 4.676 người; đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng cho 624 người.

Ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH, TP.HCM cho biết, để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với LĐNT. Trong đó, thực hiện lồng ghép vào nhiệm vụ tại kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp TP năm 2022; tuyên truyền các nội dung chính sách pháp luật về đào tạo nghề cho LĐNT trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thực hiện tốt công tác định hướng, tư vấn nghề nghiệp để hỗ trợ người lao động lựa chọn học nghề và việc làm phù hợp.

Ngoài TP.HCM nhiều địa phương khác cũng đã bắt tay đào tạo nghề cho LĐNT. Xã Đăk Nhoong và xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei (Kon Tum), đầu tháng 6/2022 UBND 2 xã này đã phối hợp với phòng LĐTBXH, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bản xã tổ chức khai giảng 3 lớp đào tạo nghề (nề hoàn thiện, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca, kỹ thuật chăm sóc và phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc) cho LĐNT.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Đăk Glei cho biết, mục đích của công tác đào tạo nghề cho LĐNT nhằm tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động. Qua đó, đào tạo các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐNT năm 2021, Bộ LĐTBXH mà cụ thể là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã trình Dự thảo đề án Đổi mới đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn tới năm 2035 nhưng thực tế sau hơn 1 năm soạn thảo, trình Chính phủ tới nay vẫn chưa được phê duyệt. 

Trước đó, đơn vị này cũng đã tổ chức một số hội thảo chia sẻ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho LĐNT góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đặc biệt là thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó cần xác định rõ những kinh nghiệm của giai đoạn trước, những vấn đề cần đổi mới, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 
Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, hiện tại Chính phủ vẫn đang xem xét chưa phê duyệt đề án Đổi mới đào tạo nghề giai đoạn mới.

Việc chậm phê duyệt đề án có ảnh hưởng tới việc phân bổ nguồn lực và triển khai chương trình.

 Ngành Nông nghiệp khẩn trương rà soát, triển khai

Một trong những đơn vị được giao chủ trì thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT, Bộ NN&PTNT đã sớm ban hành kế hoạch triển khai đào tạo nghề trong năm 2022. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành công văn số 1243 về việc đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT và đăng ký nhu cầu đào tạo nghề “Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp”.

Ngay từ đầu tháng 3, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường triển khai đào tạo nghề.

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác cho biết, trong giai đoạn 2010 - 2020 công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT đã góp phần nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp đóng góp vào nâng cao giá trị chung của toàn ngành. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập về nội dung, phương pháp chưa đổi mới để phù hợp với yêu cầu người học; chưa cập nhật bổ sung những nghề mới phù hợp với yêu cầu phát triển ngành và xu hướng phát triển thị trường; đào tạo vẫn chạy theo số lượng mà chưa quan tâm tới hiệu quả chất lượng.

Ông Thịnh thông tin thêm, để triển khai các hoạt động về đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT giai đoạn tới, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai nhiều nội dung như:

Đầu tiên là xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch trung hạn, hàng năm đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT và kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho người dạy nghề nông nghiệp, cán bộ quản lý.  

Đối với các nghề đào tạo cần yêu cầu các cơ sở đào tạo bổ sung cho người học kỹ năng về quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, quản trị Marketing, tài chính, xây dựng các phương án sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; về đầu ra sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, chứng nhận an toàn, cấp mã vùng trồng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp. Phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… đảm bảo lao động tiệm cận trình độ công nhân nông nghiệp, chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, ưu tiên nghề mới như bán hàng online, kinh doanh các sản phẩm nông sản địa phương, đào tạo các nghề phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp và nhu cầu học nghề nông nghiệp của người dân, đặc biệt nghề “Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp”.
 Về công tác tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT. Yêu cầu các địa phương đặt hàng với các cơ sở đào tạo nghề; kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất tại địa phương tham gia vào chương trình đào tạo để đáp ứng các yêu cầu, điều kiện cần của doanh nghiệp về lao động nông nghiệp. 

“Trong giai đoạn 2010 - 2020 công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT đã góp phần nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp đóng góp vào nâng cao giá trị chung của toàn ngành. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập về nội dung, phương pháp chưa đổi mới để phù hợp với yêu cầu người học; chưa cập nhật bổ sung những nghề mới phù hợp với yêu cầu phát triển ngành và xu hướng phát triển thị trường; đào tạo vẫn chạy theo số lượng mà chưa quan tâm tới hiệu quả chất lượng”.
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác.