Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Trên đất nghèo, bón phân gì để nuôi nổi “kẻ phàm ăn” như khoai tây?

22:50 09/10/2019 GMT+7

Nếu canh tác khoai tây đúng kỹ thuật, nhà nông có thể thu về trên 30 tấn củ/ha, cộng với sản lượng thân, lá, rễ có thể lên đến hàng trăm tấn. Vì vậy, trên các vùng đất nghèo dinh dưỡng, bà con nông dân nên sử dụng phân bón giàu dinh dưỡng đa, trung vi lượng để đáp ứng đủ chất cho cây.

Khoai tây là cây trồng vụ đông ngắn ngày (85 – 90 ngày), được trồng nhiều ở miền Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Để đạt sản lượng trên, khoai tây lấy đi từ đất lượng dinh dưỡng đáng kể từ đất: 150 kg đạm (N), 60kg lân (P2O5), 124 kg kali (K2O), 9kg magie (MgO), 16kg canxi (CaO), 15kg lưu huỳnh (S), 0,11kg sắt (Fe), 0,6kg bo (B), 0,13kg kẽm (Zn), 0,04kg đồng (Cu) và 0,13kg molipden (Mo). Khoai tây là cây vụ đông, thường được trồng trên đất 2 vụ lúa trước đó, nếu không kịp thời bổ sung đủ dinh dưỡng, sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mùa vụ.

 

 

Sản xuất khoai tây trên đồng ruộng tỉnh Lâm Đồng. Ảnh tư liệu

Theo phân tích của kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh – nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, đất trồng khoai tây ở các tỉnh miền Bắc hiện nay vừa chua, vừa thiếu các chất dinh dưỡng trung, vi lượng; do vậy, phân bón là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, bà con nông dân miền Bắc không phải lo lắng nhiều, vì phân bón có thể giúp khắc phục nhược điểm này. Phân chuyên dùng của Công ty Cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển đã chứa đựng đầy đủ và cân đối tất cả các yếu tố đa lượng, trung lượng, vi lượng mà khoai tây cần.

Phân bón nào bổ khuyết cho đất nghèo khi trồng khoai tây?

Kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh khuyến cáo, bà con nông dân có thể cân nhắc sử dụng những loại phân bón sau:

*Phân bón lót thường dùng loại NPK 5.10.3 Văn Điển có các chất dinh dưỡng: N = 5%, P2O5 = 10%, K2O = 3%, CaO = 16%, MgO = 18%, SiO2 = 15%, S = 2% và các chất vi lượng Fe, Zn, Cu, B, Mo… Tổng dinh dưỡng là 58%, trong đó các chất dinh dưỡng trung vi lượng chiếm 40%. Hoăc phân ĐYT NPK 10:7:3 có hàm lượng trên 65% các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây khoai tây.

*Phân bón thúc dùng loại NPK 22.5.11 Văn Điển có dinh dưỡng như: N = 22%, P2O5 = 5%, K2O = 11%, CaO = 9%, MgO = 5%, SiO2 = 8%, S = 2%. Tổng dinh dưỡng là 62%, trong đó các chất dinh dưỡng trung vi lượng chiếm 24%. Gần đây một số nơi bà con sử dụng phân ĐYT NPK 13:3:10 + TE dùng bón thúc có thành phần dinh dưỡng: 13%N, 3%P2O5, 10% K2O, 5% CaO, 1%MgO, 8% SiO2, 3%S, 0,2% B, 0,1% Zn.

Thời vụ: Khoai tây là cây màu ưa lạnh nên vụ đông trồng từ ngày 20-10 đến 5-11 hàng năm trên đất 2 lúa, thu hoạch cuối tháng giêng, đầu tháng hai năm sau. Nhân giống cho vụ sau thì tốt nhất trồng vụ xuân, trồng đầu tháng 12 thu hoạch vào đầu tháng 3 năm sau. Giống khoai tây chủ lực được trồng hiện nay gồm Solara, Diamond, Atlantic đều được bảo quản giống qua kho lạnh.

Làm đất và lên luống: Khoai tây còn được gọi là khoai trứng, không chỉ vì củ tròn như quả trứng mà còn vì củ tập trung gần gôc; khi thu hoạch, chỉ cần vạch lớp đất mặt là đã thấy khoai nằm như ổ trứng gà đang ấp. Vì vậy, khoai rất cần đất tơi xốp, nhiều mùn, nhiều phân hữu cơ. Trên đất 2 lúa, chọn khu đồng chủ động tưới tiêu, chân đất cát pha, thịt nhẹ. Trước khi thu hoạch lúa mùa 1 – 2 tuần cần tháo nước để ruộng lúa khô vừa phải thuận lợi cho việc gặt lúa đồng thời làm đất nhẹ nhàng.

Bà con nông dân cần cày bừa kỹ rồi lên luống. Rải 20-25kg phân ĐYT NPK chuyên bón lót Văn Điển vào hốc hoặc vào rạch, rải tiếp phân hữu cơ ủ mục rồi lấp một lớp đất mỏng, sau đó đặt củ giống. Khi đặt củ giống tránh đặt trực tiếp vào phân, làm như vậy củ giống dễ bị sót, sau đó lấp đất phủ lên củ giống 3 – 5cm rồi tủ rơm rạ nhằm giữ ẩm cho khoai nhanh mọc mầm (trước khi trồng, nếu củ giống chỉ có 1 mầm già thì phải tỉa sát chân mầm đó để kích thích cho ra nhiều mầm trẻ, khỏe hơn).

Kỹ thuật bón phân Văn Điển cho khoai tây  

Tùy thuộc giống mà mỗi gốc có thể mọc nhiều thân, cần tỉa bớt, chỉ để lại khoảng 4-5 thân chính mỗi gốc. Từ thân chính, khoai tây có 2 loại cành là cành địa và cành khí. Củ khoai tây được hình thành từ cành địa, ở dưới mặt đất. Để khoai tây nhiều củ, trước hết phải có 2 yếu tố là nhiều cành địa và phải được vùi lấp kín cành địa.

Khoai tây từ khi nhú mầm khỏi mặt đất đến khi thu hoạch có 3 giai đoạn sinh trưởng phát triển: Giai đoạn cây con được tính từ mầm củ vượt khỏi mặt đất đến khi cao 15 – 20cm. Thời kỳ này sử dụng dinh dưỡng chủ yếu từ củ giống và rễ non bắt đầu phát triển từ gốc mầm lấy một phần dinh dưỡng từ phân bón.

Tiếp theo là giai đoạn phát triển thân, cành, lá được tính đến 45 – 50 ngày sau trồng. Thời kỳ này cây khoai tây phát triển mạnh; bộ rễ phát triển mạnh cả chiều  ngang và chiều sâu để hấp thụ dinh dưỡng nuôi cây. Nếu bón đầy đủ phân bón lót và bón thúc đợt 1 thì thân, cành, lá, phát triển nhanh, khoai sớm phủ kín luống tạo điều kiện thuận lợi cho quang hợp và tích luỹ dinh dưỡng sau này vào củ.

Giai đoạn phát triển củ từ sau trồng 40-45 ngày trở đi đến thu hoạch thời kỳ này đồng thời với phát triển thân, cành và lá, cây còn tổng hợp dinh dưỡng để phát triển rễ củ. Các tia củ thường ăn nông gần mặt đất nên yêu cầu đất tơi xốp, thông thoáng, đủ dinh dưỡng và nhiều mùn, có độ ẩm đất vừa phải, bởi vậy việc bón phân thúc đợt 2 và vun cao luống là cực kỳ quan trọng.

Thông thường, khi cây khoai cao 15 – 20cm, xới nhẹ, rải 10-12kg phân thúc  xung quang gốc khoai, cách gốc 7-10cm, xáo nhỏ đất rãnh rồi vun. Lần này là vụn đè dây: Tay trái đưa vào giữa khóm khoai rồi xòe dần các ngón tay để tay phải đưa đất vào giữa khóm khoai (khoảng giữa các thân cây), nhằm đè thân xuống, tạo điều hiện cho ra nhiều cành địa, sau đó vun tiếp cho cao luống.

Sau bón thúc đợt 1 khoảng 15 – 20 ngày, lúc này khoai tây đã được 40 – 45 ngày tuổi thì tiến hành bón thúc đợt 2, rải 10-12kg phân chuyên thúc vào  giữa 2 khóm khoai và vun luống lần cuối, vét sạch đất ở rãnh luống, vun cho luống to và cao để lấp đất vùi sâu các cành địa, tạo cho khoai có nhiều củ, khi củ to không bị trồi lên mặt đất sẽ bị lục hóa vỏ củ.

Lời dặn quan trọng: “Chân ẩm, đầu khô”

Trong khoảng thời gian ngắn cho năng suất sinh học rất cao nên khoai rất cần nhiều nước; song khoai rất dễ nhiễm sâu bệnh, đặc biệt bệnh sương mai, mốc sương- nấm bệnh phát triển mạnh trong điều kiện trời mát và ẩm độc cao.      Kinh nghiệm trồng khoai cho thấy, cây khoai tây rất ưa môi trường “chân ẩm, đầu khô”, nghĩa là chân luống luôn đủ ẩm để khoai sinh trưởng và phình củ, song từ mặt luống trở lên yêu cầu khô hạn để giảm thiểu sự phát sinh, phát triển nấm bệnh.

Bón phân Văn Điển CT 10-7-3 + TE cho cây khoai tây. Ảnh Tư liệu

Khi cây còn nhỏ (trước vun luống lần 1) có thể tưới doa, tưới gáo trực tiếp vào gốc cây. Từ sau bón phân thúc lần 1 trở đi, bà con nông dân nên tưới rãnh để nước ngấm vào luống; không nên té nước lên luống khoai. Kết thúc tưới nước trước thu hoạch khoảng 20-25 ngày.

Khoai tây từ trồng đến thu hoạch khoảng 90 ngày, trong đó, thời gian làm củ khoảng 45-50 ngày; riêng thời gian tích lũy dinh dưỡng vào củ khoảng 30-35 ngày (tùy giống). Thực nghiệm cho thấy, nếu thu hoạch khoai 75 ngày tuổi so với khoai đủ 90 ngày tuổi thì năng suất giảm 30- 35% và chất lượng củ (độ bở và hàm lượng dinh dưỡng) thấp trên 10%. Do vậy, ngoài yếu tố giống và thời tiết, việc giữ được thân lá tươi bền đến cuối vụ là diều kiện cơ bản tạo cho năng suất, chất lượng cao .

Thực tế, ở các vùng trồng khoai tây lớn ở miền Bắc như Thái Bình, Hải Dương, Nam Định… nông dân sử dụng phân chuyên dùng Văn Điển đã nhiều năm nay. Phân bón chuyên dùng cho khoai tây của Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển có đầy đủ cân đối các chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng đã giúp cho cây khoai tây thân mập, khỏe, sinh trưởng và phát triển cân đối, thân lá tươi tốt đến cuối vụ, sức chống chịu cao nên rất ít sâu bệnh, nhất là bệnh sương mai và bệnh ghẻ củ; tạo cho khoai tây sai củ, củ lớn nhanh, cỡ củ đồng đều, tỷ lệ củ to cao, mẫu mã đẹp và vỏ củ dày, ít bong tróc khi thu hoạch, chất lượng, hương vị, tinh bột củ được đánh giá cao, được người tiêu dùng và nhà máy thu mua chế biến rất ưa chuộng, khoai dễ bán hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng./.

Trọng Hòa  – Nam Phong