Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Trồng nhãn, nuôi yến thành tỷ phú, giúp nhiều hội viên thoát nghèo

Tuấn Long - 07:12 12/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthonmoi) Cũng như nhiều nông dân khác, hành trình đến với nghề nông của ông Phạm Ngọc Thân, ở thôn 4, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk từ hai bàn tay trắng. Nhưng bằng sự năng động, sáng tạo ông đã mở ra hướng phát triển kinh tế và làm giàu. Từ mô hình kinh tế trang trại đã giúp cho nhiều hội viên nông dân học hỏi và vươn lên.
Ông Phạm Ngọc Thân (giữa) giới thiệu về sản phẩm tổ yến của gia đình.

Linh hoạt làm kinh tế

Ông Phạm Ngọc Thân chia sẻ: Quê gốc ở Thái Bình, gia đình ông đến thôn 4, xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) lập nghiệp với 2 bàn tay trắng. Ông phải đi làm thuê, đi vay vốn, tiến dần từng bước với việc trồng cà phê, hồ tiêu và nuôi bò. 

Trong những năm đầu khó khăn, ông Thân đã chăm chỉ khai hoang, nghiên cứu, tham gia các lớp tập huấn khuyến nông để có kỹ thuật chăm sóc cây trồng đạt năng suất, chất lượng. Đến nay, gia đình ông đã có 2ha tiêu, 2ha điều và 3ha cà phê. 

Không dừng lại ở việc mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp, gia đình ông mạnh dạn phát triển thêm mô hình nuôi chim yến với quy mô trên 1.000m2, kết hợp với kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp và xăng dầu. Đến nay, ông đã có 1 chuỗi cửa hàng và trang trại, doanh thu trên 15 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động ở địa phương và hàng chục lao động thời vụ.

Ông Phạm Ngọc Thân được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 (ảnh chụp màn hình)

Vừa làm, vừa sàng lọc, suy ngẫm, ông Phạm Ngọc Thân đang ấp ủ kế hoạch lớn hơn. Ông sẽ không dừng ở kinh tế hộ, mà sẽ liên kết với nhiều nông hộ khác khai mở tiềm năng của vùng đất Buôn Đôn.

“Chúng tôi vẫn sẽ chú trọng vào việc duy trì hỗ trợ đầu tư cho bà con nông dân. Tôi còn đang định hướng gia đình và một số bà con trong thôn mở rộng nuôi yến, xây dựng sản phẩm yến sạch tiêu chuẩn OCOP để đưa ra thị trường thế giới. Tôi cũng đang cùng ngành Nông nghiệp huyện thành lập HTX sản xuất kinh doanh trồng nhãn trên cánh đồng rộng tại xã Tân Hòa, hi vọng mọi việc sẽ thuận lợi và thành công”, ông Thân chia sẻ.

Giúp đỡ hội viên vươn lên

Không những làm kinh tế giỏi, ông Phạm Ngọc Thân luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua do các cấp Hội ND phát động; đóng góp vào các công trình, hạ tầng xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đồng thời, ông cũng nhiệt tình, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hàng trăm hội viên khác tại huyện Buôn Đôn. Ông còn bán chịu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với lãi suất không đồng cho các hộ nghèo... Với sự hỗ trợ của ông Phạm Ngọc Thân, nhiều hội viên ở xã Tân Hòa và vùng lân cận đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Anh Hoàng Đức Dũng ở thôn 6, xã Tân Hòa, là một trong những người hiểu rõ và luôn tri ân ông Phạm Ngọc Thân. Anh cho biết, mình nhà nghèo, khởi nghiệp trầy trật vì vừa thiếu vốn vừa thiếu tầm nhìn. Chuỗi ngày nhảy việc chỉ dừng lại khi anh Dũng được ông Thân nhận vào làm việc tại cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Trang trại nuôi dê của anh Hoàng Đức Dũng được ông Thân hỗ trợ vay vốn.

Tiếp đó, khi biết anh Dũng muốn khởi nghiệp, phát triển kinh tế bằng việc chăn nuôi dê, ông Thân không ngần ngại cho vay tiền mà không lấy lãi. Nhận được tiền vay, anh Dũng mua 8 cặp dê giống về chăn nuôi. Sau hơn 1 năm nhân đàn lên được trên 50 con, anh bán bớt dê mua thêm cặp bò giống. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và biết cách chăm sóc nên chăn nuôi có lãi, gia đình đã hoàn trả được nợ gốc và có tiền trang trải cuộc sống.

“Tôi vào làm cho bác Thân từ hơn 5 năm trước. Sau đó tôi có mượn tiền của bác để chăn nuôi nhằm kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Hiện nay, thu nhập của gia đình tôi khá ổn. Ngoài tiền lương hơn 70 triệu nhận từ bác Thân, thu nhập từ bò và dê cũng được vài chục triệu đồng, tổng cộng được trên 100 triệu đồng/năm. Gia đình có tiền xây nhà, nuôi các cháu ăn học”, anh Dũng cho biết.

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, ông Thân tích cực tuyên truyền cho bà con nông dân hiểu và tham gia đóng góp tiền, hiến đất xây dựng hội trường thôn, làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, thu gom rác thải, tham gia dọn vệ sinh môi trường xanh và sạch. 

Gia đình ông còn phối hợp với một số nhà hảo tâm triển khai nhiều hoạt động thiện nguyện; mỗi tháng hỗ trợ 300 suất cơm cho các bệnh nhân nghèo, khó khăn ở các cơ sở y tế huyện và xã, dịp Tết Trung thu trao tặng trên 1.000 suất quà cho trẻ em ở địa phương. Năm 2020, ông cùng với bà con trong thôn đóng góp hàng hóa trị giá 60 triệu đồng để giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng lũ lụt ở miền Trung. 

“Ông Phạm Ngọc Thân là tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi và nhiệt tình tham gia các hoạt động do Hội ND và chính quyền địa phương phát động; giúp nhiều hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hội Nông dân huyện đang tiếp tục nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến để lan tỏa trong cộng đồng, nhiều hộ nghèo sẽ tiếp tục được hỗ trợ, giúp đỡ.”
Ông Tô Văn Liệu – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Buôn Đôn.