Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thị trường chứng khoán ảm đạm những ngày cuối năm

Tú San - 11:49 26/12/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - VN-Index có tuần giao dịch kém khả quan khi sụt giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản. Kết phiên giao dịch ngày 23/12, chỉ số đóng cửa tại mốc 1.020 điểm tương ứng giảm 3% cùng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 15.800 tỷ đồng giảm nhẹ 2% so với tuần trước đó.

Những phiên ảm đảm cuối năm

Bức tranh thị trường chung tiếp tục ảm đạm trong phiên giao dịch ngày cuối tuần thứ 3 của tháng 12/2022. Bằng chứng là thanh khoản tụt xuống mức thấp nhất trong 1 tháng qua, đồng thời các chỉ số cũng giao dịch trong biên độ hẹp. Các chỉ số chính vẫn đang chìm trong “sắc đỏ” , trong đó phần lớn thời gian giao dịch với sự phân hoá của các cổ phiếu trụ. Tuy nhiên, các cổ phiếu ngành điện gây chú ý với nhiều mã tăng tốt như POW, GEG, NT2 trong bối cảnh Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố tăng giá điện. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu của nhóm thép, chứng khoán lại giảm mạnh,  nhóm tài nguyên cơ bản, dịch vụ tài chính và hóa chất giảm mạnh nhất với mức giảm lần lượt là 8,3%; 8% và 6,7%. Trong những phút cuối của phiên, đã có những dấu hiệu “bắt đáy” nhưng lực cầu không đủ mạnh để giúp các chỉ số trở lại sắc xanh.

Ông Bùi Văn Đức – Phó trưởng phòng môi giới đầu tư – Công ty chứng khoán Agriseco chi nhánh miền Nam

Ông Bùi Văn Đức – Phó trưởng phòng môi giới đầu tư – Công ty chứng khoán Agriseco chi nhánh miền Nam cho biết: “ Xét theo vốn hoá, tuần qua cả 3 chỉ số đều điều chỉnh giảm tuy nhiên dòng tiền có xu hướng quay trở lại nhóm vốn hóa lớn. Cụ thể chỉ số VN30 ghi nhận mức giảm 3% trong khi đó chỉ số VNMIDCAP và VNSMALLCAP giảm mạnh hơn với mức giảm 5%”.

Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên giảm điểm trở lại, khối lượng giao dịch sụt giảm và duy trì dưới mức bình quân 10 – 20 phiên cho thấy dòng tiền đưa vào thị trường đang khá thận trọng. Không những thế, chỉ số đóng cửa dưới MA5 cùng với MA5 cắt xuống dưới MA20 cho thấy xu hướng giảm vẫn đang tiếp diễn. Thêm vào đó, đường MCAD hướng xuống dưới Signal duy trì tín hiệu bán và RSI hướng xuống dưới vùng 47 cho thấy áp lực giảm đang mạnh lên và chỉ số có thể thử thách ở ngưỡng 1.011 điểm (MA50) hoặc xa hơn là vùng tâm lý mức 1.000 điểm trong những phiên sắp tới.

Bà Nguyễn Ngọc Lan Anh – Phó giám đốc chi nhánh Tân Bình – Công ty CP chứng khoán Phú Hưn

Bà Nguyễn Ngọc Lan Anh – Phó giám đốc chi nhánh Tân Bình – Công ty CP chứng khoán Phú Hưng xác nhận: “Chỉ số đã có những phiên giảm trở lại và duy trì đóng cửa ở mức MA5 cho thấy thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm. Do đó, giai đoạn này theo tôi thì các nhà đẩu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức an toàn nhằm hạn chế rủi ro từ thị trường”.

Cần thận trọng trong những phiên giao dịch cuối

Dưới áp lực bán liên tục gia tăng trong những phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index xác nhận xu hướng giảm ngắn hạn sau khi đánh mất mốc 1.030 điểm (tương đương hỗ trợ MA20). Những phiên sau đó chỉ số quay lại trạng thái giằng co trong biên độ 1.000 – 1.040 điểm kèm khối lượng giao dịch thu hẹp dần cho thấy tâm lý lưỡng lự của nhà đầu tư khi mua bán chỉ mang tính chất thăm dò.

Ông Bùi Văn Đức nhận định thêm: “Chúng tôi nghiêng về kịch bản thị trường sẽ tích cực hơn trong tuần tới và VN-Index có thể hướng về vùng 1.040 – 1.050 điểm do (1) Hỗ trợ trung hạn MA50 nhiều lần kiểm định thành công và sẽ trở thành ngưỡng hỗ trợ quan trọng của chỉ số trong các phiên tới (2) Số liệu kinh tế vĩ mô cả năm 2022 sẽ được công bố vào ngày 29/12, dự kiến khả quan với GDP có thể đạt 8% - cao nhất trong vòng 11 năm và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát (3) Các quỹ đầu tư thực hiện chốt NAV cuối năm. Theo thống kê 5 phiên giao dịch cuối cùng của năm trong 10 năm qua, có đến 9/10 năm khối ngoại tích cực mua ròng với giá trị mua ròng gần 600 tỷ đồng. Trong khoảng thời gian này VN-Index cũng ghi nhận 7/10 lần tăng giá với mức tăng bình quân 2,3%”.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã phát đi tín hiệu dần nới lỏng chính sách phòng chống Covid – 19 trên toàn quốc. Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiến tới mở cửa hậu Covid – 19 sẽ tác động đến kinh tế - xã hội toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Quá trình phục hồi kinh tế và mở cửa có thể diễn ra vào đầu năm 2023, giúp mở ra cơ hội phục hồi một số nhóm ngành, lĩnh vực của Việt Nam trong trung hạn. Một số nhóm ngành có thể hưởng lợi nhờ sự kiện này bao gồm: Xuất khẩu (thủy sản, dệt may, cao su); Hàng không (cảng hàng không, vận tải hành khách); Du lịch; Cảng biển; Bất động sản Khu công nghiệp; Thép. Với hiệu ứng chốt NAV cuối năm, nhà đầu tư lướt sóng có thể trading tỷ trọng nhỏ (dưới 10%) với các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 và ưu tiên giải ngân khi xu hướng mới được hình thành, đồng thời hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính để tránh rủi ro thị trường xuất hiện những biến động mạnh ảnh hưởng đến danh mục đầu tư.