Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

TTCK: Chính sách đầu tư công đang tạo đòn bẩy

Tú San - 08:12 27/03/2023 GMT+7
Giải ngân đầu tư công 2023 sẽ là rất tích cực, trong hai tháng đầu năm nay có 90% vốn đầu tư công (trong số 31 tỉ USD) đã được Chính phủ giao xuống các đơn vị để triển khai. Trong tình hình vào tháng 5 tới đây nếu Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) không tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có cơ sở để bơm tiền mạnh vào nền kinh tế, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh.

Dự báo khả quan khi Nhà nước đẩy mạnh đầu tư công

Chia sẻ tại buổi hội thảo "Chứng khoán 2023: La bàn giữa vùng biển động" do Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định:

“ Về tình hình kinh tế vĩ mô, trong ngắn hạn Việt Nam vẫn phải đối mặt nhiều thách thức, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, lợi nhuận các doanh nghiệp khó có thể tăng cao. Tuy nhiên, thời điểm lúc dịch COVID-19 bùng phát, kinh tế vẫn có điểm tựa xuất khẩu, thì năm nay do sức cầu ở thị trường Hoa Kỳ và EU yếu đi, nên doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng, theo đó cũng làm chỉ số CPI giảm tương ứng. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn được thúc đẩy từ hoạt động đầu tư công. Hai tháng đầu năm nay có 90% vốn đầu tư công (trong số 31 tỉ USD) đã được Chính phủ giao xuống các đơn vị để triển khai. Theo định mức tăng trưởng bình quân mà Chính phủ đang đưa ra ở mức 6,5%/năm (trong nhiệm kỳ 5 năm tới) thì để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay, đầu tư công thôi chưa đủ, cần có sự góp sức của chính sách tiền tệ - tiền được bơm ra mạnh hơn. Tuy nhiên, những gì xấu nhất của thị trường mà chúng ta chứng kiến vào cuối năm ngoái đã qua”.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Đại học Fulbright Việt Nam

Bên cạnh đó, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa nửa đầu tháng 3 (1/3- 15/3) của Việt Nam đạt 27,15 tỷ USD, giảm 11% yoy. Trong kỳ, Việt Nam nhập siêu 0,49 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 123 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt gần 63 tỷ USD, nhập khẩu đạt 60 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư gần 3 tỷ USD. Điều này cũng cho thấy ngoài việc giải ngân đầu tư công thì thị trường xuất nhập khẩu cũng mang lại dòng tiền luân chuyển vào thị trường hỗ trợ các chỉ số kinh tế khả quan hơn trong thời gian tới.

Cổ phiếu ngành Bất động sản vẫn chưa ổn định

Hơn 1 tỷ USD trái phiếu của doanh nghiệp Việt được phát hành thành công trong vòng 2 tuần của tháng 3/2023 vừa qua, tập trung trong thời gian từ 10/3-17/3. Trong đó, ngày 10/3, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An là doanh nghiệp đầu tiên với thông báo đã phát hành thành công 4.700 tỷ đồng trái phiếu. Có thể thấy khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 5/3, thị trường trái phiếu có tín hiệu ấm trở lại sau gần một năm ảm đảm. Dù vậy, đó cũng chỉ là một “đốm sáng” và điều này cũng không tạo ra được nhiều tính tích cực tác động đến cổ phiếu của nhóm ngành này.

Ông Matthew Smith - Giám đốc nghiên cứu của Yuanta Việt Nam

Nhân định về nhóm cổ phiếu ngành Bất động sàn, Ông Matthew Smith - Giám đốc nghiên cứu của Yuanta Việt Nam - cho biết: “Mặc dù cổ phiếu ngành bất động sản đang ở định giá hấp dẫn, lãi suất cũng khó tăng hơn nữa, nhưng vẫn chưa sẵn sàng cho các giao dịch ngắn hạn, cần theo dõi thêm việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp. Có nhiều điểm bất lợi đang diễn ra với doanh nghiệp phát triển bất động sản thương mại (trung tâm mua sắm, nhà mặt phố...). Tình hình sẽ không lạc quan với các bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch kết hợp - quy mô quá lớn so với nhu cầu của người Việt, ở xa trung tâm”.

Tuy nhiên, TTCK Việt Nam vẫn còn có nhiều dư địa đầu tư do có dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang tăng lên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, định giá cổ phiếu (P/E) năm 2023 đạt mức 10x - thấp nhất trong khu vực châu Á... nên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất thu hút nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài. Ông Matthew Smith nhận định thêm: “Với góc nhìn đầu tư dài hạn, mặc dù năm 2023 là thời điểm tốt để tham gia chứng khoán, nhưng nhà đầu tư cần quản trị rủi ro. Đó là lấy phân tích cơ bản làm nền tảng, kiểm soát rủi ro giảm giá (cắt lỗ, bảo toàn lợi nhuận), tránh các giao dịch "phá hoại" - không "bỏ trứng vào một rổ", tránh dùng tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao vì có thể sẽ bị xóa sạch thành quả khi thị trường giảm giá. Về chiến lược đầu tư, tôi cho rằng, nên xem xét cổ phiếu ngành Ngân hàng một cách "lạc quan nhưng cần thận trọng". Dự báo lợi nhuận ngành này sẽ tăng 16% so với năm trước. Hiện nhiều ngân hàng vẫn đạt chất lượng cao về vốn, tài sản, lợi nhuận, tính thanh khoản. Ngành tiêu dùng vẫn là điểm sáng trong dài hạn, đặc biệt là ngành tiêu dùng xa xỉ (bao gồm kinh doanh vàng)”.

Trao đổi củng Tạp chí Nông thôn mới, Ông Nguyễn Hoàng Tùng – Giám đốc Công ty chứng khoán Agribank miền Nam cho biết:

Trong giai đoạn thị trường đi ngang, tôi nhận thấy đây là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư trung và dài hạn tích lũy các cổ phiểu đầu ngành, có nền tảng cơ bản tốt. Một số nhóm ngành chúng tôi kì vọng sẽ có KQKD Qúy I khả quan bao gồm: Bất động sản khu công nghiệp, dầu khí (nhóm thượng nguồn), CNTT, điện, lương thực. Nhà đầu tư có thể tích lũy trong những nhịp thị trường về kiểm định lại các vùng hỗ trợ. Đối với nhà đầu tư ngắn hạn có thể tham gia các nhóm thu hút dòng tiền như chứng khoán, bất động sản. Song cần lưu ý dòng tiền thời gian này có sự luân chuyển nhanh giữa các nhóm ngành và chịu sự chi phối tương đối lớn của các tin tức vĩ mô do đó nhà đầu tư nên áp dụng chiến lược đánh ngắn và xác định rõ điểm cắt lỗ và chốt lời trước khi thực hiện giao dịch. Về danh mục khuyến nghị tháng, chi tiết nhà đầu tư có thể tham khảo tại màn hình đang hiển thị. Trong đó một số mã có tỷ suất sinh lời vượt trội hơn thị trường chung tính đến thời điểm hiện tại là POW, GMD.