Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

TTCK: Chưa có dấu hiệu cải thiện, thiếu thông tin hỗ trợ

Tú San - 19:48 06/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua một tuần giao dịch ảm đạm khi Vn-index giảm nhẹ 15 điểm xuống còn 1.024 điểm (1,5%), trong tuần hầu như không có các sự kiện hay giao dịch nào đáng chú ý khi mà đây đang là giai đoạn trống thông tin. Điểm đáng báo động là việc thanh khoản bình quân trong tuần chỉ đạt 6.000 tỷ/phiên. Mức thấp nhất trong vòng 30 tuần trở lại đây. Điều này gây nên tâm lý chán nản cho nhà đầu tư khi mà niềm tin về sự hồi phục của thị trường bắt đầu lung lay dần.

Hầu hết các chỉ số đều giảm giá trị

Thị trường kết thúc tháng 2/2023 với sự sụt giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản khi kết phiên giao dịch cuối tháng, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.025 điểm tương ứng giảm 8% so với tháng trước. Cùng với đó thanh khoản giảm nhẹ 4% với giá trị giao dịch bình quân phiên trên cả 3 sàn đạt khoảng 11.600 tỷ đồng. Về diễn biến các nhóm ngành, sau tháng 1/2023 có chút khởi sắc, áp lực bán quay trở lại với hầu hết các nhóm ngành, trong đó nhóm dịch vụ tài chính, hóa chất, du lịch là 3 nhóm giảm điểm mạnh nhất với mức giảm trên 13%. Ở chiều ngược lại nhóm viễn thông và dầu khí là 2 nhóm duy nhất giữ được sắc xanh với mức tăng lần lượt là 12,6% và 1,3%. Xét theo vốn hoá, trong tháng 2 dòng tiền tập trung vào nhóm vốn hóa lớn và nhỏ. Cụ thể chỉ số VN30 và VNSMALLCAP giảm lần lượt là 9,8% và 6,3%. Trong khi đó chỉ số VNMIDCAP giảm mạnh hơn với mức giảm 11,7%

Ông Lê Hoàng Tân – Phó TGĐ Công ty Chứng khoán Asean

Với những chỉ số thị trường đang giảm trên diện rộng, trao đổi với PV Tạp chí Nông Thôn Mới, ông Lê Hoàng Tân – Phó TGĐ Công ty Chứng khoán Asean nhận định: “Với việc tình hình thị trường chung vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, các thông tin hỗ trợ không còn nhiều. Tôi nhận định tuần tới VN-Index tiếp tục giao động trong biên độ hẹp từ 1.000-1.050 điểm và có xu hướng giảm về 1.000 điểm ở những phiên cuối tuần. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài quan sát, chưa mua mới giai đoạn này, kiên nhẫn chờ đợi để có điểm mua tốt hơn. Kiểm soát thật tốt tỷ trọng tài khoản, tiền mặt luôn duy trì ở mức cao hơn 50% để đảm bảo sẵn sàng đặt lệnh mua mới khi có những phiên giảm sâu”.

Bà Nguyễn Ngọc Lan Anh - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Ngọc Lan Anh - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng cho biết thêm: “Thị trường chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày cuối tuần khi thanh khoản vẫn chưa có dấu hiệu quay trở lại. Lực cầu suy yếu đã đẩy hầu hết các nhóm ngành sụt giảm với biên độ lớn hơn so với hôm qua. Mặt khác, kỳ vọng sóng đầu tư công giúp các cổ phiếu thép, xây dựng hạ tầng hút tiền và có thời điểm tăng khá ấn tượng. Ngoài ra, nhóm dầu khí cũng giao dịch tương đối tích cực nhờ hỗ trợ bởi đà đi lên của giá dầu. Tuy nhiên, nỗ lực đẩy giá của những nhóm ngành này đã bị dập tắt khi áp lực chốt lời gia tăng, đẩy nhiều cổ phiếu đóng cửa ở mức thấp nhất phiên. Độ rộng thị trường cho thấy sự áp đảo hoàn toàn của số mã giảm điểm”.

Kỳ vọng vào đầu tư công

Mới đây Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 02/2023. Trong đó một số chỉ tiêu đáng chú ý sau: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2023 ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, IIP ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2023 tăng 0,45% so với tháng trước và tăng 4,31% so với cùng kì. Giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân chính làm CPI tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2023 ước đạt 481,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Hai ước đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/02/2023 đạt 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam hai tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước. (số liệu từ Agriseco)

Đây là một số tín hiệu đáng kỳ vọng của thị trường chứng khoán khi hầu hết các nhóm ngành đều đang đi xuống dẫn đến tâm lý ảm đạm của nhà đầu tư trên thị trường. Theo đó, việc kích hoạt đầu tư công của Chính phủ có thể là động lực kéo lại niềm tin nhà đầu tư trong giai đoạn tới.

Ông Bùi Văn Đức - Phó Trưởng phòng Môi giới & Tư vấn đầu tư – Công ty Chứng khoán Agriseco Miền Nam

Ông Bùi Văn Đức - Phó Trưởng phòng Môi giới & Tư vấn đầu tư – Công ty Chứng khoán Agriseco Miền Nam đưa ra các dự báo: “Mặc dù tháng 3 trong quá khứ thường là tháng tăng điểm (với xác suất 73%), tuy nhiên với diễn biến giằng co của thị trường trong bối cảnh thiếu vắng các thông tin hỗ trợ, và các chỉ báo kỹ thuật đang cho tín hiệu khá tiêu cực (đường MA20 cắt đường MA50 đi xuống, hay RSI đang dưới ngưỡng 50 và đi xuống,.…) vì thế, rủi ro tiếp diễn nhịp giảm điểm với thanh khoản thấp là hiện hữu. Tôi dự báo VN-Index có thể giao dịch quanh vùng 975 – 1.050 điểm trong tháng 3. Về chiến lược đầu tư tháng 3/2023, với việc rủi ro điều chỉnh có thể tiếp diễn. Do đó, cá nhân tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên nâng cao tỷ trọng tiền mặt, giữ tỷ lệ cổ phiếu ở mức tối đa 20% và sẵn sàng tiền mặt cho nhịp giao dịch trong ngắn hạn. Cơ hội đầu tư trong tháng 3 sẽ có sự phân hóa và chọn lọc, trong bối cảnh trạng thái thận trọng được duy trì như hiện tại, nhà đầu tư có thể tham khảo một số chủ đề sau: i) Thứ nhất là chủ đề đầu tư từ nhóm cổ phiếu phòng thủ như nhiệt điện (với tỷ suất cổ tức cao và hưởng lợi bởi thời tiết chuyển dần sang trạng thái nóng) và nước (việc dòng vốn FDI tiếp tục ở mức cao sẽ là điều kiện để các doanh nghiệp ngành nước thâm nhập, từ đó tăng doanh thu và lợi nhuận). ii) Thứ hai là các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh Quý I khả quan. Bên cạnh nhóm có kết quả tăng trưởng ổn định như điện, nước, nhà đầu tư có thể theo dõi thêm nhóm cổ phiếu dầu khí trong bối cảnh giá dầu dự kiến sẽ tăng trở lại do nguồn cung từ Nga suy giảm và nhu cầu tiêu thụ tăng khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế. Ngoài ra, nhóm dầu khí có câu chuyện tăng trưởng từ dự án Lô B – Ô Môn, cũng có thể là cơ hội để tích lũy tại các nhịp điều chỉnh của thị trường”.