Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

TTCK: Nhận định khả năng thị trường trong năm 2023

Tú San - 08:18 09/01/2023 GMT+7
Có thể nói năm 2022 thị trường chứng khoán (TTCK) nước ta đã trải qua nửa năm khá thuận lợi, tuy nhiên với những “chấn động” bắt đầu từ quý III cho đến hết năm vừa qua, TTCK đã mất hơn 30% số điểm (điểm số kết thúc năm 2022 là 1.007 điểm, tính từ đỉnh 1.526 đầu năm thì cuối năm 2022 VN-Index mất gần 520 điểm). Trong bài về thị trường chứng khoán mở đầu cho năm mới 2023, Tạp chí Nông Thôn Mới đã ghi nhận một số ý kiến chuyên môn để cung cấp cho độc giả những góc nhìn của thị trường trong năm nay.

Ông Trần Đình Khánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Funan

“Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta đang chờ và trông đợi thêm 1 cú tăng ráng đầu năm nữa nhờ tiền mở room trở lại từ ngân hàng (NH) vào TTCK và nền kinh tế, về mặt kỹ thuật thì chờ cú tăng thứ 2 (test 1.100 điểm hay lên được 1.150 điểm). Tương tự chu kỳ hồi phục kỹ thuật giữa tháng 6-7-8 test lại mốc 1.300 điểm lần thứ 2.

Về vĩ mô, vẫn dự báo 2023 sẽ là năm tiếp tục khó khăn hơn cho TTCK với việc tiếp tục xử lý trái phiếu đến hạn, trước hạn với quy mô lớn hơn năm 2022 (dự kiến 350 ngàn tỷ), chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt công với lãi suất tiếp tục neo cao do FED vẫn tăng và giữ lãi suất điều hành ở mức cao (kỳ vọng đỉnh 5,1% đầu 2023). Về kỹ thuật chỉ số VN-Index được kỳ vọng thêm nhịp giảm lớn thứ 3 nữa (tương tự 2 nhịp giảm lớn trong năm 2022 với mỗi nhịp giảm hơn 400 điểm). Tôi hi vọng là trong 2 quý đầu năm sẽ diễn ra xong đợt giảm lớn cuối (5 bước sóng chính của TTCK giảm) lẫn các vấn đề tồn đọng lớn sẽ dần được chính phủ giải quyết trong nửa cuối 2023 để TTCK và nền kinh tế bắt đầu ổn định trở lại trong nửa cuối năm 2023”.

Ông Đồng Trần Quốc Bảo – (Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn) Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset

“Với sự ổn định kinh tế vĩ mô cao hơn năm 2022, TTCK sẽ sớm thu hút thêm dòng vốn đầu tư trong thời gian tới bởi vì TTCK Việt Nam vẫn tương đối hấp dẫn xét về triển vọng tăng trưởng kinh tế lẫn thu nhập doanh nghiệp (cả hai đều được dự báo vượt trội so với các thị trường khác). Hiện tại, P/E dự phòng cuối năm của TTCK Việt Nam vẫn ở mức thấp so với nhiều TTCK trên thế giới. Theo thống kê từ Bloomberg, định giá thị trường Vietnam vẫn hấp dẫn mặc dù thị trường có hồi phục đợt vừa rồi,  mức P/E hiện tại của VN-Index  hiện đang khoảng 10−11x và vẫn còn rất hấp dẫn (Mức P/E hiện tại đang quanh mức trung bình và hiện vẫn đang là mức thấp trong lịch sử). Các phân tích đều đặt mức mục tiêu của VN-Index trong năm 2023 theo báo cáo chiến lược từ 950 điểm đến 1.350 điểm. Mức kì vọng tích cực cho thị trường chứng khoán trong năm 2023 nhờ: i) Áp lực tăng lãi suất giảm dần sau các tín hiệu gần đây của Fed; ii) Tâm lý thị trường được cải thiện; iii) Sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt sau khi Trung Quốc nới lỏng giãn cách. Các nhóm ngành có câu chuyện riêng được đánh giá cao trong năm 2023 gồm khu công nghiệp nhờ tỷ lệ lấp đầy cao tại khu vực phía Nam, mức giá cho thuê sẽ tiếp tục tăng tại một số khu vực trọng điểm kinh tế bao gồm TP.HCM và các khu vực lân cận nhóm cổ phiếu ưu tiên gồm IDC, PHR; nhóm ngân hàng ưu tiên khối các ngân hàng quốc doanh sẽ là một lựa chọn tốt nhờ: i) Định giá tương đối thấp so với mức định giá quá khứ, ii) Rủi ro hoạt động liên tục thấp, iii) Có sự hỗ trợ tốt từ cổ đông lớn, iv) Liên kết nội khối tốt, v) Lợi thế huy động vốn, vi) Dư nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp tương đối thấp. Theo đó cổ phiếu ngân hàng xem xét hàng đầu là BID, CTG,VCB,  ngoài ra các cổ phiếu vốn hoá lớn mang rủi ro ít hơn so với biến động môi trường vĩ mô như nhóm tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản thương mại như VNM, MWG, VRE là những cổ phiếu được ưu tiên nhiều nhất”. 

Ông Lê Hoàng Tân – Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Asean

“Thị trường chứng khoán bước vào năm 2023 với nhiều sự hoài nghi khi các tín hiệu cho thấy suy thoái toàn cầu đang ngày càng gia tăng. Ảnh hưởng từ các chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng Trung ương trên thế giới như FED, ECB & BOE sẽ bắt đầu tác động trực tiếp lên hầu hết các doanh nghiệp trong năm 2023. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bất ổn và đầy biến động, Việt Nam vẫn nổi lên như là điểm sáng hiếm hoi khi duy trì tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8.02 %, đặc biệt cán cân xuất nhập khẩu tăng mạnh khi giá trị xuất siêu của Việt Nam đạt 11.2 tỷ USD, giúp ổn định tỷ giá và lượng dữ trữ ngoại tệ. Tuy nhiên, thách thức thật sự sẽ đến trong năm 2023 khi các doanh nghiệp bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng từ việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất. Room tín dụng của ngành Bất động sản bị siết lại, các quy định cho vay ngày càng chặt chẽ sẽ khiến cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn hơn bao giờ hết. Từ đó kéo theo hệ lụy là thanh khoản toàn thị trường sụt giảm, đi đâu cũng có cảm giác thiếu tiền và điều này đang ảnh hưởng trực tiếp tới thanh khoản của thị trường chứng khoán.

Về Kịch bản cho thị trường chứng khoán 2023: Với những tín hiệu không mấy tích cực từ nền kinh tế, tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trải qua năm 2023 ít những bất ngờ với nhiều sự thận trọng từ các nhà đầu tư. Giai đoạn đầu năm 2023, Vn-Index dự kiến giao động trong biên độ hẹp từ 950 – 1.100 điểm. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp, bình quân 6.000-8.000 tỷ/ phiên. Đến nửa cuối năm 2023, kỳ vọng từ việc FED bắt đầu ngừng tăng lãi suất và nới lỏng các chính sách tiền tệ sẽ giúp cho thị trường tăng điểm trở lại sau chu kỳ 2 năm giảm điểm, Vn-Index dự kiến quay trở lại vùng 1.500 điểm cho thời điểm cuối năm 2023, thanh khoản theo đó cũng tăng lên theo đà tăng của thị trường chung.  Các nhóm ngành triển vọng 2023: Những nhóm ngành được kỳ vọng tăng trưởng nhiều nhất cho năm 2023 phải kể đến là Hàng không, Du lịch khi Trung Quốc mở cửa. Nhóm Thép, Đầu tư công sẽ được hưởng lợi từ các chính sách của Chính phủ trong khi ngành Bảo hiểm sẽ có sự đột phá về lợi nhuận khi lãi suất tăng. Cuối cùng, nhóm Bất động sản khu công nghiệp vẫn sẽ đáng chú ý khi dòng vốn FDI tiếp tục đổ về Việt Nam”.

 Bà Hồ Mỹ Thể - Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Agribank – Chi nhánh Miền Nam

“Nhìn lại TTCK đã có tuần giao dịch đầu năm 2023 trong sắc xanh khi VN-Index tăng hơn 4% và đóng cửa tuần tại mốc 1.051 điểm. Thanh khoản bình quân mặc dù cải thiện 9% so với tuần cuối của năm 2022, đạt 11.700 tỷ đồng song vẫn ở mức thấp hơn so với trung bình 1 tháng gần đây cho thấy tâm lý thận trọng vẫn được duy trì.

Theo thông tin từ Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, tiếp nối đà hồi phục tăng trưởng 8,0% của năm 2022, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,2% trong năm 2023 và 6,7% trong năm 2024. Lạm phát được dự đoán sẽ tăng trong suốt cả năm 2023, đạt khoảng 6% vào những tháng cuối năm và trung bình 5,5% trong cả năm 2023 và 2024 (so với mức 3,2% năm 2022). Thâm hụt tài khóa của Việt Nam có thể kéo dài và là nguồn gốc của lạm phát. Ngân hàng này kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tăng lãi suất thêm 1,0 điểm phần trăm trong quý I năm 2023 và giữ nguyên cho đến cuối năm 2024 nhằm duy trì sự ổn định. Bên cạnh đó, theo báo cáo việc làm mới nhất của bộ lao động Mỹ, nền kinh tế Mỹ có thêm 223.000 việc làm trong tháng 12/2022, cao hơn so với dự báo 200.000 việc làm của các chuyên gia kinh với tỷ lệ thất nghiệp là 3,5%. Bên cạnh đó, tiền lương tăng chậm hơn dự báo, tăng 0,3% so với tháng trước, trong khi chuyên gia dự báo 0,4%. Thu nhập bình quân mỗi giờ cho thấy lạm phát đang chậm lại, một dấu hiệu cho thấy các đợt nâng lãi suất của Fed có lẽ đã hạ nhiệt nền kinh tế.

Vì thế, cá nhân tôi cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong những tháng đầu năm 2023, biên độ giao động trong khoảng từ 950 - 1.250 điểm. Và thị trường có thể bắt đầu khởi sắc vào nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa rõ nét đối với các nhóm ngành, cổ phiếu có kỳ vọng tăng trưởng tốt”.