Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thị trường có “thủng đáy” với nỗi lo suy thoái kinh tế

Tú San - 11:08 11/07/2022 GMT+7
Sau những phiên “thủng đáy” đầu tuần thì những nỗ lực phục hồi của thị trường chứng khoán (TTCK) dần suy yếu ở cuối tuần trước, chỉ số VN Index nối tiếp giảm gần 30 điểm. Giao dịch của tự doanh Công ty chứng khoán (CTCK) và khối ngoại trong tuần qua có xu hướng trái ngược, trong khi tự doanh thiên hướng mua ròng hơn 500 tỷ thì nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài lại có một tuần bán ròng với giá trị trên nghìn tỷ.

Phiên rũ về dưới hỗ trợ đáy cũ 1.156 điểm (ngày 6/7) bị phủ định trong phiên bật tăng phục hồi ngay sau đó (ngày 7/7) và cho đến cuối tuần thì lực bán tuy có gia tăng áp lực nhưng chỉ số vẫn duy trì đóng cửa được trên vùng hỗ trợ. Khối tự doanh cũng gây chú ý khi trong phiên ngày 6/7 khi mở vị thế bán hơn 8,8 ngàn hợp đồng phái sinh VN30F2207 (tương đương giá trị hơn 1.087 tỷ đồng). Có thể thấy giao dịch của các tổ chức này vẫn chưa mấy đồng thuận, thiên hướng thận trọng và ngắn hạn bởi những lo ngại về dòng tiền yếu ớt của thị trường trong giai đoạn hiện tại. Tạp chí Nông Thôn Mới đã có buổi phỏng vấn anh Nguyễn Hoàng Tùng – Giám đốc Công ty chứng khoán Agribank chi nhánh miền Nam về những khả năng biến động của thị trường trong thời gian tới

Anh Nguyễn Hoàng Tùng – Giám đốc Công ty chứng khoán Agribank chi nhánh miền Nam 

Sau phiên phá thủng đáy, thị trường hai phiên hồi phục khá tích cực với dòng tiền lan toả mạnh đến nhiều nhóm cổ phiếu. Theo dự báo của anh xu hướng thị trường tuần này như thế nào?

Anh Nguyễn Hoàng Tùng: “Theo tôi, việc chỉ số lấy lại được ngưỡng 1.160 điểm trong 2 phiên cuối tuần trước đã hỗ trợ tốt tới tâm lý nhà đầu tư. Điều này được thể hiện qua giao dịch của khối ngoại và khối tự doanh đã bắt đáy trong phiên ngày 07/7, rồi sau đó tới lượt khối nhà đầu tư trong nước tham gia trong các phiên cuối tuần, và thanh khoản giao dịch đã bắt đầu nhích tăng trở lại. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chỉ số vẫn sẽ cần kiểm định thêm yếu tố cung-cầu trong giai đoạn tới, do lực cầu bắt đáy tại các nhịp hồi phục vừa qua chưa quá lớn. Do vậy, tuần tới khả năng thị trường sẽ tích luỹ trong biên độ hẹp, từ 1.165-1.190 điểm.”

Giao dịch khối ngoại là điểm sáng của thị trường trong những đợt giảm mạnh diễn ra trước đó. Tuy nhiên, tuần vừa qua khối ngoại giao dịch khá tiêu cực khi mạnh tay bán ròng ngày 5/6 phiên trong tuần. Anh nhận định như thế nào về diễn biến này?

Anh Nguyễn Hoàng Tùng: “Diễn biến bán ròng của khối ngoại thời gian gần đây theo tôi có thể là kết quả của nhiều sự kiện có tác động nhiều ngành nghề diễn ra cùng một lúc: (1) Xung đột Nga – Ukraine; (2) Trung Quốc duy trì chính sách Zero-Covid. Trong đó, sự kiện xung đột Nga-Ukraine kéo dài đã làm giá dầu thô thế giới tăng cao và làm gia tăng lạm phát toàn cầu. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang đẩy mạnh việc tăng lãi suất điều hành nhằm giảm lạm phát, do đó dòng vốn sẽ có xu hướng chuyển dịch từ các tài sản rủi ro sang các tài sản bớt rủi ro hơn, và đây có thể là lý do xuất hiện động thái rút ròng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam tuần qua.”

Các Ngân hàng trung ương trên thế giới đang trong cuộc đua tăng lãi suất, điều này khiến dấy lên lo ngại về suy thoái nền kinh tế toàn cầu. Hiện tại, lãi suất tại nhiều ngân hàng đã rục rịch tăng, song với nhiều yếu tố vĩ mô ổn định có thể giúp Việt Nam “đứng ngoài” nỗi lo suy thoái không? Với xác suất suy thoái xảy ra, kịch bản nào cho chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới?

Anh Nguyễn Hoàng Tùng: “Tôi cho rằng động thái tăng lãi suất tại nhiều ngân hàng đã một phần thể hiện mối lo ngại về nỗi lo suy thoái. Việc hoạt động kinh doanh được khôi phục sau đại dịch Covid-19 kết hợp với các chính sách thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ sẽ giúp Việt Nam hạn chế được đáng kể tốc độ suy thoái của nền kinh tế. Nếu suy thoái diễn ra, thị trường chứng khoán có thể sẽ bước vào giai đoạn giảm điểm lớn khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhiều khả năng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Mặc dù vậy, đây cũng là thời điểm thích hợp để thanh lọc những cổ phiếu có nền tảng tài chính yếu kém và tập trung vào các cổ phiếu có cơ cấu tài chính vững chắc.”

Các ngân hàng cũng đang chuẩn bị tăng lãi suất thể hiện sự lo ngại về suy thoái kinh tế

Nhiều ý kiến cho rằng, sau những đợt giảm mạnh định giá thị trường đang rất hấp dẫn và phù hợp để tích luỹ cổ phiếu cho mục tiêu dài hạn. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?

Anh Nguyễn Hoàng Tùng: “Với bối cảnh hiện tại, mặc dù định giá P/E của VN-Index đang giảm về ngang thời điểm mới xuất hiện Covid-19, tuy nhiên tôi cho rằng cơ hội chưa tới toàn bộ thị trường, bởi chỉ tiêu E (EPS) cũng chịu tác động từ các khoản lợi nhuận bất thường, lợi nhuận khác – nếu tính toán cả những chỉ tiêu này thì sẽ làm KQKD của doanh nghiệp vô tình trở nên hấp dẫn hơn. Vì vậy, tôi đánh giá nên sử dụng hệ số P/B kết hợp với ROE để đánh giá tính đắt rẻ của VN-Index. Hiện tại, tôi nhận thấy nhóm VN30 đang bắt đầu bước vào vùng định giá hấp dẫn với một số cổ phiếu có hiệu quả kinh doanh cải thiện và định giá rẻ hơn so với trước Covid-19. Trong khi đó, nhóm VN Midcap thì vẫn đang ghi nhận khoảng 80% số doanh nghiệp đang bị định giá cao hơn trước dịch Covid và quá nửa là chưa cải thiện hiệu quả kinh doanh. Như vậy, nhà đầu tư nếu theo chiến lược nắm giữ cho mục tiêu dài hạn đã có thể tham gia mua vào một số cổ phiếu có định giá hấp dẫn đi kèm với hiệu quả kinh doanh cải thiện so với trước dịch Covid-19. Một số cổ phiếu có thể kể tới như HPG, VHM, SCS, DHC, VCG.”

Kết quả kinh doanh quý 2 sắp được công bố với nhiều kỳ vọng tích cực. Theo anh thì cơ hội đầu tư nào sẽ đến từ mùa báo cáo sắp tới?

Anh Nguyễn Hoàng Tùng: “Với cơ hội đầu tư trong mùa báo cáo quý 2, hiện tại, số liệu ước tính đã được nhiều doanh nghiệp công bố và phần nào đã phản ánh vào giá cổ phiếu trong khoảng 1 tháng gần đây. Theo tôi, cơ hội đầu tư sẽ xuất hiện tại (1) Nhóm ngân hàng với tăng trưởng tín dụng dự kiến tiếp tục ở mức cao; (2) Nhóm cổ phiếu thuộc ngành hàng thiết yếu như điện, nước; (3) Nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ giá năng lượng tăng như dầu khí; (4) Nhóm xuất siêu lớn như thuỷ sản hay gỗ sẽ là các doanh nghiệp dự kiến kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong quý 2 này.”

Theo nhận định của Phòng Phân tích Công ty CP Chứng khoán Funan thì khả năng thị trường trong giai đoạn sắp tới thì trên đồ thị tuần, chỉ số VN Index tiếp tục tạo nến bán với biên độ khá lớn nhưng rút chân về gần giữa nến và lượng cung đã suy giảm đáng kể so với giai đoạn trước. Còn ở đồ thị ngày, phe bán gây áp lực nhưng chỉ số vẫn giữ được hỗ trợ tạm thời mở ra một kịch bản khả quan hơn về khả năng nhịp hồi kỹ thuật được tiếp diễn trong tuần tới. Tuy nhiên với các diễn biến phức tạp khó dự báo của tình hình vĩ mô thế giới và trong nước, việc tham gia vào thị trường thời điểm hiện tại vẫn chỉ nên mang tính chất trading ngắn hạn và phải đảm bảo tuân thủ các biện pháp quản trị rủi ro cho danh mục. Bên cạnh đó thì việc lựa chọn cổ phiếu nào thực sự còn tiềm năng cũng như vùng giá mua nào cho biên an toàn phù hợp sẽ là những yếu tố thiết yếu ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư trong giai đoạn này.