Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

TTCK: Tiềm năng của nhóm cổ phiếu ngành Ngân hàng & Bất động sản

Tú San - 12:04 05/06/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 20/5/2022, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP (Nghị định 31) về việc hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đồng thời trong cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN (Thông tư 03) hướng dẫn các Ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện hỗ trợ lãi suất theo nghị định trên. Điều này đang tạo thuận lợi rất lớn cho nhóm cổ phiếu ngành Ngân hàng bứt phá trong thời gian tới.

Chính sách thuận lợi đang hỗ trợ cho nhóm ngân hàng

Theo Ngân hàng Nhà nước, Nghị định 31 và Thông tư 03 được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn. Qua đó, có thể thấy ngành Ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất này khi có thể mở rộng quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh thu nhập lãi thuần (NII). Bên cạnh đó, một đợt nới room tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới cho các NHTM khi nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức được cấp đầu năm là rất khả thi. Trong năm 2022, sự kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng sẽ đạt mức trên 20% nhờ kinh tế Việt Nam được dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ khi Việt Nam gần như đã trở lại trạng thái bình thường trước dịch và mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm 2021 là một lợi thế lớn cho sự tăng trưởng trong 2022. Ngoài ra, số liệu được Phó Thống đốc Đào Minh Tú công bố tại "Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%" cho biết, tính đến 20/5, tốc độ tăng trưởng tín dụng đến 20/5 đạt 7,66% và đến 27/5 có thể ở mức 7,75% so với cuối năm 2021, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 31/5/2022, P/B forward 2022 của ngành Ngân hàng được tính toán khoảng 1,5. Đây là một mức định giá rất hấp dẫn để đầu tư dài hạn các cổ phiếu trong ngành Ngân hàng. Top 10 ngân hàng được hưởng lợi từ chi phí vốn thấp do tỷ lệ CASA cao từ đó tác động tích cực lên NIM có thể kể đến TCB, MBB, MSB …

Ông Nguyễn Quốc Nam – Giám đốc Công ty CP chứng khoán Funan (FNS) chi nhánh Hà Nội

Trao đổi với PV Tạp chí Nông Thôn Mới, ông Nguyễn Quốc Nam – Giám đốc Công ty CP chứng khoán Funan (FNS) chi nhánh Hà Nội cho rằng: “Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi tìm vùng cân bằng sau áp lực bán tháo lớn diễn ra trên mọi ngành nghề. Thanh khoản có dấu hiệu sụt giảm tương đối mạnh sau áp lực bán tháo lớn trong tháng 4 và đầu tháng 5, tuy nhiên theo tôi đây là yếu tố bình thường bởi thông thường sau một nhịp giảm sâu thì thị trường thường mất thời gian để tìm lại điểm cân bằng cũng như các nhà đầu tư đi tìm kiếm cơ hội từ các yếu tố vĩ mô, ngành nghề và cơ bản cốt lõi của các doanh nghiệp. Theo tôi, hiện tại tâm lý các nhà đầu tư cơ bản đã có sự ổn định, giai đoạn tới là giai đoạn tìm kiếm cơ hội khi dòng tiền phân hoá hơn và tập trung vào các doanh nghiệp có câu chuyện để kể hơn là tập trung quá sâu vào việc đoán định điểm số thị trường chung tăng hay giảm bao nhiêu điểm. Đặc biệt, nhóm ngành Ngân hàng có thể nằm trong giai đoạn phục hồi sớm nhờ các chính sách tốt vừa mới ban hành như MBB, VCB…”.

Cùng quan điểm về nhóm ngành Ngân hàng sẽ hồi phục sớm, ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán KIS Việt Nam nhận định thêm: “Có nhiều lý do để nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm ngân hàng ở thời điểm này. Thứ nhất, hoạt động kinh doanh của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2021 và Quý 1/2022 của nhóm này khá tốt. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của nhóm này lại có sự chững lại và đi ngang trong giai đoạn này. Đây là điều không hợp lý. Vì thế, trong thời gian tới, giá cổ phiếu phải phản ánh hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong thời gian qua. Thứ hai, nhóm này chịu một số những thông tin tiêu cực liên quan đến trái phiếu. Tuy nhiên, ảnh hưởng này đến hoạt động cốt lõi của ngân hàng không lớn như mức điều chỉnh trong thời gian qua. Nhà đầu tư đang phản ứng thái quá trước thông tin này. Thứ ba, nhóm này hiện đang được định giá ở mức hấp dẫn khi có nhiều ngân hàng có mức PE dưới 10.y Mức trung bình của thị trường đang là 11-12 lần. Mức PE hiện tại của ngân hàng cho thấy nhóm này đang ở mức định giá rất hấp dẫn”.

Và nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn còn tiềm năng trong dài hạn

Nhóm ngành Bất động sản dân cư đang đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2022, cụ thể là một số nguyên nhân như lạm phát, lãi suất tăng gây ảnh hưởng đến quyết định mua nhà cũng như giá vật liệu xây dựng tăng có thể làm tăng giá nhà ở. Ngoài ra, việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản cũng khó khăn hơn bởi việc thắt chặt các khoản vay của ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản cũng như sự giám sát chặt chẽ hơn nhiều trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn phát triển dự án của các doanh nghiệp bất động sản. Thêm vào những động thái làm lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây của Chính phủ cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới kế hoạch huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng - Giám đốc Công ty chứng khoán Agribank miền Nam khá thận trọng khi nhận định về nhóm cổ phiếu bất động sản: "Ngoài mã VHM tăng nhẹ 2% thì một số mã cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm ngành Bất động sản đều ghi nhận sự điều chỉnh như NLG (-7.6%), NVL (-1.1%), DXG (-8.4%) so với tuần trước đó. Một số mã có tính đầu cơ cao như DIG và CEO cũng sụt giảm từ 2-5%. Nguyên nhân của đà sụt giảm có thể đến từ áp lực chốt lời do nhóm cổ phiếu này đã hồi phục khá nhiều từ vùng đáy. Thêm vào đó, trong ngắn hạn, nhóm ngành bất động sản cũng đang gặp khó với kênh huy động vốn trái phiếu. Theo thống kê, có khoảng 500.000 tỷ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2022-2023, điều này sẽ gây áp lực lên dòng tiền của các công ty khi phải thanh toán gốc/lãi trái phiếu đáo hạn".

Ngoài ra, với dự thảo lần thứ 15 của báo cáo Tổng kết thực hiện nghị quyết 19 về vấn đề đất đai cũng sẽ quy định chặt chẽ hơn về khả năng triển khai dự án, vốn chủ sỡ hữu tối thiểu và tỷ lệ đặt cọc cần thiết về đấu thầu sử dụng đất. Do đó, các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao, bảng cân đối kế toán không lành mạnh, đặc biệt các doanh nghiệp không có dự án gối đầu và quỹ đất tích lũy sẵn sàng để bán cũng như vướng các vấn đề liên quan pháp lý sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã trấn an và đưa ra định hướng thị trường trái phiếu vẫn sẽ là kênh huy động chính trong dài hạn và các doanh nghiệp có tình hình tài chính khỏe mạnh, pháp lý dự án đầy đủ, công bố thông tin minh bạch sẽ được hưởng lợi với khả năng huy động và phát hành sẽ cao hơn. Đây sẽ là cơ hội phân hoá và mở ra cho các doanh nghiệp BĐS có quỹ sản phẩm sẵn sàng bán và bảng cân đối kế toán lành mạnh, ít nợ vay sẽ vẫn có mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Chỉ số VNIndex tuần qua

Theo ông Trương Hiền Phương, các nhà đầu tư vào nhóm ngành này cần lưu ý một số vấn đề sau. Thứ nhất, các cổ phiếu bất động sản đều có sự điều chỉnh mạnh trong đợt vừa qua, nhiều cổ phiếu điều chỉnh hơn 50%. Điều này làm một số cổ phiếu trong ngành quay về mức định giá hấp dẫn trong dài hạn. Thứ hai, sự điều chỉnh vừa qua của một số cổ phiếu bất động sản chủ yếu là chịu tác động tiêu cực từ thông tin của ông Trịnh Văn Quyết và Tân Hoàng Minh. Về cơ bản hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều hoặc không ảnh hưởng, vì thế việc điều chỉnh mạnh là không hợp lý. Trước sau gì thị giá cũng quay về mức giá trị của doanh nghiệp. Thứ ba, giá trị của một cổ phiếu bất động sản sẽ đến từ quỹ đất, các dự án mà doanh nghiệp triển khai cùng với tốc độ bán hàng. Ở thời điểm hiện tại, có thể một số yếu tố đang chững lại. Tuy nhiên, cần hiểu rằng trong dài hạn các yếu tố này đều sẽ được cải thiện do kinh tế phục hồi và nhu cầu của người dân với nhà ở. Vì thế, các doanh nghiệp bất động sản vẫn có tiềm năng rất lớn trong dài hạn.