Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tuổi trâu làm giàu nhờ “bạn bầu” với lợn

08:15 14/02/2021 GMT+7

Nhờ sự năng động, nhạy bén, phát triển mô hình trang trại nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP, nữ cử nhân trường “báo” – đảng viên Nguyễn Thị Thúy, thôn Lưu Quang, xã Minh Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Mô hình chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP của gia đình chị Nguyễn Thị Thúy cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Kim Ly

Thăm quan mô hình nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình chị Thúy, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cơ ngơi khang trang của vợ chồng chị. Cả khuôn viên vườn cây, trang trại nuôi lợn, ao cá, nhà ở với tổng diện tích hơn 4ha đều được xây dựng, quy hoạch sạch sẽ, khoa học. Nếu như không được giới thiệu, có lẽ chúng tôi cũng không biết gia đình chị đang nuôi tới hơn 200 con lợn nái, 1.000 con lợn bột thương phẩm, bởi diện tích quy mô chuồng trại được chị xây dựng thoáng đãng, tách biệt với dãy nhà ở của gia đình.

Nếu chỉ mới tiếp xúc, không ai biết chị Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1985-Ất Sửu) lại là chủ của trang trại nuôi 200 lợn nái và 2.000 lợn thương phẩm. Chuyện làm giàu của nông dân Nguyễn Thị Thúy đã thực sự lôi cuốn chúng tôi với những thăng trầm trong việc chăn nuôi lợn – vốn được xem là bấp bênh bởi vốn đầu tư cao nhưng lại nhiều rủi ro.

Chị Thúy bắt đầu câu chuyện về nữ cử nhân trường “báo” bén duyên với mô hình nuôi lợn siêu nạc. Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, năm 2009, sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chị Thúy xây dựng gia đình, theo chồng về sống tại xã Minh Quang (Tam Đảo).

Thay vì tìm một công việc với tấm bằng cử nhân, chị chọn con đường riêng cho mình bằng việc ở nhà chăm sóc các con, giúp chồng yên tâm công tác xã hội. Từ đây, chị đã mạnh dạn học hỏi, tìm hướng đi mới phát triển kinh tế gia đình.

Chị Thúy cho biết, bấy giờ vợ chồng chị mới ra ở riêng, kinh tế khó khăn, chị bàn với chồng tận dụng diện tích đất của gia đình để nuôi thêm lợn. Lúc đầu, chị cũng chỉ nghĩ nuôi vài con lợn để cải thiện thu nhập, nhưng dần dần mở rộng quy mô nuôi lợn.

Xác định khởi nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn nên chị tính đến phương án lấy ngắn nuôi dài. Ban đầu, từ 10 con lợn nái, 100 lợn bột thịt, từ nguồn giống tự cung, tự cấp được chị nhân giống đàn lợn với quy mô lớn theo mô hình khép kín.

Sau khi xây dựng chuồng trại nuôi lợn theo quy trình VietGAP, với 5 dãy chuồng trại, gia đình chị luôn duy trì phát triển đàn lợn với quy mô ổn định. Chỉ riêng với việc nuôi hơn 200 con lợn nái, từ đầu năm 2020 đến nay, chị Thúy xuất bán ra thị trường hơn 500 lợn con giống với giá bán 3,5 triệu đồng/con; ngoài ra còn có hơn 1.000 con lợn thương phẩm chuẩn bị xuất chuồng.

Với giá lợn hiện nay, trừ chi phí, 6 tháng đầu năm 2020, gia đình chị Thúy thu nhập 4 – 5 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 10 công nhân lao động với thu nhập trung bình 6 – 7 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ năng động phát triển kinh tế gia đình, là đảng viên ở chi bộ, hội viên Hội ND xã Minh Quang, chị Nguyễn Thị Thúy luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của thôn, các hội đoàn thể. Chị thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi cho các hội viên khác phát triển kinh tế gia đình…

Bài, ảnh: Minh Thu – Kim Ly