Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vị trí, vai trò của HĐND và việc bầu cử dân chủ, đúng pháp luật

07:24 04/05/2021 GMT+7

Tạp chí Nông thôn mới tiếp tục nhận được thư của bạn đọc trong cả nước đề nghị giải đáp một số vấn đề liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp. Đặc biệt là những câu hỏi liên quan đến HĐND, đại biểu HĐND cấp huyện, xã – cấp gần dân nhất; nơi mà người dân có điều kiện gặp gỡ thuận lợi nhất để bày tỏ nguyện vọng của mình và mỗi quyết định của HĐND đều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân nhân địa phương…

Luật sư Lâm Thị Trâm Anh.

Tạp chí Nông thôn mới trích đăng một số câu hỏi và giải đáp của Luật sư Lâm Thị Trâm Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

Bạn đọc Phan Văn Lợi (Lai Châu): Hội đồng Nhân dân giữ vị trí, vai trò như thế nào ở địa phương?

Theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì: HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND.

Bạn đọc Vì Văn Sáng (Sơn La): HĐND xã có nhiệm vụ, quyền hạn thế nào?

Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND xã được quy định tại Điều 33, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019. Theo đó, HĐND xã có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

1. Ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND xã.

2. Quyết định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn xã.

3. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của HĐND xã; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND và các Ủy viên UBND xã.

4. Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm của xã trước khi trình UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt. Quyết định dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách xã; điều chỉnh dự toán ngân sách xã trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách xã. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của xã trong phạm vi được phân quyền.

5. Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của HĐND xã; giám sát hoạt động của Thường trực HĐND, UBND cùng cấp, Ban của HĐND cấp mình; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp.

6. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND xã bầu theo quy định tại Điều 88 và Điều 89 của Luật này.

7. Bãi nhiệm đại biểu HĐND xã và chấp nhận việc đại biểu HĐND xã xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu.

8. Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND, Chủ tịch UBND xã.

Đối với HĐND phường, thị trấn, theo quy định tại Điều 61 và Điều 68 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường, thị trấn cơ bản giống như nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND xã, trừ nhiệm vụ quyết định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn phường, thị trấn do nội dung này thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng Nhân dân cấp trên để bảo đảm tính đồng bộ, tập trung trong quản lý đô thị.

Bạn đọc Trần Đức Khang (TP. Hồ Chí Minh): Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân được tiến hành theo những nguyên tắc nào?

Theo quy định tại Điều 7 của Hiến pháp năm 2013 và Điều 1 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:

– Nguyên tắc bầu cử phổ thông.

– Nguyên tắc bình đẳng.

– Nguyên tắc bầu cử trực tiếp.

– Nguyên tắc bỏ phiếu kín.

Tranh minh hoạ.

Bạn đọc Phạm Thị Nga (Kiên Giang): Đề nghị cho biết thế nào là nguyên tắc bỏ phiếu kín?

Nguyên tắc bỏ phiếu kín bảo đảm cho cử tri tự do lựa chọn người mình tín nhiệm mà không bị tác động bởi những điều kiện và yếu tố bên ngoài. Theo đó, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Cử tri viết phiếu bầu trong khu vực riêng, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Bạn đọc Nguyễn Sơn (Cà Mau): Để bầu cử dân chủ và đúng pháp luật cần phải đảm bảo những quy định gì?

Một cuộc bầu cử được coi là bầu cử dân chủ và đúng pháp luật phải đảm bảo các yếu tố sau đây:

– Việc bầu cử phải tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

– Bảo đảm các quyền bầu cử, ứng cử, vận động bầu cử. Quy định cụ thể những trường hợp bị tước quyền bầu cử, ứng cử; những trường hợp không được thực hiện quyền bầu cử, ứng cử và những trường hợp không tham gia bầu cử.

– Quy định rõ quy trình, thủ tục giới thiệu người ứng cử, hiệp thương, bầu cử lại, bầu cử thêm, bầu cử bổ sung để đảm bảo lựa chọn được những người tiêu biểu, xứng đáng làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

– Bảo đảm quyền của cử tri nơi người ứng cử công tác (hoặc làm việc), cư trú được nhận xét, bày tỏ ý kiến của mình về sự tín nhiệm đối với người ứng cử.

– Quy định rõ tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác bầu cử.

– Việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về bầu cử phải được thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng; các vi phạm về bầu cử phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Lê Chiên (ghi)