Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vốn Quỹ hỗ trợ phát triển nghề mộc truyền thống ở Gò Công

07:02 17/09/2021 GMT+7

Việc gắn hỗ trợ vốn với truyền đạt kinh nghiệm và khoa học – công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất cho hội viên nông dân (ND), mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng chất lượng nông sản hàng hóa, ổn định đầu ra sản phẩm… được Hội ND tỉnh Tiền Giang thực hiện đã từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, duy trì sự phát triển của các làng nghề truyền thống.

Trong xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của một thành viên HTX.

Đầu tư phát triển nghề mộc truyền thống, tăng thu nhập cho hội viên

Xã Tân Trung nằm phía Bắc của thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, toàn xã có 3.272 hộ, trong đó có 2.798 hội viên ND đang sinh hoạt tại 7 chi hội và 57 tổ hội. Với lợi thế nằm trên tuyến Quốc lộ 50 nối liền TP. Hồ Chí Minh và các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang, thuận tiện cho việc lưu thông hàng hoá, cùng với nguồn lao động dồi dào, việc tìm ra một hướng đi mới cho phát triển kinh tế của xã Tân Trung là hết sức cần thiết.

UBND xã đã xác định tập trung thế mạnh và ưu tiên đầu tư tạo nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho làng nghề mộc truyền thống Gò Công. Trên cơ sở những hộ làm nghề tiểu thủ công nghiệp tại địa phương, năm 2010 Hợp tác xã Làng nghề mộc truyền thống Gò Công được thành lập với 200 hộ có 600 lao động, thu nhập bình quân khi đó từ 3,5 đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Để tạo điều kiện vốn giúp cho những hội viên nông dân trong việc mua sắm trang thiết bị, gỗ để sản xuất, năm 2017 từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương ủy thác, Hội ND xã đã xây dựng dự án hỗ trợ cho 20 hội viên, mỗi hộ vay 50 triệu đồng để phát triển nghề mộc truyền thống Gò Công.

Sau 3 năm triển khai thực hiện dự án, số lượng thành viên làng nghề ngày càng tăng, các cơ sở sản xuất đa dạng về mẫu mã và hình thức, chất lượng sản phẩm của làng nghề trong những năm gần đây được nâng cao, tạo sức cạnh tranh; Thị trường tiêu thụ được mở rộng ra cả nước. Hàng năm, Hội ND xã kết hợp với Phòng Kinh tế thị xã tổ chức cho các thành viên tham quan mô hình sản xuất tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai… giúp cho các hộ sản xuất học tập thêm về kỹ thuật làm nghề mộc của tỉnh bạn.

Đồng thời, Hội ND xã cũng kết hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh, Trường Dạy nghề thị xã tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật ngắn hạn cho các thành viên nhằm nâng cao tay nghề và kỹ thuật, giúp cơ sở có nhiều mẫu mã phong phú và chất lượng tinh xảo hơn.

Thông qua dự án, các thành viên được trao đổi kinh nghiệm thông qua các buổi họp định kỳ hàng quý nhằm đưa ra giải pháp phát triển làng nghề, nắm bắt thông tin giá cả cũng như tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ khắp cả nước, chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao. Dự án cũng đã góp phần giải quyết cho hơn 100 lao động mới có việc làm và tăng thêm thu nhập hộ gia đình so với trước đây. Đến nay, toàn xã có hơn 400 hộ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ với gần 1.000 lao động làm nghề, thu nhập bình quân từ 8 triệu đồng nay tăng lên 20 triệu đồng/người/tháng.

Một số sản phẩm đã hoàn thành của HTX.

Quỹ Hội là chỗ dựa, tạo động lực cho hội viên tích cực sản xuất

Từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, làng nghề gặp khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do giá gỗ tăng đột biến, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Từ nửa cuối năm 2020 cho đến nay tình hình có khởi sắc, sản phẩm bắt đầu tiêu thụ mạnh trong dịp Tết cổ truyền đã làm vực dậy làng nghề mộc truyền thống Gò Công. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng các hộ vay vẫn thực hiện tốt Dự án và hoàn tất nợ đúng thời hạn đã cam kết.

Việc hỗ trợ vốn thực hiện dự án đã tạo niềm tin cho cho cán bộ, hội viên, nông dân, thu hút nhiều hội viên tham gia. Định kỳ hàng tháng, Ban Quản lý dự án duy trì sinh hoạt để các hộ vay học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm… lấy lợi ích kinh tế làm động lực để tập hợp đông đảo nông dân vào Hội.

Cùng với việc thực hiện dự án, công tác xây dựng, vận động Quỹ HTND của xã Tân Trung luôn được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng với sự quyết tâm nỗ lực của tổ chức Hội ND từ xã đến chi, tổ Hội nên công tác vận động xây dựng Quỹ đạt hiệu quả cao hơn. Đến nay, nguồn vốn Quỹ HTND của xã đạt trên 230 triệu đồng và đã giải ngân cho hơn 40 hộ hội viên ND trong xã để phục vụ sản xuất và phát triển làng nghề mộc truyền thống.

Nhằm nâng cao hiệu quả đồng vốn, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh còn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh, Sở LĐTBXH, Sở NN&PTNT tập huấn, hướng dẫn xây dựng phương thức sản xuất – kinh doanh, chuyển giao khoa học – kỹ thuật chế tác nghề mộc truyền thống, thâm canh cây trồng, vật nuôi, tổ chức lại sản xuất theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai… cho hội viên ND.

Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Chủ tịch Hội ND tỉnh đánh giá, việc xây dựng nguồn Quỹ HTND luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Ban Thường vụ Hội ND các cấp. Đây là kênh trợ vốn hiệu quả cho hội viên, giúp xây dựng những mô hình làm ăn kinh tế thu nhập cao, phù hợp đặc thù địa phương, vừa có sức lan tỏa, cụ thể hóa được Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, vừa góp phần đổi mới nông nghiệp – nông dân – nông thôn và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đây cũng là kênh kết nối ND nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị và vận động nông hộ tham gia tổ chức Hội. Qua đó, đổi mới hoạt động của Hội ND, đưa các hoạt động về cơ sở và nâng cao chất lượng mạng lưới Hội, góp phần xây dựng Hội ND vững mạnh.

“Hiện nay, nguồn vốn Quỹ HTND trong tỉnh đã đạt trên 72 tỷ đồng, bao gồm vốn Trung ương ủy thác trên 15,5 tỷ đồng, vốn ngân sách trên 19,2 tỷ đồng, còn lại nguồn vốn vận động từ các tổ chức, cá nhân đóng góp… Từ nguồn vốn trên, Ban Điều hành Quỹ đã triển khai 38 dự án hỗ trợ vốn với tổng kinh phí trên 61 tỷ đồng cho trên 10.000 lượt hội viên nông dân phát triển sản xuất, nhằm vượt khó, thoát nghèo”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Chủ tịch Hội ND tỉnh Tiền Giang.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Đẹp