Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vụ hoa Tết, nông dân Hà Nội vừa làm vừa lo

Bình Châu - 11:03 26/11/2021 GMT+7
Còn 2 tháng nữa là đến Tết, những người trồng hoa, trồng quất ở Hà Nội bắt đầu bận rộn. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến nông dân rất lo lắng về đầu ra. Những chính sách hỗ trợ của ngành Nông nghiệp thời điểm này cũng góp phần chia sẻ những khó khăn cho người trồng hoa.
Nông dân xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) chăm sóc hoa đào Tết. Ảnh tư liệu.

Tính toán để tránh rủi ro

Tại những vùng trồng hoa quy mô lớn ở Hà Nội như: Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), Hồng Hà (Đan Phượng), Mỹ Hưng (Thanh Oai), Tự Lập (Mê Linh)... vụ hoa Tết là sự kỳ vọng lớn quyết định thu nhập cho cả năm. Bởi vậy, việc tính toán mở rộng sản xuất đến đâu, lựa chọn sản phẩm theo xu hướng thị trường đang là mối quan tâm lớn của người trồng hoa. Từ khó khăn của vụ hoa Tết năm ngoái, người dân đã đúc kết kinh nghiệm để ứng nhanh với hoàn cảnh thực tiễn để có một vụ hoa thành công.

Bà Nguyễn Thị Lịch (phường Tây Tựu) là người có thâm niên nhiều năm trồng hoa cho biết, thời điểm này, các hộ đang khẩn trương chăm sóc, xuống giống vụ hoa Tết. “Để chuẩn bị vụ hoa Tết năm nay, gia đình tôi trồng 5 sào hoa cúc với nhiều màu sắc khác nhau. Hoa được trồng từ tháng 9 (âm lịch), hiện cây đã lên xanh. Hằng ngày, tôi ra đồng làm cỏ, tưới nước, bón thêm các loại dinh dưỡng để cây phát triển tốt nhất”, bà Lịch cho biết. 

Theo bà Lịch, mặc dù rất lo lắng nhưng đã là nghề rồi nên không một hộ gia đình nào ở làng hoa Tây Tựu bỏ vụ hoa Tết. Tuy vậy, về cơ cấu giống, các gia đình cũng có sự cân nhắc, tính toán. “Những năm trước, gia đình tôi thường xuống giống hoa ly đỏ, cam, vàng... nhiều màu sắc. Năm nay, giống hoa ly đỏ - loại đắt nhất có giá là 20 nghìn đồng/củ, các loại ly khác giá thấp nhất cũng 15 nghìn đồng/củ. Đầu tư cho giống cao, công chăm sóc lớn nên tôi không trồng hoa ly mà chuyển sang trồng các giống hoa cúc, chi phí thấp để hạn chế rủi ro”, bà Lịch nói.

Thời điểm này, người trồng đào bắt đầu tiến hành tỉa cành, vuột lá để tạo dáng cho đào Tết. Ảnh tư liệu.

Là vùng trồng đào mới của thành phố, thời điểm này dù vẫn phải lo phòng chống Covid-19, nhưng người trồng đào xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) bắt đầu bận rộn làm hoa Tết. Anh Nguyễn Văn Quyết (cụm 8, xã Hồng Hà) có 6ha trồng đào. Thời điểm này, gia đình anh đang tập trung làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh, tuốt lá... để kích thích đào ra hoa. 

Để chuẩn bị cho vụ hoa Tết, anh Quyết đã thuê lại ruộng của gần 100 hộ dân để tạo thành vùng tập trung, trồng 30.000 gốc đào, trong đó có khoảng 20.000 gốc là đào cành, còn lại là đào bonsai. 

Anh Quyết chia sẻ: “Những năm trước, khu đồng này cấy lúa nhưng hiệu quả thấp nên người dân không mặn mà. Từ năm 2011 tôi đưa cây đào về trồng. Hợp đất nên cây phát triển tốt, hiệu quả cao hơn hẳn so với các cây trồng khác nên diện tích đào nhanh chóng được mở rộng. Nhiều người trong xã thấy hiệu quả cũng học theo, chuyển từ lúa sang đào. Đến nay, khu đồng Gò Mía, Tay Áo của xã Hồng Hà đã có khoảng 15ha trồng đào”.

Không chỉ có các loại hoa truyền thống, những năm qua trên địa bàn thành phố còn có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa cao cấp. Anh Ngô Minh Trưởng, chủ vườn hoa lan hồ điệp ở xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) cho biết, trên diện tích 3.600m2, gia đình đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng trồng lan với các giống nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc). Năm nay, gia đình trồng 8 vạn cây với 20 màu khác nhau. Giáp Tết hoa sẽ được xuất buôn cho thương lái đưa ra các chợ hoa của Hà Nội và các tỉnh, thành phố xung quanh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình...

Lo dịch ảnh hưởng đến thị trường

Dù tập trung sản xuất cho vụ Tết, nhưng mối lo lớn nhất của người trồng hoa ở Hà Nội là thị trường tiêu thụ. Thời điểm này, Covid-19 vẫn có nguy cơ lan rộng nên nhu cầu mua sắm Tết phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch ở mỗi địa phương.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Quyết, cho biết: Năm 2021, tình hình dịch bệnh phức tạp, gia đình lại mở rộng diện tích lên gấp 3 lần so với năm 2020 nên lượng đào cần tiêu thụ rất lớn. Tuy vậy, vườn đào của gia đình mới trồng nên cây và cành đều nhỏ xinh. 

“Tôi dự kiến giá bán chỉ khoảng 1 - 3 triệu đồng/cây; vài chục nghìn đến dưới 500 nghìn/cành. Đây không phải là mức giá quá cao và sẽ phù hợp với phân khúc thị trường bình dân, gia đình nào cũng có thể mua được. Hơn nữa, để có thể tiêu thụ được nhiều, gia đình đã rải vụ để thu đào cành sớm hơn mọi năm. Hiện nay, chúng tôi đã tuốt dần lá đào để kích thích ra hoa. Theo đó, hoa đào cành sẽ được đưa ra thị trường từ đầu tháng Chạp cho đến Tết Nguyên đán như một loại hoa tươi thông thường” - anh Quyết lạc quan.

Người trồng quất ở phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) bắt tay vào chăm bón quất cho vụ Tết. Ảnh tư liệu.

Qua tìm hiểu, đa số có tâm lý lo sợ việc giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa tạm thời ảnh hưởng đến việc lưu thông, rồi lo chợ hoa phải đóng cửa... Hơn nữa, năm nay dịch bệnh ảnh hưởng nhiều tới kinh tế của các gia đình, nhu cầu mua sắm các loại hoa, cây cảnh sẽ giảm so với mọi năm.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho biết, toàn huyện có tổng diện tích hoa 530ha, trong đó hoa hồng 135ha, cúc 139ha, ly 178ha, đào 50ha, quất 8,6ha... và một số loại hoa khác. Để đảm bảo môi trường bền vững, huyện Đan Phượng khuyến cáo các hộ dân giảm diện tích các loại hoa hồng, cúc, tăng diện tích hoa ly. 

Cũng theo bà Hiền, vụ đông năm 2021 - 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để đảm bảo tiêu thụ hoa tốt, huyện đã khuyến cáo người dân nên rải vụ ra nhiều đợt trồng. Mặt khác, hiện nay, huyện Đan Phượng đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu tập thể “Hoa Đan Phượng” để quảng bá sản phẩm. Định hướng năm 2022, huyện sẽ thành lập thêm các hợp tác xã chuyên ngành về hoa để có những hỗ trợ cụ thể về giống, vốn, khoa học kỹ thuật và cả thị trường cho nông dân.

Để chia sẻ khó khăn của người trồng hoa Tết, ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội cũng đã áp dụng một số biện pháp hỗ trợ. Vụ đông 2021, qua Chương trình Khuyến nông, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục hỗ trợ người dân các mô hình mới như “Hoa ly ly giống mới” tại 4 xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn), Song Phương (huyện Hoài Đức), Đại Hưng (huyện Mỹ Đức), Tự Lập (huyện Mê Linh) diện tích 0,4ha với 4 hộ tham gia.

Nhận định về thị trường hoa Tết, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng: Dù kinh tế có khó khăn song nhu cầu sử dụng hoa tươi ngày Tết vẫn sẽ rất cao. Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, đối với các loại hoa cắt cành, người dân nên rải vụ để có sản phẩm thu vào các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, ngày Rằm tháng Giêng và ngày lễ tình nhân 14-2. 

"Trong trường hợp dịch bệnh phức tạp với những diễn biến khó lường, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương mở các diễn đàn, các chợ thương mại điện tử, hỗ trợ xúc tiến thương mại... để giúp chuỗi cung ứng hoa ra thị trường không bị đứt gãy" ông Chu Phú Mỹ cho biết thêm./.

Nhà vườn ở TP.HCM giảm sản lượng để điều tiết giá hoa Tết
Hàng loạt nhà vườn tại TP.HCM chủ động giảm sản lượng hoa kiểng phục vụ dịp cao điểm Tết. Thu gọn sản xuất là cách các đầu mối cung ứng cắt lỗ, giữ giá để điều tiết thị trường khi sức mua dịp Tết năm 2021 dự báo sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19.