Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vùng chuyên canh mía ở Phú Yên chết khô, nông dân trắng tay

22:02 23/08/2019 GMT+7
Nắng hạn kéo dài khiến nhiều đồng mía ở các huyện miền núi tỉnh Phú Yên bị chết khô. Người trồng mía nơi đây đang đối mặt với vụ mùa trắng tay. Ông Hồ Văn Hiếu, ở xã Sơn Hà, huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên bần thần đứng bên ruộng mía bị

Nắng hạn kéo dài khiến nhiều đồng mía ở các huyện miền núi tỉnh Phú Yên bị chết khô. Người trồng mía nơi đây đang đối mặt với vụ mùa trắng tay.

Ông Hồ Văn Hiếu, ở xã Sơn Hà, huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên bần thần đứng bên ruộng mía bị chết khô. Ông Hiếu kể, gia đình trồng 3ha mía. Năm ngoái, giá mía cây giảm mạnh, gia đình ông thua lỗ 30 triệu đồng. Bây giờ, hơn 2ha mía bị chết héo, một ít diện tích còn lại đang khô lá dần, nếu hạn hán tiếp tục kéo dài, trời không mưa, gia đình ông Hiếu trắng tay.

“Hiện nay, tình hình khô cằn, mía không thể nào phát triển được, gãy hết. Nếu như trời không mưa thì mía sẽ hỏng hết”, ông Hiếu nói.

Hàng nghìn nông dân trồng mía ở huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên  đang rơi vào tình cảnh tương tự. Theo tính toán của bà con, nếu không bị hạn hán, năng suất có thể lên đến 70 tấn mía cây/ha, bây giờ, giảm xuống còn 1/2, thậm chí thấp hơn. Sản lượng mía cũng giảm, nông dân thiệt hại rất lớn.

Nhiều cánh đồng mía ở huyện Sơn Hòa khô cháy do hạn hán. Ảnh Đình Thiệu.

Ông Nguyễn Đình Tiệp ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa than thở, trong hai năm liên tiếp, mía mất mùa, mất giá, nông dân điêu đứng: “Tình hình như hiện nay, nông dân không thể thu hoạch được và cũng không thể nào trả nợ cho nhà máy được”.

Huyện Sơn Hòa là vùng trọng điểm nguyên liệu mía ở tỉnh Phú Yên, chiếm 1/3 diện tích mía toàn tỉnh. Đây cũng là vùng quy hoạch nguyên liệu mía phục vụ cho Nhà máy đường KCP. Tuy nhiên, phần lớn diện tích mía nhờ vào nước trời.

Ông A Lê Y Bớ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, nhiều năm qua, cây mía góp phần rất lớn trong xóa đói, giảm nghèo cho bà con miền núi. Bây giờ, cả nông dân và nhà máy đường đang lao đao vì nắng hạn.

“Tỷ lệ mía chết rất lớn, gần như 70% đã chết, còn lại 30% không thể phục hồi. Hiện nay cây rất nhỏ, chỉ bằng cây sả”, ông A Lê Y Bớ nói.

Mía khô héo, thời tiết khô hanh, nguy cơ cháy rất cao. Ảnh Đình Thiệu.

Mía là cây trồng chủ lực của nông dân miền núi tỉnh Phú Yên với diện tích hơn 28.000 ha. Nắng hạn gay gắt làm diện tích mía bị chết khô tăng lên từng ngày. Riêng vùng nguyên liệu mía của Nhà máy đường KCP Phú Yên, hơn 2.000 ha cây mía đã bị khô héo vì hạn, nhiều nơi tỉ lệ cây chết đến 70%.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, thực tế nhiều nơi, người trồng mía chưa chú trọng đầu tư hệ thống tưới. Tỉnh làm việc với các nhà máy đường và Công ty Thủy nông Đồng Cam nghiên cứu phương án đầu tư hệ thống tưới cho vùng chuyên canh đảm bảo nguyên liệu mía cho nhà máy đường.

“Người dân do điều kiện giá mía hay vấn đề khác mà không đầu tư hệ thống tưới. Tức là trồng theo nước trời, càng ít chi phí càng tốt. Hiện nay, chúng tôi đang cho Nhà máy đường KCP phối hợp công ty Thủy nông Đồng Cam nghiên cứu cơ chế xã hội hóa, hợp tác cung cấp dịch vụ tưới theo phương án tạo ra hệ thống tưới nhỏ giọt tốt hơn thì sẽ có hiệu quả hơn”, ông Trần Hữu Thế nói./.

(Theo VOV)