Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vườn sầu riêng tiền tỷ thành… củi do hạn mặn

16:44 13/04/2020 GMT+7
Dọc theo tỉnh lộ 868 địa bàn huyện Cai Lậy, Châu Thành (Tiền Giang) đã xuất hiện một số điểm bán củi khô. Số củi này chính là những vườn sầu riêng tiền tỷ của nông dân sau thời gian dài bị hạn mặn xâm nhập. Hạn mặn biến cây đặc sản thành… củi Ông

Dọc theo tỉnh lộ 868 địa bàn huyện Cai Lậy, Châu Thành (Tiền Giang) đã xuất hiện một số điểm bán củi khô. Số củi này chính là những vườn sầu riêng tiền tỷ của nông dân sau thời gian dài bị hạn mặn xâm nhập.

Hạn mặn biến cây đặc sản thành… củi

Ông Nguyễn Văn Nhiên (Hai Nhiên) ngụ ấp Bình Hòa B (Tam Bình, Cai Lậy) – nông dân đang trồng 250 gốc sầu riêng – xót xa khi vườn sầu riêng hơn chục tuổi, đang xum xuê trái, sau gần 2 tháng bị hạn mặn tấn công đã trụi lá.

Ông Hai Nhiên cho biết, trước khi hạn mặn xâm nhập, ông đã cho bơm nước vào các mương trong vườn để trữ tưới dần. Nhưng tưới được 2 lần thì các mương nước ngọt này nhiễm mặn do bị rò rỉ. Cả tháng nay, cứ 2 – 3 tuần ông mới tưới nước cho vườn sầu riêng một lần, mà cũng chỉ tưới cầm chừng bằng nước sinh hoạt. “Giờ thì tui nghỉ tưới bằng nước này luôn rồi, vì bà con ở đây cũng đã thiếu nước sinh hoạt. Nếu cứ lấy nước sinh hoạt tưới thì thế nào cũng bị rầy la, thậm chí chính quyền sẽ cắt luôn nước sinh hoạt của gia đình” – ông Hai Nhiên bộc bạch.

Vườn sầu riêng hơn chục tuổi của ông Hai Nhiên ngụ ấp Bình Hòa B (Tam Bình, Cai Lậy) đang xum xuê trái, sau gần 2 tháng bị hạn mặn tấn công đã trụi lá.

Không có nước tưới vườn cây, ông kêu sà lan nước để mua. Giá đến 120.000 đồng/m3, nhưng cả tháng nay vẫn chưa tới lượt. “Tui định mua máy lọc giá cả trăm triệu đồng. Nhưng vấn đề là máy tốn điện quá nhiều. Hơn nữa khi lọc xong xả nước mặn đi đâu khi vườn cây nằm xen giữa các vườn khác?”- ông Hai Nhiên than thở.

Theo ông Hai Nhiên, nhiều khả năng vườn sầu riêng của ông (mỗi năm cho 10 tấn trái) sau đợt hạn mặn sẽ thành… củi hết. Một số cây bị ảnh hưởng từ đợt hạn mặn năm 2016 đến nay mới phục hồi thì lại bị hạn mặn tiếp. Ông chỉ hy vọng sau hạn mặn, vườn sầu riêng không bị chết, ông sẽ chăm lại cho dù mất 2 – 3 năm, còn hơn trồng mới phải 5 năm mới có trái.

Chỉ tay vào các hàng cây sầu riêng đang khô héo, anh Tư Đức (Trần Văn Đức ngụ ấp Hội Tý, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy) cho biết, mùa này xem như mất trắng. Mảnh vườn 6 công đất với 160 cây sầu riêng, năng suất 6 tấn/năm từng đem về thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm (chưa trừ chi phí) cho gia đình anh giờ đang khô cằn vì hạn mặn.

Nhà đối diện sông Ba Rài, nhiều lần anh Đức tính thuê xà lan nước ngọt vào tưới cho cây, nhưng cũng sớm bỏ ý định.”Cây bị hạn lúc chưa ra bông, ra trái thì tưới bao nhiêu cho đủ”, anh Đức nói. Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân trồng sầu riêng, nếu cây gặp mặn, thiếu nước tưới rồi trụi lá là cầm chắc phải đốn đi trồng mới.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, trước tình hình mặn xâm nhập sâu, diễn biến phức tạp và kéo dài, diện tích sầu riêng ở 4 xã Tam Bình, Long Trung, Ngũ Hiệp và Tân Phong sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp trên 4.544ha. Trong đó, diện tích sầu riêng đang mang trái thiếu nước tưới trầm trọng trên 1.100ha. Cụ thể, xã Tam Bình hơn 387ha, xã Long Trung 620ha, xã Ngũ Hiệp 45ha, xã Tân Phong gần 49ha.

Khó tiếp cận nước ngọt cứu sầu riêng

Trước những diện biến phức tạp của tình hình xâm nhập mặn, UBND tỉnh Tiền Giang đã lên phương án cung cấp nước ngọt miễn phí tưới cho cây sầu riêng với số lượng 30.000m3 nước ngày đêm cho đến hết tháng 4.2020 với kinh phí 37 tỷ đồng. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, hiện có khoảng 12.000ha sầu riêng bị thiếu nước ngọt thuộc địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, TX. Cai Lậy và huyện Châu Thành. Thời gian gần đây, một số vườn cây sầu riêng đã có hiện tượng khô lá, héo cành đang cần nguồn nước ngọt để tưới cho cây. Theo đó, tỉnh Tiền Giang sẽ thuê đơn vị HTX Rạch Gầm vận chuyển nước ngọt bằng sà lan giao cho các địa phương có diện tích sầu riêng bị ảnh hưởng bởi hạn mặn.

Ngày 13/3, tỉnh Tiền Giang triển khai cấp nước ngọt miễn phí cho nông dân cứu vườn sầu riêng. Tại xã Phú Phong (Châu Thành), một hồ nước dã chiến khoảng 2.000m3 đã được xây dựng dưới chân cầu Phú Phong. Gần tuần nay, ngày nào sà lan cũng chở 1.000m3 ngọt đến bơm vào hồ chứa này để nông dân đến lấy về cứu những vườn sầu riêng đang chết khát. Theo định mức, với mỗi công sầu riêng (1.000m2), nông dân được hỗ trợ 1m3 nước ngọt.

Chủ tịch UBND xã Phú Phong Nguyễn Quốc Điền chia sẻ: “Xã Phú Phong có 200ha sầu riêng. Tính đến thời điểm này đã có 42ha sầu riêng đã chết do hạn mặn. Nhiều diện tích sầu riêng khác đang bị hạn mặn xâm hại. Trong tình hình nguồn nước ngọt tại địa phương đã cạn kiệt, việc được hỗ trợ nước ngọt miễn phí để cứu sầu riêng đang bị hạn mặn tấn công khiến bà con nông dân trồng sầu riêng rất phần khởi”.

Người dân trồng sầu riêng ở Tiền Giang nhận nước ngọt miễn phí về cứu sầu riêng.

Tuy nhiên, cũng theo ông Điền, vẫn còn 60 – 70ha sầu riêng nằm sâu trong nội đồng rất khó tiếp cận nguồn nước này. “Đường đi rất khó khăn, nhỏ hẹp, luồn lách nên rất khó gọi xe cải tiến chở nước vào vườn sầu riêng. Nếu xe có nhận chở nước vào thì mỗi chuyến cũng chỉ chở được 1m3 nước với mức vận chuyển khoảng 100.000 đồng, nên nông dân lực bất tòng tâm”, ông Điền thông tin.

Trong khi đó, tại xã cù lao Tân Phong (Cai Lậy), tình hình cung cấp nước miễn phí cho nông dân cứu sầu riêng cũng gặp vấn đề tương tự. Phó Chủ tịch xã Cù lao Tân Phong, ông Lê Văn Bình cho biết: “Chính quyền địa phương sẽ cho xây dựng nhiều hồ chứa nước dã chiến trên địa bàn để nông dân tiện việc lấy nước. Chúng tôi định xây dựng 5, 6 hồ chứa nước để người dân tiện việc lấy về cứu vườn sầu riêng”. Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng, dù đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân lấy nước nhưng cũng có khoảng 50% diện tích sầu riêng tại địa phương khó tiếp cận các hồ chứa nước này. Hiện, xã Cù lao Tân Phong có khoảng 1.500ha sầu riêng.

Theo ông Bình, nói là nước miễn phí nhưng nông dân ở xa phải thuê xe chở về hết 75.000 – 100.000 đồng/m3. Nếu mua nước từ ghe cũng chỉ 40.000 đồng/m3. Vậy tính ra, mua nước tại chỗ còn rẻ và tiện hơn. “Tôi nghĩ, khi triển khai hỗ trợ nước miễn phí cho nông dân, tỉnh Tiền Giang cũng nên tính tới phương án hỗ trợ bằng tiền. Thực tế cho thấy, với những nông dân ở xa điểm lấy nước thì hỗ trợ bằng tiền để nông dân mua nước tại chỗ rẻ hơn, tiện hơn là phải thuê xe ra điểm lấy nước rồi vận chuyển vào vườn”, ông Bình chia sẻ.

Đối với cây sầu riêng giai đoạn cho thu hoạch (trên 5 năm tuổi trở lên) cần 100 lít nước/cây/lần tưới và tưới 4 lần/tháng. Như vậy, với mật độ trồng bình quân 200 cây/ha phải cần 80m3/ha/tháng. Đối với cây sầu riêng giai đoạn kiến thiết (từ 2 đến 5 năm tuổi) thì cần 50 lít/cây/lần tưới và cần tưới 40m3/ha/tháng.

Ông Nguyễn Văn Mẫn – Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang.

Bài ảnh: Trần Cửu Long