Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Xuất hộ trái cây cho Thái Lan: Học phí “tự nhận thấy mình” cho nông sản Việt

02:05 30/07/2018 GMT+7

Việc Việt Nam xuất khẩu hộ trái cây Thái Lan sang thị trường Trung Quốc thời gian qua chưa hẳn là “tạm nhập tái xuất”, nhưng dễ làm dư luận ngộ nhận thành tích ảo xuất khẩu rau quả. Điều quan trọng là nông dân khi đầu tư cần “tự nhận thấy mình” sẽ bán được loại trái cây gì ra thị trường chứ không chỉ dựa vào những con số thống kê.

Câu chuyện Việt Nam xuất hộ trái cây Thái Lan sang Trung Quốc nay đã trở thành đề tài bàn tán trên nhiều tờ báo quốc tế. Đơn cử mới đây, trước tình hình sầu riêng Thái Lan nhập ồ ạt vào Việt Nam, tờ Nikkei Asian Review đặt vấn đề Thái Lan chỉ đang mượn Việt Nam là nơi để tạm nhập và tái xuất sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

“Bán giùm người Thái”

Tờ báo này dẫn thông tin từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu tỉnh Chanthaburi (Thái Lan) cho biết có đến 80%- 85% lượng sầu riêng xuất sang Việt Nam được tái xuất sang Trung Quốc.

Được biết, Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông) là nơi nhập khẩu nhiều sầu riêng nhất, từ cách đây 2 năm, thị trường này đã mua gom khoảng 80%- 90% tổng lượng sầu riêng Thái Lan.

Nhiều loại trái cây khác của Thái Lan được ưa chuộng tại Trung Quốc là nhãn, măng cụt, xoài, dừa, mít, chuối, mãng cầu… cũng đi vào Việt Nam và xuất theo cách tương tự trong vài năm trở lại đây.

Vấn đề “bán giùm người Thái” lại được đem ra mổ xẻ với không ít ý kiến cho rằng điều này không có lợi cho nông dân Việt, con số xuất khẩu (XK) trái cây chỉ là con số ảo, và lo nhất là nông dân sẽ lãnh đủ vì những con số đó.

Trái cây Việt cần “tự nhận thấy mình” trước việc xuất khẩu hộ trái cây Thái Lan, Ảnh Internet

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng quản lý vận hành cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN (Tổng cục Hải quan), cho biết doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam nhập khẩu trái cây Thái như thông thường để kinh doanh, tiêu dùng, hoàn toàn không theo chế độ “tạm nhập tái xuất”.

Các loại trái cây Thái này sau khi nhập về thì vừa tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhưng cũng vừa xuất nhiều sang Trung Quốc. Theo ông Hùng, hồi năm ngoái Việt Nam đạt thành tích XK đạt kim ngạch hơn 3,5 tỷ USD, trong đó phải kể đến khoảng 800 triệu USD trái cây Thái Lan nhập về Việt Nam rồi xuất sang Trung Quốc.

“Phải hiểu rằng các DN Việt cũng như DN ở Hồng Kông, Singapore hay các nước khác có quyền mua về rồi bán lại nếu thấy có lời. Như việc có rất nhiều hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài thường phải qua trung tâm giao thương ở Singapore chẳng hạn. Hoạt động kho vận ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi trong chuyện này”, ông Hùng chia sẻ.

Theo giới chuyên gia, trong quan hệ thương mại về lĩnh vực rau củ quả với Trung Quốc, Thái Lan luôn đạt thặng dư thương mại. Trung Quốc là thị trường XK rau quả lớn nhất của Thái Lan, chiếm 70% thị phần. Và một trong những yếu tố rất quan trọng đối với sự ảnh hưởng của trái cây Thái với thị trường Trung Quốc là sự tham gia của DN kinh doanh trái cây của nước này.

Tự nhận thấy mình

Nên biết thêm về việc gia tăng nhập khẩu trái cây Thái vào Việt Nam khi kể từ đầu năm 2018, Việt Nam bắt đầu xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với 669 dòng thuế, trong đó có nhiều mặt hàng rau – củ – quả nhập khẩu từ các nước ASEAN, mức thuế còn 0%.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang là thị trường XK chính yếu của rau quả Việt Nam, với tỷ trọng chiếm tới 74,6% tổng kim ngạch XK hàng rau quả trong nửa đầu năm nay, tương đương với kim ngạch đạt 1,2 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn với thành tích XK rau quả chung của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018, một vài tính toán cho biết phần trái cây Thái tái xuất chiếm khoảng 16% trong tổng số kim ngạch 1,9 tỷ USD.

Thực tế cho thấy việc nhập rồi xuất trái cây Thái sang TQ đã chuyển biến mạnh từ 3 – 4 năm trở lại đây. Điều khiến dư luận lo ngại là sự nhập nhằng trong các số liệu XK rau quả sẽ dễ làm cho nhiều người nông dân ngộ nhận về thành tích XK rau quả, để rồi họ sẽ ồ ạt trồng loại trái cây nào đó dẫn đến nguy cơ dư thừa hoặc không có đầu ra.

Với những kinh nghiệm trong thống kê các con số về xuất nhập khẩu nông sản, ông Nguyễn Việt Hùng cho rằng nông dân khi đầu tư cần phải tự nhận thấy mình sẽ bán được loại trái cây gì. Và những người nông dân khi nhìn vào những con số lớn này để đầu tư thì chưa có, bởi họ đa phần là sản xuất nhỏ, nếu nhìn vào thành tích XK lớn của rau quả nhưng lại không thể biết được cụ thể là loại trái cây nào.

Thực tế, chỉ những nhà sản xuất lớn mới có thể nhìn rõ được những con số “khủng” từ thống kê XK rau quả để có thể biết được các tác động cụ thể. Đơn cử như Hoàng Anh Gia Lai đầu tư hàng triệu USD cho việc trồng chuối, chanh dây, thanh long với diện tích lớn tại các nông trường ở Việt Nam, Lào, Campuchia để nhắm vào XK sang thị trường Trung Quốc với số lượng lớn.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực trạng trái cây Thái ồ ạt bán sang thị trường Trung Quốc qua nhiều ngả, trong đó có ngả trung gian là Việt Nam thì cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chiến lược cho ngành trái cây Việt cũng cần tự vấn là tại sao các DN nhập khẩu không mua ở trong nước để xuất đi mà phải đi nhập ở Thái?

Trong vấn đề này, cần phải “tự nhận thấy mình” rằng giá cả, chất lượng, tiêu chuẩn, độ an toàn, thương hiệu, chưa đủ tầm quảng bá, khả năng cạnh tranh… của trái cây Việt so với trái cây Thái là điều cần đáng lưu tâm hơn bao giờ hết.

Thế Vinh