Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Yên tâm sản xuất vì được bảo đảm đầu ra

Nguyễn Thị Tuyết - 07:01 01/12/2021 GMT+7
Những năm qua, nhiều mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Tuần Giáo (Điện Biên) đã có đổi mới, phát triển, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Anh Nguyễn Hồng Chuyên, Giám đốc HTX Mường Mùn chăm sóc đàn gà. Ảnh Vinh Duy

Tham gia vào HTX, thu nhập của các thành viên tăng đáng kể 

Trên địa bàn huyện Tuần Giáo hiện có 36 HTX. Thời gian qua, với sự trợ giúp đắc lực của Hội Nông dân các cấp cùng sự chủ động, sáng tạo của các HTX trong huy động vốn, tích cực đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đầu tư bao bì… đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Dự kiến đến năm 2021, doanh thu bình quân của 1 HTX đạt trên 1,1 tỷ đồng/năm; lãi bình quân 130 triệu đồng/năm.

Để phát triển kinh tế, tạo cơ hội để người dân trong xã có thêm điều kiện phát triển kinh tế, năm 2018 anh Phạm Hồng Chuyên (ở bản Lúm xã Mường Mùn) đã thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi Mường Mùn. Ngày đầu thành lập có 9 thành viên tham gia, đến nay có 12 thành viên. HTX ban đầu phát triển chăn nuôi gà, lợn, hiện nay đã mở rộng thêm một hướng mới là trồng các loại cây ăn quả. Tính đến cuối năm 2020 vừa qua, các thành viên đều có thu nhập từ 150 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. 

“Dù trước đó ai cũng làm nghề liên quan đến chăn nuôi, trồng trọt nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích, động viên họ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề do địa phương tổ chức” - anh Nguyễn Hồng Chuyên, Giám đốc HTX Chăn nuôi Mường Mùn cho biết.
Có kiến thức cùng với việc tích cực học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả kinh tế của các hộ thành viên đều tăng đáng kể sau khi tham gia vào HTX. Đến nay, sản phẩm gà chân đen của HTX Chăn nuôi Mường Mùn không chỉ được người dân ở Tuần Giáo đón nhận mà còn vươn ra các huyện lân cận, sang tỉnh Lai Châu.

“Xác định phương châm HTX là gắn với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, góp phần vào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước, HTX đã tích cực đổi mới trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vận động các thành viên trong HTX cũng như bà con trên địa bàn tham gia sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi giá trị, đồng thời ủng hộ giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo tham gia HTX” - ông Chuyên cho biết thêm.

Quả mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên nông dân ở Quài Nưa. Ảnh Xuân Tư 

Vào HTX giúp các xã viên tương trợ nhau

Năm 2015 ông Quàng Văn Trịnh, bản Minh Thắng, xã Quài Nưa cùng một số người dân trong xã đã thành lập HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ giống nông - lâm nghiệp. Mục tiêu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng giống bò sinh sản, trồng rừng, chăm sóc rừng và ươm giống cây lâm nghiệp... Từ 8 thành viên ban đầu, đến nay HTX đã thu hút trên 20 thành viên tham gia mô hình dịch vụ giống nông - lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt theo hình thức nuôi nhốt, trồng cà phê (17ha), mắc ca (5.000m2)... 

Ông Quàng Văn Trịnh, Giám đốc HTX khẳng định: “Thay vì sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình, HTX được thành lập đã giúp các xã viên tương trợ nhau và có điều kiện tạo ra nhiều lợi nhuận hơn”. Để duy trì và phát huy hiệu quả HTX, hàng năm HTX đã cử các xã viên tham gia tập huấn, học nghề do huyện, xã tổ chức; định kỳ hàng tháng HTX tổ chức các buổi sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm, phương thức sản xuất mới, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, tìm đầu ra cho sản phẩm... 

Đến nay, trung bình mỗi xã viên thu về từ 80 - 300 triệu đồng/năm; HTX tạo việc làm cho hơn 30 lao động với thu nhập ổn định từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Đến thăm xã viên Quàng Văn Lợi, bản Bó Giáng (xã Quài Nưa) sau hơn 3 năm tham gia HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ giống nông - lâm nghiệp. Mô hình kinh tế gia đình anh phát triển ổn định với gần 30 con bò, 40 con lợn... hàng năm đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng. Gia đình anh còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động. Anh Quàng Văn Lợi cho biết: “Từ khi tham gia HTX, tôi đã được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, cách làm chuồng trại, lựa chọn cách thức sản xuất phù hợp với điều kiện nuôi của gia đình. Tại các buổi sinh hoạt, mọi người cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vật nuôi, trồng và chế biến thức ăn nên đàn vật nuôi phát triển rất tốt, ít dịch bệnh hơn. Nhất là xã viên hoàn toàn yên tâm sản xuất vì đầu ra đã được bảo đảm, xuất bán với giá thành cao (dao động từ 15 - 30 triệu đồng/1 con bò)”.

Ông Chìu Hải Dương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuần Giáo cho biết, để phát triển HTX bền vững, thời gian tới Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp cùng các phòng, ban tuyên truyền triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX; phát triển số lượng, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX, tăng thu nhập và cải thiện đời sống các thành viên. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao trình độ, nhận thức cho thành viên ban quản trị các HTX, từng bước nắm bắt quy luật thị trường - hàng hóa, để vận dụng vào tình hình thực tiễn địa phương. Tạo điều kiện cho các HTX có đủ năng lực được ưu tiên tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, hỗ trợ cung ứng dịch vụ công, đáp ứng tối đa nhu cầu phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Từ đó, phát triển các mô hình kinh tế tập thể, HTX cả về “chất và lượng”, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới và hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2020 -2025. 

“Các mô hình kinh tế tập thể, trong đó mô hình HTX tại Tuần Giáo đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay các mô hình HTX còn nhiều khó khăn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, công nghệ thiếu thốn; nhiều HTX hoạt động còn mang tính thời vụ, thiếu bền vững. Đồng thời, hoạt động của các HTX còn thiếu gắn bó, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX với chính quyền địa phương và tổ chức doanh nghiệp. Thời gian tới Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX; phát triển số lượng, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX”.
Ông Chìu Hải Dương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuần Giáo,