Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

40 năm giữ nghề dệt thổ cẩm của người Xê Đăng

07:01 21/08/2021 GMT+7

Bước sang tuổi 60, nhưng nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa, vẫn hàng ngày bên khung cửi truyền nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ địa phương. Những tâm huyết bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc Xê Đăng của bà Hoa xuất phát từ niềm kính yêu Bác Hồ. Bởi bà tâm niệm: “Học tập và làm theo Bác, tôi phải làm những việc gì dù nhỏ nhoi nhưng phải thật cụ thể và có ý nghĩa thiết thực cho bà con nhân dân và quê hương”.

Nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa hơn 40 năm miệt mài bên khung dệt truyền thống.

Hơn 40 năm bên khung cửi truyền thống

Đã hơn 40 năm, nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa – người phụ nữ Xê Đăng (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) làm bạn với khung dệt. Nghề dệt thổ cẩm của người Xê Đăng duy trì theo cách mẹ truyền con gái nối nghề. Nhưng có một thời, chiến tranh tàn phá khiến nghề mai một dần, thậm chí không còn mấy người biết đến nghề. Hòa bình lập lại, người dân lo dựng làng, khôi phục sản xuất, nhưng không còn để ý đến nghề dệt thổ cẩm.

Là người con của quê hương, bà Hoa luôn mong muốn nghề dệt được khôi phục để vừa bảo tồn giá trị truyền thống của dân tộc Xê Đăng vừa tạo sinh kế cho người dân vốn còn nhiều khó khăn. “Khi thấy vào mùa lễ hội hay những sự kiện quan trọng, một số dân tộc khác còn giữ được nghề dệt đã khoác lên người bộ trang phục của dân tộc họ khiến tôi chạnh lòng”- bà Hoa nói.

Thế nên khi có chủ trương của lãnh đạo địa phương về khôi phục nghề truyền thống, bà Hoa đã quyết tâm khôi phục nghề dệt thổ cẩm, giữ văn hóa của người Xê Đăng. Nhưng để nắm được những kỹ thuật dệt là một chặng đường gian nan.

Bà Hoa cho biết: “Mặc dù Mặt trận, đoàn thể đã vào cuộc giúp đỡ, nhưng bước đầu tôi gặp nhiều khó khăn. Vì lúc tôi còn nhỏ, tôi mạnh dạn mang khung dệt ra dệt thổ cẩm theo những bước như mẹ đã làm, dần dà thành thạo các công đoạn. Nhưng qua thời gian dài không thực hiện, tôi cũng như nhiều người cùng trang lứa không còn nhớ rõ cách phối màu, điểm nối. Vì vậy, tôi phải tự mày mò lại cách dệt để khôi phục nghề, tìm đến các bản làng gặp người cao tuổi để học hỏi thêm kinh nghiệm.Tự tay mình làm khung rồi dệt, rồi may bộ quần áo trang phục dân tộc Xê Đăng, rồi mặc nó, khiến tôi vô cùng tự hào”.

Nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa (bìa trái) truyền nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ địa phương. Ảnh Thanh Thắng.

Người truyền lửa

Với sự miệt mài, tâm huyết, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Xê Đăng đã được nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa khôi phục. Cũng từ đó, vào mùa Xuân người Xê Đăng nối lại truyền thống mặc váy, khố, tấm dồ… để dự lễ cúng máng nước, ăn trâu huê…

Vào dịp cuối năm, người dân đặt hàng may đồ thổ cẩm nhiều, một mình dệt không xuể. Bởi để dệt một tấm thổ cẩm phải ngồi từ sáng đến tối mịt mới hoàn thiện, còn may một bộ trang phục truyền thống phải mất ít nhất 5 ngày. Chính vì thế, khi tay nghề đã thành thạo, bà Hoa muốn được truyền lại cho tất cả mọi người dân địa phương đều biết nghề dệt truyền thống.

Thời gian đầu, bà Hoa tìm người trẻ để hướng dẫn, truyền nghề và đã có một vài chị em học nghề thành thạo hết các công đoạn để tạo ra một tấm thổ cẩm mang đậm bản sắc văn hóa người Xê Đăng. Ngày nay, những học viên này đã có thể truyền nghề lại cho nhiều chị em khác.

Chị Trần Thị Kim Thảo (30 tuổi, trú thôn 3, xã Trà Cang) là học viên đầu tiên do bà Hoa truyền nghề vào năm 2010, sau 2 tháng dưới sự chỉ bảo của bà Hoa, chị Thảo đã bắt đầu thành thạo dệt và làm một số sản phẩm cơ bản thổ cẩm. Sau gần 10 năm học nghề, đến nay ngoài dệt những sản phẩm truyền thống của đồng bào, chị Thảo còn may được những quần áo thổ cẩm và cùng bà Hoa tham gia các lớp truyền nghề cho đồng bào nơi đây.

“Gần 40 năm biết đến nghề dệt thổ cẩm, cho đến nay tôi đã đã làm được 245 bộ khung dệt và trực tiếp tham gia truyền dạy 7 lớp học dệt thổ cẩm ở xã Trà Cang và xã Trà Mai (huyện Nam Trà My) cho rất nhiều thế hệ trẻ là phụ nữ người Ca Dong, Xê Đăng. Rất vui là các học viên đều yêu nghề và tiếp thu rất nhanh” bà Hoa tự hào cho biết.

Ông Trần Xuân Mố – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa là người duy nhất ở địa phương biết dệt và may thành thạo trang phục truyền thống thổ cẩm. “Nhờ những tâm huyết của bà Hoa mà nghề dệt thổ cẩm ở Trà Cang được khôi phục, qua đó gìn giữ được bản sắc văn hóa của người Xê Đăng nơi đây” – ông Mố nói.

Niềm tự hào và những điều trăn trở

Hơn 40 năm miệt mài bên khung cửi để gìn giữ và lan tỏa giá trị của nghề dệt truyền thống, nhưng với nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa, vẫn còn những trăn trở và bao tâm huyết ở phía trước. Bà chia sẻ: Có một điều mà tôi luôn canh cánh trong lòng đó là chất liệu để dệt những tấm thổ cẩm. Ngày xưa nguyên liệu để dệt thổ cẩm là bông do người dân trồng rồi thu hoạch về, màu của thổ cẩm cũng được làm bằng thứ vỏ và lá cây rừng. Còn hiện nay, chất liệu đã được thay thế bằng những sợi len công nghiệp đủ màu.

“Dù màu sắc, hoa văn vẫn đẹp, song tôi vẫn ước muốn xây dựng và hình thành một vùng trồng bông để có những dải thổ cẩm mịn màng, lung linh sắc màu văn hóa được làm từ nguyên liệu tự nhiên, tạo nên bản sắc riêng đặc biệt của người Xê Đăng – trên dãy Trường Sơn” – bà Hoa nói.

Cũng theo bà Hoa, niềm tự hào lớn nhất của bà là nhờ có nghề dệt thổ cẩm đã giúp chị em tự dệt và may được những bộ váy áo thổ cẩm, chăn đắp hay vải để địu con. Đặc biệt hiện nay, khi huyện Nam Trà My đang thúc đẩy hình thức du lịch văn hóa cộng đồng và được nhiều du khách biết đến, sản phẩm chị em làm ra được kết nối với một số doanh nghiệp, các điểm bán hàng lưu niệm, các công ty du lịch, tạo điều kiện cho bà con làng nghề tiêu thụ sản phẩm. Đó là điều mà bà trăn trở nhất, nay đã dần dần trở thành hiện thực.

“Với người Xê Đăng, giá trị lớn nhất của thổ cẩm không nằm ở giá bán của sản phẩm mà thể hiện ở đường nét tinh tế trên mỗi tấm thổ cẩm của nghệ nhân. Đó là giá trị văn hóa kết tinh bằng sự khéo léo và sáng tạo mà nhiều khi không thể quy đổi bằng tiền. Thổ cẩm là văn hóa, là tình yêu của người dệt gửi gắm qua từng sợi chỉ, tạo nên sắc chàm đen đỏ hòa phối một cách đặc trưng” bà Hoa tự hào.

“Ngoài 60 tuổi, với hơn 40 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, tôi cảm thấy tự hào và phấn khởi khi mình đã học và có được việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, đó là góp phần gìn giữ, bảo tồn làng nghề truyền thống”.
Nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa.

Bình Châu