50 năm Điện Biên Phủ 'trên không': Ý chí bùng lên từ 'đất cháy'
Một sáng mùa Đông, chúng tôi đến phố Khâm Thiên để tìm gặp những nhân chứng lịch sử của vụ máy bay B52 ném bom kinh hoàng cuối năm 1972.
Con phố ngày nay tấp nập người xe qua lại, dường như không còn dấu vết của thảm họa năm xưa, ngoại trừ Đài tưởng niệm Khâm Thiên.
Trầm mặc, trang nghiêm giữa những ngôi nhà kiên cố, những cửa hiệu san sát, Đài tưởng niệm là một chứng tích tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, nhắc mỗi người dân Việt nhớ về những ngày tháng đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc.
Ký ức kinh hoàng
Dưới bóng cây đại cổ thụ của Đài tưởng niệm, ông Lê Đình Giật (sinh năm 1955, người dân Ngõ Chợ Khâm Thiên) chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về những ký ức đau thương ám ảnh ông dù nửa thế kỷ đã trôi qua.
Năm đó, ông Giật 17 tuổi, đang chờ kết quả thi vào Đại học Y Hà Nội. Ông nhớ như in buổi tối 26/12/1972, nhạc hiệu chương trình “Đọc truyện đêm khuya” trên radio vừa dứt thì tiếng còi báo động rúc lên liên hồi. Tiếng máy bay B-52 ù ù rền rĩ. Mọi người cuống cuồng giục nhau xuống hầm trú ẩn.
Ông Giật là người vào hầm sau cùng, vừa kéo được bao trấu chắn ngang cửa hầm thì tai ông ù đi. Mặt đất chao đảo, rung lắc dữ dội.
“Tôi thấy mình bị ép chặt. Có hai cơn rung chấn đẩy tôi ngửa ra sau rồi lại lật úp xuống. Tôi choáng váng, không thở được, mũi và miệng đầy đất cát. Lúc đó, chỉ có một ý nghĩ chạy trong đầu: ‘Sập hầm rồi’,” ông Giật kể lại.
Trước sức công phá của bom, căn hầm bị vùi kín. Không nghĩ được gì, chỉ có bản năng sinh tồn thôi thúc, ông Giật gồng người, “dũi” từng lớp đất đá để ngoi lên.
Thoát ra được, ông mới nhận thấy trước mắt là khung cảnh hoang tàn, đổ nát. Miệng hố bom sâu hoắm ngay sát căn hầm. Mùi khói khét lẹt xộc thẳng lên mũi.
Ngay lập tức, ông dùng đôi tay trần đào móc xuống hầm, bới tìm từng người thân còn bị mắc kẹt phía trong. Đêm đó, ông Giật đã mất cha, mẹ và một người chị gái.
Trận bom đó cũng đã cướp đi 5 người thân của bà Chu Thị Hòa (sinh năm 1942), ngụ tại ngõ Hồ Dài. Nhắc đến thảm họa, bà không cầm được nước mắt.
“Nghe tiếng còi báo động, tôi cùng mẹ chồng chạy xuống hầm trú ẩn của xóm, còn chồng và ba người em trốn tại hầm gần nhà. Khi bom trút xuống, đất đá vùi kín, tôi nghe thấy tiếng bà kêu nhưng không làm gì được,” bà Hòa nhớ lại.
Chừng vài phút sau, bà Hòa được kéo lên còn mẹ chồng bà thì đã chết ngạt. Nhớ tới chồng và các em ở nhà, bà Hòa sấp ngửa chạy đi tìm. Tới nơi, bà khựng lại khi thấy thi thể chồng nằm vắt ngang cửa hầm, bom phạt ngang người. Ba người em cũng đã thiệt mạng.
“Thực sự lúc ấy tôi hoảng loạn đến mức không có nước mắt để mà khóc. Sau khi đưa được chồng và các em lên, tôi quay ra tìm mẹ chồng thì không thấy bà đâu, không rõ người ta đã chuyển đi từ lúc nào. Cho đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn không tìm được bà. Đó là nỗi đau không thể nguôi của gia đình tôi,” bà Hòa nức nở.
Sau trận bom rải thảm đêm 26/12/1972, 534 ngôi nhà ở Khâm Thiên đã bị san phẳng, 287 người chết, 290 người bị thương. Cả một con đường dài với những ngôi nhà cao thấp khác nhau, sau khi dứt tiếng bom B-52 chỉ còn là một bãi gạch đá ngổn ngang, cát bụi mịt mù, đây đó những hố bom đen ngòm như muốn nuốt chửng những người còn sống sót.
Tất cả những hình ảnh đó đã biến thành nỗi ám ảnh khiến cả đời ông Giật, bà Hòa và người dân khu phố Khâm Thiên khắc khoải khôn nguôi: “Tháng Chạp con đường ngẩn ngơ/ Dãy phố thành tọa độ/ Khu trắng không người ở…” (“Trường ca Hà Nội phố” - Phan Vũ).
Tình người nơi đất cháy
Sáng sớm ngày 27/12, nhà báo Chu Chí Thành (Thông tấn xã Việt Nam) có mặt ở phố Khâm Thiên. Trước mắt ông là cảnh đổ nát, hoang tàn, mọi người đang ra sức tìm kiếm người trong đống gạch vụn và ở Ngõ chợ Khâm Thiên đã có hàng chục quan tài.
Nhà báo Chu Chí Thành nhớ lại: “Khi đến Khâm Thiên, tôi thấy người dân đang đào bới trong đống đổ nát để cứu người. Một người phụ nữ đeo súng và mang một chiếc khăn rằn của miền Nam nhanh nhẹn chạy băng qua các hố bom để tìm các nạn nhân. Khi thấy cảnh đó, tôi đã nhanh chóng chụp ảnh và rất xúc động vì tinh thần chiến đấu và tình quân-dân của chúng ta.”
Nhà báo Chu Chí Thành khẳng định rằng chính trong mưa bom bão đạn, tinh thần tương thân tương ái của nhân dân Thủ đô lại càng ngời sáng hơn bao giờ hết.
Bà Hòa còn nhớ cái Tết đầu tiên sau trận bom thảm khốc, bà đưa 3 đứa con nhỏ về thắp hương cho bố trên đống đổ nát hoang tàn. Tết ấy, thành phố cho mỗi nhà hai cái bánh chưng, một gói mứt với mấy cái bát ăn cơm. Bà con hàng xóm thì giúp nhau ít gạo. Giao thừa, tất cả quây quanh ngọn đèn leo lét, đầu vẫn chít vành khăn tang.
“Lúc đó, mất nhà, tôi đón 3 con nhỏ từ nơi sơ tán về ở nhờ trong khu tập thể của cơ quan. Chiều 30 Tết, tôi và các con chụp chung một bức ảnh. Tôi cố gượng cười mà thương các con còn nhỏ, chưa hình dung được hết nỗi mất mát,” bà Hòa rưng rưng.
Rồi cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Bố chồng của bà Hòa nhặt nhạnh từng hòn gạch, tấm ván ép dựng lại nơi trú ẩn xiêu vẹo trên nền ngôi nhà năm gian cũ. Từ đây, ông lão nuôi đàn cháu nội ngoại đến khi trưởng thành.
“Ông động viên tôi rằng ‘người mất thì cũng mất rồi, con đưa 3 đứa trẻ về bố trông mà đi làm. Lúc đó, con lớn của tôi 6 tuổi, con út mới 2 tuổi. Chúng tôi cứ nương tựa vào nhau mà sống như vậy,” bà Hòa kể.
Ông Lê Đình Giật đúc kết lại rằng có 3 yếu tố để bản thân vươn lên thoát khỏi nghịch cảnh. Đó là sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, tình người trong cơn hoạn nạn và ý chí nỗ lực của cá nhân.
“Lúc đó, tôi là một thanh niên sắp bước vào trường đại học thảng thốt vì bỗng chốc mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhà cửa tan nát không còn lại gì, nhưng rồi tôi buộc phải lấy lại tinh thần vì mình còn một cô em gái phải chăm sóc,” ông trải lòng.
Vậy là ông từ bỏ ước mơ làm thầy thuốc, đi làm thuê đủ thứ việc để kiếm tiền nuôi bản thân và em gái. Thấy miệng hố bom sâu hoắm ngập nước như cái ao, ông thả bèo nuôi lợn để có thêm khoản để dành.
“Nhà sập thì hai anh em đi ở nhờ. Dần dần, mọi người giúp dựng tạm chỗ che nắng, che mưa. Hàng xóm, bạn bè, họ hàng cũng động viên rất nhiều. Người thì cho đôi dép, người thì cho cái chăn, nắm gạo hay cái bánh mỳ. Tình người lúc đó đáng quý vô cùng,” ông Giật kể.
Khi ông lấy vợ, sinh con, hố bom thả bèo vẫn còn đó. Ông chỉ cho các con mình và kể lại câu chuyện của gia đình để các cháu hiểu rằng quá khứ đau thương như thế nào và thế hệ trước đã phải nỗ lực thế nào để hồi sinh thành phố tươi đẹp như hôm nay.
Cháu nội của ông Giật năm nay 17 tuổi, đúng bằng tuổi ông ở thời điểm bi kịch xảy ra. Ông vẫn nhắc cháu rằng mỗi khi đi qua Đài tưởng niệm Khâm Thiên, cháu hãy cúi đầu tưởng nhớ những người đã nằm xuống.
“Đã 50 năm trôi qua, những người trực tiếp chứng kiến cảnh bom rơi đạn nổ như tôi hay bà Hòa ngày một ít đi. Tôi mong rằng thế hệ trẻ sau này biết rõ quá khứ để trân trọng lịch sử hào hùng của dân tộc,” ông Giật tâm sự.
Giữa mất mát lớn lao, tình người, ý chí, khát vọng hòa bình của những cư dân Thủ đô lại càng trỗi dậy mạnh mẽ. Đó chính là sức mạnh để những người dân "đất cháy" Khâm Thiên nói riêng và Hà Nội nói chung làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” vĩ đại như nhạc sỹ Phạm Tuyên đã viết: "Ý chí chúng ta đây mạnh hơn ngàn lần bom súng quân thù/ Một trận Điện Biên nay sẽ vùi mộng xâm lăng..."./.
-
Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên -
Quốc hội thông qua Luật Dược sửa đổi với 7 nhóm điểm mới cơ bản -
Từ ngày 20/11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 thông qua nhiều dự án luật quan trọng -
Tổng Bí thư Tô Lâm: Triển khai công việc theo tinh thần 'vừa chạy vừa xếp hàng'
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
- Tổng Bí thư: Mục tiêu cao nhất của dân vận giai đoạn cách mạng mới là vì dân
- Còn nhiều băn khoăn quanh việc tăng thuế suất 5% cho mặt hàng phân bón
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIV của Đảng
- Chủ tịch Quốc hội: Chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí bảo đảm chất lượng
- Quốc hội tập trung thảo luận dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam
- Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là nguồn lực mạnh mẽ nhất để vượt qua mọi khó khăn
-
Nghệ An: Các cấp Hội cần tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, cách làm hiệu quả, kết quả ấn tượngSáng ngày 22/11, bà Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc, lắng nghe và nắm bắt tình hình công tác Hội và phong trào nông dân tại tỉnh Nghệ An năm 2024.
-
“Nông dân chính là tương lai của chúng ta”Ngày 22/11/2024, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á (AsiaDHRRA) tổ chức khai mạc chuỗi sự kiện nhân dịp Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập AsiaDHRRA.
-
Công dụng thần kỳ của nước gừng tươi trong việc giảm cholesterol, giảm cânGừng, một loại gia vị phổ biến trong nhà bếp, đang trở nên phổ biến vì nhiều lợi ích sức khỏe. Nó có thể làm giảm buồn nôn, hỗ trợ giảm cân, điều chỉnh lượng đường trong máu và cholesterol, thậm chí giúp giảm đau đầu.
-
Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc giaTỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, xây dựng và phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực của tỉnh, mang thương hiệu quốc gia đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
-
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và báo chíĐó là đề nghị của ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại Hội nghị “Tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2024” tổ chức ngày 21/11/2024 tại Hà Nội.
-
Cách trồng chuối Laba cho năng suất caoChuối Laba còn được gọi với một tên khác nữa là chuối Dạ Hương bởi mùi hương thơm đặc trưng khi chín. Chuối Laba sinh trưởng tốt ở vùng đất đỏ bazan hoặc đất phù sa, nơi có nền nhiệt tương đối mát mẻ quanh năm. Nếu chăm sóc tốt, chuối cho năng suất cao và chất lượng. Mỗi buồng chuối đạt từ 25 - 30kg, cho khoảng 10 - 12 nải.
-
Từ 1/1/2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn 7 địa phương cấp huyệnỦy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1256/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, từ ngày 01/01/2025 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố; 77 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 42 xã, 28 phường và 7 thị trấn.
-
“Giải cứu” hàng nghìn phụ nữ, trẻ em khỏi bạo hành(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhằm giúp phụ nữ và trẻ em vùng nông thôn tránh bị bạo hành gia đình, Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) đã thành lập Đường dây nóng 18001768, hoạt động 24h/7 ngày. Sau 3 năm đi vào hoạt động đã có hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái vùng nông thôn được các tư vấn viên của tổng đài 18001768 hỗ trợ thoát khỏi cảnh bị bạo hành của người chồng, người cha trong gia đình.
-
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAPTháng 11/2024, một cột mốc quan trọng đã được ghi nhận khi 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn – tỉnh Nghệ An và huyện Kbang – tỉnh Gia Lai đã chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P (Smart Livestock Production) bởi tổ chức kiểm định và chứng nhận uy tín toàn cầu Bureau Veritas (BV).
-
Đổi mới trên quê hương Nho QuanLà một huyện miền núi với nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, đến nay, 100% các xã của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Miền sơn cước nay đã "thay da, đổi thịt".
-
1 Bài 4: Giải pháp đột phá trong dạy nghề, tạo việc làm ở miền Tây xứ Nghệ -
2 Kinh nghiệm từ mô hình phát triển cây hồng Gia Thanh -
3 Bài 3: Du lịch cộng đồng - Làn gió mới từ “Miền đất cổ huyền thoại” -
4 Xây dựng Nông thôn mới an toàn trước thiên tai ở Hà Tĩnh (Bài 1): Điều kỳ diệu sau “đại hồng thuỷ” -
5 Bài 1: Xua tan ám ảnh “cái chết trắng”, Lượng Minh vươn mình đón bình minh