Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

95% sản lượng hạt tiêu dùng để xuất khẩu

01:00 25/07/2018 GMT+7

Việt Nam có thể cung ứng 200.000 tấn/năm, chiếm khoảng 62% tổng sản lượng hạt tiêu thế giới và có tới 95% sản lượng sản xuất hạt tiêu của Việt Nam được dùng để xuất khẩu.

Dự báo, thời gian tới xuất khẩu hồ tiêu vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Ảnh: Internet

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Những ngày giữa tháng 7, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm tại hầu hết các nước sản xuất lớn như Brazil, Indonesia, Malaysia, Việt Nam do nguồn cung vượt nhu cầu.

Đến thời điểm hiện tại, người trồng hạt tiêu của Việt Nam đã thu hoạch xong và bán ra để chuẩn bị cho vụ mùa mới, trong khi đó Indonesia cũng đang bước vào vụ thu hoạch, gây áp lực dư cung lên thị trường.

Nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu toàn cầu khoảng 300.000 – 350.000 tấn/năm. Việt Nam có thể cung ứng 200.000 tấn/năm, chiếm khoảng 62% tổng sản lượng hạt tiêu thế giới và có tới 95% sản lượng sản xuất hạt tiêu của Việt Nam được dùng để xuất khẩu.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy: Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/7, xuất khẩu hạt tiêu đạt 142,3 nghìn tấn, trị giá 484,53 triệu USD, tăng 5,4% về lượng, nhưng giảm 35,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Về giá, trong nửa đầu năm, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt tiêu chỉ đạt 3.430 USD/tấn, giảm 39,4% so với cùng kỳ năm trước.

Khi thị trường xuất khẩu chưa có tín hiệu khởi sắc, trong nước những ngày giữa tháng 7, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng cũng ghi nhận giảm theo giá thế giới. Ví dụ điển hình như, ngày 18/7, giá hạt tiêu đen tại thị trường trong nước giảm từ 1,8 – 3,7% so với ngày 2/7, xuống còn 52.000 – 54.000 đ/kg, so với cùng kỳ tháng 6 giảm từ 1,9 – 7,1%. Giá hạt tiêu trắng đạt mức 87.000 đ/kg, thấp hơn nhiều so với mức giá 117.000 đ/kg của cùng kỳ năm 2017.

Trong bối cảnh hiện tại, một số chuyên gia dự báo, thời gian tới, xuất khẩu hồ tiêu vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Thanh Nguyễn