Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

An Phú: Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí các ấp thuộc các xã biên giới

Ái Vân - 13:39 16/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthomoi.vn) Theo UBND huyện An Phú, tỉnh An Giang, toàn huyện hiện có 21 hợp tác xã và 82 tổ hợp tác đang hoạt động; kinh tế tập thể đang có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện An Phú rất cần tỉnh có những cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho các ấp ở các xã biên giới để đạt "Ấp nông thôn mới".

Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới

Trong thời gian qua, UBND các xã cùng các ban, ngành, đoàn thể xã, huyện An Phú đã tiến hành vận động, các hộ dân chỉnh trang, làm mới hàng rào và trồng cây xanh dọc theo tuyến lộ; Tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, lắp đặt đèn chiếu sáng, tạo cảnh quan môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”; tổ chức ra quân dọn dẹp, giải tỏa các chướng ngại vật lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; Xây dựng kế hoạch phát động thi đua đoạn đường “sáng - xanh – sạch – đẹp” cho các hội, đoàn thể xã tuyên truyền vận động hội viên, hộ dân tham gia; Tổ chức trồng trên 10.000 cây phân tán ở các khu dân cư, đất công thuộc quản lý của nhà nước.

Mô hình nuối dê ở huyện An Phú. Ảnh: ĐVCC

Kết quả thực hiện xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Thời gian qua, huyện An Phú đã khảo sát lại các sản phẩm chủ lực của địa phương như lúa, cây ăn trái, rau màu, thủy sản. Hiện nay, đã thực hiện việc cấp mã số vùng trồng cho: Lúa 25 mã, cây ăn trái 64 mã. Đã thực hiện vùng nguyên liệu 350ha xoài theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở xã Phú Hữu, 150ha xoài theo tiêu chuẩn VietGAP ở thị trấn Long Bình và Khánh An.

Trong hoạt động phát triển kinh tế, có nhiều mô hình sản xuất thúc đẩy tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo” trong nhân dân như: Mô hình sản xuất trồng dưa lươi, dưa lê trong nhà màng; trồng rau thủy canh trong nhà màng, trồng đậu bắp Nhật diện tích 150ha theo chuỗi liên kết với Công ty thủy sản Bạc Liêu.... Các tổ liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất mùa vụ tạo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm. Những việc làm này góp phần thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong nhân dân, mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt.

Bà Nguyễn Thị Phướng, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, tỉnh An giang cho biết: Huyện phát triển kinh tế tập thể  trọng tâm là hợp tác xã không ngừng được củng cố và phát triển. Tính đến nay, toàn huyện có 21 hợp tác xã, 82 Tổ hợp tác hoạt động với nhiều loại hình đa dạng, phong phú. Các hợp tác xã hoạt động gắn tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực huyện được 5/21 hợp tác xã, chiếm tỷ lệ 23,8% tổng số hợp tác xã trên địa bàn huyện. Điều này chứng tỏ kinh tế tập thể giữ vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và có nhiều ưu thế mà người dân từng bước lựa chọn để cải thiện đời sống.

Huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: ĐVCC

Trong thời gia qua, các sản phẩm của hợp tác xã đã tham gia trưng bày tại các lần hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, để giới thiệu quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Kết quả xoài keo đã được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc…

UBND huyện đã triển khai các nguồn vốn về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, một số mô hình đã đạt hiệu quả tích cực như: Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học; Mô hình ứng dụng hệ thống tuới nhỏ giọt trong nhà màng; trồng nấm bào ngư trong nhà, hệ thống tưới phun trên vườn cây ăn trái….

Hỗ trợ kinh phí để các ấp thuộc xã biên giới đạt chuẩn "Ấp nông thôn mới"

Kết quả triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với lợi thế vùng miền, phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn, bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn. Tính đến hiện tại, trên địa bàn huyện có 2 sản phẩm được công nhận OCOP, xếp hạng 3 sao là Khô bò giòn Phú Vinh và Xoài Keo Long Bình. Năm 2023, huyện đã hoàn thành thủ tục, hồ sơ thông qua Hội đồng OCOP cấp huyện xem xét đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP cho 06 sản phẩm: Khô bò dẻo Phú Vinh, Lạp xưởng heo Phú Vinh, Mắm cá linh xay Út Nhanh, Khô cá sặc rằn, Đông trùng hạ thảo và chiếu UZU. Đối với 02 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao là Khô bò giòn Phú Vinh và Xoài Keo Long Bình huyện đang tiếp tục hỗ trợ chủ thể duy trì, nâng chất để nâng sao các sản phẩm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện An Phú vẫn còn vướng một số vấn đề khó khăn: Chuyển dịch cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp chưa thật sự đột phá; Diện tích canh tác còn manh mún, nhỏ lẻ không tập trung, xuất phát điểm nền kinh tế của huyện còn thấp chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư; Xây dựng nông thôn mới đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi đó tiềm lực kinh tế còn hạn chế nên nguồn vốn đầu tư hỗ trợ cho các chương trình, dự án còn hạn chế kinh phí hỗ trợ chưa kịp thời, nguồn vốn đầu tư chưa đa dạng.

Những cánh đồng  lúa của huyện. Ảnh: ĐVCC

Cán bộ tham gia công tác xây dựng nông thôn mới chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ năng lực còn hạn chế, nên còn nhiều lúng túng trong triển khai, tham mưu thực hiện Chương trình. Xây dựng nông thôn mới dựa trên nền tảng phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, trong khi sản xuất nông nghiệp của huyện có điểm xuất phát thấp, phát triển chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro.

Việc chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp và thủy sản còn chậm; chưa phát huy tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; dịch vụ, ngành nghề nông thôn phát triển chưa đa dạng, quy mô nhỏ, hiệu quả đầu tư thấp; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn và quá trình đô thị hóa nông thôn còn chậm.

Một số chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được ban hành khá đồng bộ, kịp thời, hợp lòng dân nhưng lại chậm được triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn hiệu quả chưa cao.

Sự phối hợp thực hiện trong hệ thống chính trị còn một vài ngành chưa quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động đôi lúc chưa đi vào chiều sâu. Ngoài ra, còn một vài ngành thiếu tính chủ động, mang tâm lý dồn sức cho xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng đến phát triển sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Xây dựng nông thôn mới dựa trên nền tảng phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, trong khi sản xuất nông nghiệp của huyện có điểm xuất phát thấp, phát triển chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, việc chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp và thủy sản còn chậm; chưa phát huy tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; dịch vụ, ngành nghề nông thôn phát triển chưa đa dạng, quy mô nhỏ, hiệu quả đầu tư thấp; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn và quá trình đô thị hóa nông thôn còn chậm.

Từ những khó khăn trên, bà Nguyễn Thị Phướng, Phó Chủ tịch huyện An Phú kiến nghị: Tỉnh cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí để các ấp thuộc các xã biên giới, khó khăn của huyện có đủ nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn “ấp nông thôn mới”.