Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vĩnh Phúc: Nỗ lực thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới

Đức Vượng - 07:59 12/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn) là một trong những tiêu chí rất quan trọng, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các địa phương, làm nền tảng để hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Xác định rõ tầm quan trọng đó, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả tiêu chí này.

Để thực hiện tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh thực hiện việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tổ hợp tác. 

Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, ban hành và triển khai nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đồng thời, đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm...góp phần chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn toàn diện và đúng hướng. Nhờ đó, đến hết năm 2023, giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh tăng 5,29% so với năm 2022; toàn tỉnh có 140 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP...

Cụ thể, tại xã Liên Châu, huyện Yên Lạc xác định thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất là nền tảng để hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo, chính quyền địa phương đã chú trọng phát triển sản xuất, tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với thực hiện chương trình OCOP và phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Từ chỗ sản xuất dựa chủ yếu vào một số cây trồng truyền thống như: Ngô, lúa, đỗ tương… Nông nghiệp ở Liên Châu đã có bước chuyển mình tích cực. Hàng loạt các cây trồng mới, năng suất cao được đưa vào trồng thử nghiệm và nhân rộng trên địa bàn xã như: Bưởi diễn, chuối tiêu hồng, cây phật thủ… mang lại giá trị kinh tế cao.

Diện mạo nông thôn mới ở Vĩnh Phúc ngày càng khởi sắc

Theo đó, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn nhiều hợp tác xã nông nghiệp thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012; hướng dẫn thực hiện kinh tế trang trại theo Thông tư số 02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tư vấn và thành lập mới 4 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lên trên 300 hợp tác xã. Các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát triển theo hướng đa dạng các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thành viên và thị trường.

Nhờ đó, năm 2023, doanh thu bình quân của các hợp tác xã nông nghiệp ước đạt trên 1 tỷ đồng/hợp tác xã, lãi bình quân đạt 200 triệu đồng/hợp tác xã/năm. Một số mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình hoạt động có hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị theo Luật Hợp tác xã 2012 như: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, huyện Bình Xuyên; Hợp tác xã nấm Tam Đảo, huyện Tam Đảo; Hợp tác xã rau an toàn Vĩnh Phúc, huyện Tam Dương... Việc đổi mới trong tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn năm 2023 lên 60 triệu đồng/người.

Phát huy tiềm năng, lợi thế, các địa phương tích cực phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, từ đó giúp kinh tế - xã hội tại các địa phương ngày thêm khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, tiêu chí Tổ chức sản xuất đã được bổ sung nhiều chỉ tiêu mới so với giai đoạn trước. Thực tế tại một số địa phương, sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, thiếu bền vững; tỉ lệ hợp tác xã thực hiện ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất còn thấp…

Để vượt qua khó khăn, phấn đấu trong năm 2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có thêm 10 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 10 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu và 2 xã được công nhận đạt chuẩn xã thông minh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho từng tiêu chí, nhất là tiêu chí số 13. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách; đề ra những giải pháp tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác; khuyến khích liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...

Vĩnh Phúc: Xã Yên Phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ban Chỉ đạo Nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu huyện Yên Lạc vừa qua đã tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận xã Yên Phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.