Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bắc Giang áp dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ vải thiều, nông sản qua sàn thương mại điện tử

Nguyễn Kiên - 07:48 06/07/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngay từ đầu vụ vải thiều 2023, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức giám sát tất cả các mã số vùng trồng hiện có, đề nghị cấp mã số vùng trồng mới, thực hiện số hóa vùng sản xuất tập trung gắn với ghi nhật ký điện tử; triển khai nhân rộng việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (mã số, mã vạch gắn với thông tin tra cứu về sản phẩm, vùng trồng...) để phục vụ cho tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, tiêu thụ nông sản trực tuyến

Tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) triển khai hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản trên “Gian hàng Việt trực tuyến” và các sàn thương mại điện tử. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã mở gian hàng trên các sàn thương điện tử (Alibaba.com, San24h.vn, Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn...); thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, landing, zalo…

Vải thiều Bắc Giang đang bắt đầu vào thời gian cao điểm của vụ thu hoạch với sản lượng ước tỉnh toàn tỉnh đạt 180.000 tấn. Tuy nhiên ngay từ khi nông dân Bắc Giang thu hoạch các loại vải sớm như vải u hồng, vải trứng, Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã chủ động đồng hành cùng nông dân Bắc Giang để triển khai các kênh tiêu thụ nhanh chóng, hiệu quả nhất.

Vải thiều Bắc Giang trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Ảnh minh họa

Sau gần 1 tháng hỗ trợ nông dân Bắc Giang đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử tại sàn Postmart.vn. tính từ đầu tháng 5 đến nay số lượng đơn hàng đặt trên sàn 111.000 đơn. Khoảng 600 nhà cung cấp là các HTX, doanh nghiệp và hộ trồng vải tại Bắc Giang đã được nhân viên Vietnam Post hỗ trợ đưa sản phẩm của mình lên mở gian hàng tại sàn TMĐT Postmart.vn. 

Sau khi khách đặt mua hàng trên sàn TMĐT Postmart.vn, vải sẽ được thu hoạch từ sáng sớm và đóng gói theo quy cách, tiêu chuẩn riêng. Vietnam Post cũng sử dụng các xe chuyên dụng, xe lạnh hoặc máy bay để vận chuyển vải nhanh nhất tới tay người tiêu dùng trong vòng 6- 48 giờ.

Đặc biệt, thời gian gần đây, Vietnam Post đã kết nối với các nhà thu mua và xuất khẩu vải thiều để đưa hàng chục tấn vải xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Để đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu, tối ưu hóa quy trình vận chuyển, Vietnam Post đã dành trọn tải các chuyến bay sang Nhật để đưa loại quả đặc sản thơm ngon, bổ dưỡng của Bắc Giang đến người tiêu dùng tại thị trường “khó tính” bậc nhất thế giới.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) thông tin, đã có 17 lô hàng, tổng trọng lượng trên 82 tấn vải thiều, đạt chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản. Giá bán lẻ vải thiều tại hệ sống siêu thị Nhật ở mức 400.000-550.000 đồng/kg. Xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản năm 2023 sẽ tăng trưởng tích cực, doanh nghiệp sẽ có nhiều đơn hàng hơn so với những năm trước, ông Huỳnh Tấn Đạt dự báo.

Cùng với đó, Tỉnh Đoàn Bắc Giang cũng đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử Lazada và Foodmap để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ nông sản Bắc Giang trên địa bàn trong nước và thế giới. Chương trình "Lục Ngạn - Bắc Giang: Vải chuẩn từ tâm - Nâng tầm nông sản” được bắt đầu mở bán trên sàn thương mại Lazada từ ngày 15/6-2/7/2023, dự kiến trên 50 tấn vải sẽ được tiêu thu qua kênh này. Tất cả sản phẩm đều được thu mua từ vườn trực tiếp, sau đó qua quy trình lựa chọn và phân loại kỹ càng, bảo quản và đóng gói theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Chỉ sau 2-4 giờ, hàng hóa sẽ được giao tới tay người tiêu dùng với chi phí thấp hơn từ 25% đến 30% so với giá bán trên thị trường.

Thanh niên tình nguyện hỗ trợ nhân dân tiêu thụ vải thiều.

Ngày 20/6, lô hàng vải thiều tươi đầu vụ 2023 của tỉnh Bắc Giang qua đường hàng không đã đến Houston (Mỹ). Ngay sau đó, vải thiều tươi Việt Nam được bán đồng loạt tại nhiều siêu thị và chợ châu Á lớn nhất ở Houston, Texas (Mỹ), gồm các siêu thị lớn như: Hong Kong, Tân Bình, Việt Hoa, Linda’s Tropical Fruits, Ca Mau,...

Giá bán lẻ cho khách hàng là 14-15 USD mỗi pound (tương đương khoảng 780.000 đồng mỗi kg); hoặc 140 USD cho gói 11 pound (5kg), tương đương 3,2 triệu đồng (640.000 đồng/kg).

Bà Jolie Nguyễn, CEO Công ty LNS International Corporation (nhà nhập khẩu vải thiều), cho biết, LNS sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác nhập khẩu, phân phối, vận tải... đưa các loại nông sản Việt (bao gồm trái vải tươi) đến nhiều tiểu bang tại Mỹ trong tháng này. Điều đó khích lệ người tiêu dùng Mỹ và nâng cao uy tín của các doanh nghiệp Việt trên toàn thế giới.

Đầu tháng 6, một lô vải u hồng Việt Nam cũng được Công ty TT Meridian nhập khẩu vào Anh, trở thành lô vải xuất khẩu chính ngạch đầu tiên của Việt Nam đến Anh trong năm nay. So với sản phẩm cùng loại cũng như các loại trái cây nhập khẩu khác, vải thiều Việt Nam có giá bán khá cao tại Anh, 15 bảng/kg, tương đương 435.000 đồng. 

Vải thiều Bắc Giang được giới thiệu trên sàn TMĐT Voso. Ảnh minh họa

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, trong năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ được 40 hợp tác xã và doanh nghiệp mở các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử và tổ chức hướng dẫn bà con ngay tại vườn cách làm hình ảnh thế nào, tiếp nhận đơn hàng, chốt đơn hàng, cách đóng gói, quy trình vận chuyển hàng đến tay với người tiêu dùng ra sao… từ đó tăng lượng tiêu thụ nông sản.

Nông nghiệp là một trong 9 lĩnh vực được tỉnh ưu tiên chuyển đổi số

Lan tỏa từ sự thành công của vụ vải thiều, các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh cũng được ứng dụng triệt để số hóa trong kết nối tiêu thụ và đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử; đến nay tỉnh đã có trên 113.670 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình được sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn khởi tạo gian hàng đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử; nhiều mặt hàng nông sản và 180 sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang được hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử Voso.vn, Postmart.vn... để đưa sản phẩm nông sản Bắc Giang đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Bắc Giang là tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, có nhiều dư địa cho chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp với 52 sản phẩm đặc trưng, chủ lực, tiềm năng và 180 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Mới đây, UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang), Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ NYP phối hợp tổ chức hội nghị tiếp nhận sàn thương mại điện tử nông sản huyện Tân Yên với nhiều nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP như: Vải thiều sớm Tân Yên, vú sữa Tân Yên, măng lục trúc, ổi lê Tân Yên... Từ đầu năm đến nay đã có khoảng 30 hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử. Đối với nhà bán hàng, sau khi đăng ký tài khoản sẽ vào cập nhật, đăng tải hình ảnh, thông tin sản phẩm trên gian hàng của mình. Cùng với đó dễ dàng quản lý doanh thu, đơn hàng mới, thống kê doanh thu, hàng tồn...

Tỉnh Bắc Giang xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định nông nghiệp là một trong 9 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số trước, thực hiện thành công sẽ có hiệu quả ngay cho xã hội. Bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, để cho năng suất cao, tạo ra các sản phẩm chất lượng, có giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Tỉnh Bắc Giang đặc biệt coi trọng công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng. Tạo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đã từng bước ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Ngồi ở nhà, khách hàng vẫn có những quả vải thiều Bắc Giang tươi ngon thưởng thức khi đặt mua online tại 7 website, sàn thương mại điện tử. Ảnh minh họa

Tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ nông dân sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Giang; trong đó hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia 2 Sàn thương mại điện tử (Postmart.vn và Voso.vn) để kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ;

Tỉnh Bắc Giang cũng hướng tới hình thành các hộ sản xuất nông nghiệp số (có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn thương mại điện tử  như Alibaba.com, San24h.vn, Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn...); xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu về chuyên trang Thương mại điện tử tỉnh Bắc Giang; tổ chức tập huấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến, kiến thức khởi nghiệp trên sàn thương mại điện tử…, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử, giải quyết được lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại thời đại công nghệ số.