Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lào Cai: Chú trọng dạy nghề “Kỹ thuật trồng, chế biến chè” và “Chăn nuôi đại gia súc”

Mạnh Hùng - 15:46 14/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 4/11/2022 vừa qua, Hội Nông dân huyện Bát Xát phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Lào Cai) khai giảng lớp dạy nghề “Kỹ thuật trồng và chế biến chè” tại Thôn Piềng Láo và lớp dạy nghề “Chăn nuôi đại gia súc” tại thôn Ky Quan San (xã Mường Hum). Ông Bùi Quang Hưng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai dự và phát biểu khai giảng lớp dạy nghề.

Tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Bát Xát tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, tư duy và tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ sang phát triển hàng hóa theo quy mô lớn, có hiệu quả cao và bền vững. Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đoàn thể mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về chăn nuôi đại gia súc cho nông dân; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong phòng, trừ dịch bệnh, chăm sóc nâng cao sức đề kháng cho gia súc khi mang thai, sinh sản. Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi trâu, bò ở những vùng có lợi thế về khí hậu và bãi chăn thả, từ đó mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đưa chăn nuôi trở thành một trong những hướng phát triển kinh tế chủ đạo của địa phương.

Lớp dạy nghề “Chăn nuôi đại gia súc” tại thôn Ky Quan San (xã Mường Hum) được tổ chức trong 2 tháng (tháng 11-12/2022), mỗi lớp học có từ 30 – 35 học viên là những hội viên nông dân địa phương. Trong thời gian học tập, học viên được tiếp thu kiến thức về sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi và việc nuôi, phòng trị bệnh cho đại gia súc, giúp hội viên nông dân có kiến thức về sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi và những quy trình kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến. Qua đó nâng cao kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện để hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình, từ đó góp  phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khai giảng lớp dạy nghề tại xã Mường Hum.

Phát huy lợi thế địa hình có nhiều bãi chăn thả tự nhiên, Hội Nông dân huyện Bát Xát chú trọng tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, nhờ vậy nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, điển hình như hộ anh Lê Công Giang, thôn Tân Long, xã Cốc Mỳ. Đầu năm 2021, từ 170 triệu đồng vay vốn ngân hàng, cộng với tiền tiết kiệm của gia đình, anh mua 14 con ngựa giống về nuôi sinh sản. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi bán chăn thả tự nhiên, kiểm soát tốt dịch bệnh nên chỉ sau 1 năm, đàn ngựa của gia đình đã sinh sản, đến nay, tổng đàn tăng lên 20 con. Anh Giang đang mở rộng diện tích chuồng nuôi, trồng thêm cỏ để tiếp tục mở rộng quy mô trang trại. Gia đình chị Dừ Thị Lầu, thôn Tả Phìn, xã Dền Thàng cũng làm giàu nhờ chăn nuôi gia súc. Hiện gia đình chị có 10 con trâu, tổng giá trị trên 300 triệu đồng.

Người dân xã Dền Thàng phát triển nuôi trâu vỗ béo.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, huyện Bát Xát bố trí hơn 30 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc. Cụ thể, hỗ trợ 25 triệu đồng/trang trại chăn nuôi trâu, bò; 2 triệu đồng/ha cỏ trồng mới; hỗ trợ vay đến 170 triệu đồng không lãi suất trong 3 năm để mua 10 con ngựa đối với hộ tham gia dự án phát triển đàn ngựa hàng hóa… Nhờ đó, huyện Bát Xát đã phát triển được đàn đại gia súc lên gần 22.000 con, tăng 30% so với năm 2015.

Bát Xát có nhiều bãi chăn thả thuận lợi cho phát triển đại gia súc.

Hướng dẫn quy trình sản xuất cây chè - cây hàng hoá chủ lực của địa phương theo hướng hữu cơ cho nông dân

Đối với lớp dạy nghề “Kỹ thuật trồng và chế biến chè” tại Thôn Piềng Lá (xã Mường Hum), trong thời gian 2 tháng, các học viên được tham gia học tập 2 phần gồm: Lý thuyết và thực hành theo giáo trình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong quá trình tham gia lớp đào tạo, học viên được hướng dẫn về kỹ thuật làm đất, trồng, chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh và chế biến chè. Đặc biệt là hướng dẫn cho học viên về quy trình sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ để tăng năng suất, chất lượng chè thương phẩm tham gia chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp để nâng cao thu nhập. Đồng thời hộ sản xuất cam kết có trách nhiệm đối với quá trình sản xuất và sản phẩm do mình làm ra, tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kết thúc khóa học, các học viên được cấp chứng chỉ đào tạo sơ cấp nghề trồng và chế biến chè. Đồng thời, các học viên sau khi tốt nghiệp cũng sẽ là những nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân các thôn trên địa bàn xã tham gia vào các khâu trong quy trình sản xuất, chăm sóc và chế biến sản phẩm chè tại địa phương.

Phát triể cây chè trở thành cây thế mạnh kinh tế ở Mường Hum.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có trên 10 doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, sản xuất, chế biến chè. Ngoài việc tiêu thụ theo các kênh nội tiêu trên địa bàn tỉnh và các tỉnh khác, sản phẩm chè của tỉnh Lào Cai còn xuất khẩu sang các nước Trung Đông, thị trường châu Âu, Mỹ, Canada, Trung Quốc. Hiện nay, tổng diện tích chè toàn tỉnh có hơn 7 nghìn héc ta. Trong đó diện tích chè kinh doanh gần 5.000 ha. Ngành Nông nghiệp Lào Cai khuyến cáo trồng chè khi đất đủ ẩm, sau khi có mưa trời râm mát, thời vụ tốt nhất từ đầu tháng 8 và kết thúc xong trong tháng 10.

Hàng năm, Hội Nông dân các địa phương trong tỉnh Lào Cai đã chủ động tuyên truyền, vận động tổ chức triển khai kế hoạch trồng chè đến các xã và người dân; chuẩn bị cây giống có chất lượng tốt, bảo đảm cung ứng kịp thời cho nhân dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống, vật tư phân bón trong vùng nguyên liệu nhằm xây dựng vùng chè an toàn.

Các chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời, hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Các doanh nghiệp thực hiện tốt việc quản lý, phát triển vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm chè búp tươi ổn định theo hợp đồng, tạo niềm tin cho các gia đình mở rộng diện tích trồng chè. Một số hộ dân vùng chè huyện Bát Xát, Bảo Yên, Mường Khương, TP. Lào Cai… còn chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ và đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nhân dân trong vùng.

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chè là một trong những cây hàng hóa chủ lực của tỉnh. Theo kế hoạch phát triển, trong năm 2022, người dân các địa phương Bảo Yên, Mường Khương, Bảo Thắng và Bắc Hà sẽ mở rộng thêm 860 ha chè. Về cơ cấu giống chè, chủ yếu sử dụng giống chè Shan, giống chè chất lượng cao (Kim Tuyên, Thúy Ngọc và Ôlong, Thanh Tâm…), Shan cổ thụ và một số giống chè lai.

Những định hướng về công tác Giáo dục nghề nghiệp ở Kiên Giang
Việc sắp xếp, kiện toàn và phát triển hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Kiên Giang đã có những kết quả tích cực, đặc biệt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động…