Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Các phong trào đều hướng đến xây dựng nông thôn mới

Vân Nguyễn - 07:07 01/04/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, các phong trào do Hội Nông dân tỉnh An Giang phát động đều hướng vào thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đưa vào nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp, thu hút đông đảo nông dân tham gia, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Bê tông hóa các tuyến đường nông thôn.

Vận động hơn 86 tỷ đồng trong thời gian giãn cách xã hội

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang cho biết, thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa nông dân với Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, Hội Nông dân tỉnh đã tập trung vận động tư vấn hỗ trợ, đồng hành với nông dân thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm… Tham gia cùng các ngành chức năng thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Hội Nông dân các cấp đã tuyên truyền, vận động nông dân giỏi tham gia phát triển sản xuất xây dựng nông thôn mới gắn với tiêu chí ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, Hội còn thành lập “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội” gắn với tiêu chí an ninh trật tự được giữ vững…; Hướng dẫn giúp đỡ tương trợ nhau trong sản xuất, nâng cấp đường nông thôn, với tổng số tiền đóng góp trên 2,708 tỷ đồng và gần 10.000 ngày công lao động; Vận động hội viên nông dân mua thẻ BHYT đạt gần 98%. Lắp hơn 245 bóng đèn đường, xây mới và sửa chữa 13 cây cầu giao thông nông thôn, sửa chữa bóng đèn đường, lắp đặt trụ đèn… 

Ông Nguyễn Văn Nhiên chia sẻ: Đến nay, toàn tỉnh An Giang đã thành lập thành lập 930 tổ hợp tác, có hơn 15.000 thành viên, với diện tích đất gần 90.000ha; Phối hợp ngành Nông nghiệp xây dựng 119 mô hình trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và dịch vụ ở nông thôn theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương, tập trung các sản phẩm chủ lực đã được quy hoạch như lúa chất lượng cao, rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi thủy sản, nấm ăn - nấm dược liệu, cây dược liệu, hoa kiểng… Phát động, tổ chức hàng năm cho trên 102 ngàn hội viên đăng ký danh hiệu hộ sản xuất giỏi các cấp mỗi năm. Năm 2021 có gần 9.000 nông dân được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, với hơn 100 sản phẩm lợi thế; 1.035 doanh nhân nông thôn và các cấp Hội xây dựng 191 mô hình tiêu biểu. 

Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư, khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình để hướng dẫn, hỗ trợ nông dân vươn lên trong sản xuất, làm giàu góp phần tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo. Thực hiện các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn. Hội Nông dân các cấp đã tập trung vào việc xây dựng Quỹ Hỗ trợ Nông dân với tổng số vốn trên 37,2 tỷ đồng, giải ngân 157 dự án với gần 32 tỷ đồng cho 1.084 hộ vay. Tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng nông nghiệp và tín dụng chính sách. Đồng thời, tổ chức đào tạo nghề, hướng nghiệp cho nông dân, thực hiện về bảo hiểm y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình, an toàn giao thông. 

Các cấp Hội còn thành lập được 63 “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật” với 2.264 thành viên. Vận động những chuyến xe nhân ái chuyên chở hàng nông sản phục vụ những hội viên nông dân khó khăn trong khu giãn cách, phong tỏa…Tổng hai công trình “gian hàng 0 đồng”; “chuyến xe 0 đồng” do Hội Nông dân các cấp thực hiện hỗ trợ cho hội viên nông dân trong thực hiện giãn cách xã hội hơn 86 tỷ đồng.

Xây dựng cầu bê tông kiên cố thay cho cầu gỗ xuống cấp.

Ngân sách đầu tư NTM còn thấp so với yêu cầu

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, cần có cơ chế và giải pháp hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tập trung, tích tụ đất đai sản xuất quy mô lớn để thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào các khâu trong quy trình sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí, giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Có chính sách đất đai phù hợp để các doanh nghiệp, nông dân yên tâm đầu tư lâu dài vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa lớn, mở rộng trang trại, gia trại nâng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Công tác khen thưởng phải thường xuyên khích lệ những tập thể và cá nhân có thành tích tốt thực hiện cuộc vận động “Toàn dân doàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nguồn kinh phí được phân bổ hàng năm, cần bố trí thêm kinh phí để các cấp Hội tổ chức tuyên truyền trong cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương, chính sách về nông thôn mới.

Ngành tín dụng và địa phương nên quan tâm tạo điều kiện cho các mô hình kinh tế hợp tác tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các chính sách liên quan để các hoạt động dịch vụ mở rộng sản xuất. Tạo điều kiện cho hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận thêm doanh nghiệp có cùng hoạt động nhằm trao đổi sản xuất và tiêu thụ phát triển sản phẩm. Nhà nước cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa vào phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp như điện, đường, hệ thống thủy lợi, hệ thống kho bãi bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp, phát triển bến cảng, khai thác giao thông thủy, các chợ đầu mối song song với mở rộng thị trường ngoài nước để giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm… Bên cạnh đó có chính sách đủ sức để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư, các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp, tiêu thụ nông sản và quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, vùng nguyên liệu ...

Để đô thị văn minh cần xây dựng nhiều giải pháp cải tạo môi trường đang bị ô nhiễm hiện nay, nhằm kích thích du lịch phát triển và định hướng phát triển thành phố thân thiện. Tạo điểm nhấn cho du khách đến tham quan, có chính sách ưu đãi cho nông dân phát triển các sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống.

“Việc huy động nguồn lực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn, ngân sách đầu tư của nhà nước kể cả vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia còn quá thấp so với yêu cầu. Vốn huy động trong nhân dân rất hạn chế do thu nhập của người nông dân còn thấp, vốn tín dụng khó tiếp cận, vốn hỗ trợ từ doanh nghiệp không nhiều. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước nhất là nguồn nước mặt ngày càng tăng do người dân sản xuất chăn nuôi, chế biến xen lẫn trong các khu cư dân nông thôn. Sử dụng quá nhiều phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng... làm ô nhiễm môi trường, tạo ra dư lượng các chất độc hại trong nông sản thực phẩm cần được khắc phục”, ông Nhiên nói.