Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Các trường dạy nghề gặp khó do dịch Covid-19

07:14 18/09/2021 GMT+7

Do ảnh hưởng dịch Covid-19 trong công tác tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp (gọi chung là trường nghề) gặp khó do tuyển sinh theo hình thức trực tuyến. Khó khăn nữa do tâm lý của các em học sinh và cha mẹ trong việc chọn ngành nghề cho con em mình khi thấy nhiều công ty bị đình trệ, nhiều người thất nghiệp…

Giờ thực hành nghề điện tại Trường Trung cấp Nghề tổng hợp Hà Nội.

Hoang mang thấy nhiều người thất nghiệp

Điều các bạn trẻ lo lắng nhất lúc này là không biết học nghề gì để có thể kiếm được việc làm trong giai đoạn dịch Covid-19 phức tạp, thị trường việc làm được dự đoán sẽ trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn khi các công ty đều đang cắt giảm nhân sự. Việc chọn trường, chọn ngành học là một trong những khó khăn đối với cả học sinh lẫn phụ huynh. Đứng trước ngưỡng cửa quyết định này, “Học gì để không thất nghiệp?” là câu hỏi chung của nhiều học sinh THPT hiện nay.

Em Nguyễn Huyền Trang (Hà Nội) cho biết, điểm thi tốt nghiệp THPT của mình không tốt, em tính đi học nghề nhưng lại rất hoang mang. Tình hình dịch căng thẳng quá, nhìn đâu cũng thấy người thất nghiệp. Em không biết tương lai sắp tới sẽ làm gì, học nghề gì để ra trường không bị thất nghiệp nữa.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu phát triển nhân lực cho hay, nhu cầu nhân lực vẫn rất lớn, các bạn trẻ bắt đầu học năm nay thì 2-3 năm sau mới ra trường, hoàn toàn không lo đến việc không kiếm được việc làm.

“Dịch nào rồi cũng sẽ qua. Tôi tin chúng ta sẽ sớm khống chế được dịch Covid-19. Khi đó, nền kinh tế cần rất nhiều nhân lực để phục hồi. Theo dự báo nhu cầu nhân lực trong giai đoạn 2021-2030, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần 600.000 chỗ làm việc/năm; vùng Tây Nguyên cần 200.000 chỗ làm việc/năm; riêng TP. HCM cần 330.000 chỗ làm việc/năm… Chắc chắn thị trường lao động sẽ có chuyển biến lớn với việc gia tăng nhiều cơ hội việc làm cho người lao động qua đào tạo nói chung và các hệ giáo dục nghề nghiệp nói riêng”, ông Trần Anh Tuấn nhận định.

Do đó, điều quan trọng với các em lúc này là quyết định thật chính xác ngành nghề, cấp bậc học (đại học, cao đẳng, trung cấp ) và ngôi trường phù hợp với mình. Học thật tốt, có nghề và giỏi nghề, xây dựng năng lực nghề và giá trị hành nghề thì chắc chắn thành công trong tương lai.

Tuyển sinh bằng nhiều hình thức

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện mới có 215/400 trường cao đẳng và 262/463 trường trung cấp và chỉ có 308 trên gần 2.000 trung tâm có số liệu báo cáo (khoảng hơn 1/2 trong tổng số trường và 1/6 số trung tâm có báo cáo) về công tác tuyển sinh. Đến 15/8, theo tổng hợp trên phần mềm quản lý số liệu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng được hơn 75.000 người, đạt khoảng 13% kế hoạch năm 2021.

Để khắc phục những khó khăn do đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ còn kéo dài, việc tuyển sinh là vấn đề quan trọng số một cần phải được các địa phương, các trường cao đẳng, trung cấp tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và các kênh thông tin trực tuyến. Từ đầu năm đến nay, hoạt động tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh của các trường vẫn chủ yếu được thực hiện theo các hình thức trực tuyến để đối phó với tình hình phải giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid – 19. Hầu hết các trường đã sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các công cụ truyền thông và mạng xã hội vào công tác tuyên truyền, tư vấn và làm công tác tuyển sinh như: Thiết lập các chuyên trang về tuyển sinh của trường trên các trang mạng xã hội (facebook, viber, zalo…) hoặc trên các website của trường để thực hiện công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh online.

Nhiều trường đã thiết lập công cụ live chat trên website của trường hoặc hệ thống hotline để hỗ trợ người học trong công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh; nhiều trường đã xây dựng các ấn phẩm truyền thông số (sách, cẩm nang, thông tin, tranh ảnh, tài liệu…) về tư vấn, hướng nghiệp; thông tin về nhà trường và hoạt động đào tạo nghề nghiệp của trường để đăng tải trên các chuyên trang tuyển sinh và các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo kết quả tổng hợp tuyển sinh trên phần mềm quản lý số liệu cho thấy, đầu năm 2021 một số lĩnh vực ngành, nghề vẫn có kết quả tuyển sinh tốt như: Máy tính và Công nghệ thông tin, Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Sức khỏe, Kinh doanh và quản lý…

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội cho biết: Do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên việc tư vấn, gửi hồ sơ nhập học, đóng tiền, và nhập học hiện hoàn toàn trực tuyến. Với hệ cao đẳng, trường đã tuyển sinh được 50% và hệ trung cấp vẫn tiếp tục đang tuyển đến cuối năm.

Ông Ngọc cũng cho biết thêm, nhiều ngành nghề khiến tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn. Đặc biệt ở những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, ngành nghề năng khiếu… Kể cả những ngành nghề được nhiều người ưa thích như nấu ăn, hướng dẫn du lịch, chăm sóc sức khỏe… cũng “lao đao” do ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19.

Những bất cập này cũng gặp ở nhiều trường giáo dục nghề nghiệp khi tiếp xúc tư vấn, các em phản ánh gia đình gặp khó khăn do Covid-19, học nghề mong muốn ra trường có việc làm ngay và chính sách hỗ trợ học phí, nếu không sẽ vào các khu công nghiệp đi làm để giúp đỡ gia đình.

Không tăng học phí trong năm học 2021-2022

Nhận định bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức học phí năm học 2021 – 2022 như năm học 2020 – 2021.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng việc giữ ổn định mức học phí nhằm chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính đối với phụ huynh, học sinh, người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Phương án hỗ trợ 2 triệu đồng/học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 26 tỉnh, thành có dịch. Theo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, mức hỗ trợ 2 triệu đồng áp dụng cho hơn 460.000 học sinh, sinh viên tại 26 tỉnh, thành phố có kinh phí hỗ trợ hơn 920 tỉ đồng.

Bộ cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện miễn học phí cho các đối tượng theo quy định tại khoản 2 điều 62 Luật Giáo dục Nghề nghiệp, công khai học phí theo quy định. Ví dụ như người học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo…

“Việc tổ chức, triển khai đào tạo trực tuyến trong mùa dịch tại những trường ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn do điều kiện về hạ tầng công nghệ, thiết bị học tập. Qua 6 tháng thực hiện tuyển sinh, đào tạo trực tuyến đã bộc lộ rõ những hạn chế về kỹ năng số của nhiều nhà trường, của đội ngũ nhà giáo”.
Ông Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp.

Trang Linh