Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cần giải bài toán thiếu nhân lực trình độ cao trong nông nghiệp

Minh Anh - 07:18 08/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhu cầu tuyển dụng lao động nông nghiệp trình độ cao tăng nhưng số lao động đăng ký học lại giảm. Điều gì khiến cho học sinh quay lưng với ngành nông nghiệp? đâu là lời giải cho bài toán này?

Không muốn học ngành Nông nghiệp vì "kém sang" 
Nguyễn Thị Minh Thư (18 tuổi) ở Hoài Đức (Hà Nội) nộp hồ sơ vào khoa Chăn nuôi Thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nghe con gái nộp hồ sơ vào học ngành Chăn nuôi, gia đình Thư đều phản đối. Bố mẹ Thư đều là nông dân nhưng họ không muốn con gái sau này cũng làm nông dân vì sợ con vất vả. 
Thư chia sẻ: "Không chỉ bố mẹ, anh chị em, ngay cả bạn bè cũng dè bỉu vì em nộp hồ sơ học nông nghiệp. Nhiều bạn nói không muốn học ngành Nông nghiệp vì 'kém sang'". Mặc dù vậy, Thư vẫn quyết tâm nộp hồ sơ và cô đã trúng tuyển. Tuy nhiên, số lượng bạn trẻ yêu thích và quyết tâm gắn bó với ngành Thú y không nhiều, bởi ngành này vất vả, thu nhập thấp. 

Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành Nông nghiệp tại ĐH Trà Vinh. Ảnh minh họa
Mới đây, tại Hội nghị “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn” Bộ NN&PTNT cũng đã chia sẻ về thực trạng thiếu nghiêm trọng nhân lực nông nghiệp. Theo thống kê, Bộ NN&PTNT hiện có 12 cơ sở đào tạo đại học và sau đại học, 28 trường cao đẳng và 2 trường cán bộ quản lý. Đến nay, các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT đã hình thành mạng lưới các trường, các đơn vị đào tạo phân bố rộng trên cả nước. Tuy quy mô lớn, rộng khắp nhưng nhiều năm qua con số tuyển sinh đào tạo nhân lực làm ngành nông nghiệp lại có xu hướng giảm. 
Giai đoạn 2016-2022, các trường cao đẳng thuộc Bộ NN&PTNT đã đào tạo lao động cho các tỉnh, thành phía Nam với các trình độ: Cao đẳng gần 15.000 người; Trung cấp hơn 41.000 người; Sơ cấp và dạy nghề thường xuyên gần 53.000 người. Ngoài ra, thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các địa phương trong khu vực phía Nam đã đào tạo hơn 3.000 người có trình độ Cao đẳng, 11.700 người trình độ Trung cấp, 138.150 người có trình độ Sơ cấp.
Tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp đang đứng trước những khó khăn, thách thức, nhất là lao động nông, lâm, thủy sản có xu hướng giảm nhanh trong thời gian qua.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022 cả nước có hơn 521.000 sinh viên nhập học ở 25 lĩnh vực đào tạo, trong đó chỉ có 7.100 sinh viên nhập học khối ngành Nông, lâm, thủy sản và thú y, chỉ chiếm tỷ lệ 1,37%.
Giai đoạn 2011-2020, lao động trong các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản của vùng Đông Nam Bộ giảm mạnh từ 1,24 triệu người năm 2011 xuống còn 778 nghìn người năm 2020, mỗi năm giảm trung bình 46,7 nghìn người, tốc độ giảm bình quân 3,75% mỗi năm. Năm 2022, cả nước có hơn 521.000 sinh viên nhập học ở 25 lĩnh vực đào tạo, trong đó chỉ có 7.100 sinh viên nhập học khối ngành nông, lâm, thủy sản và thú y, chỉ chiếm tỷ lệ 1,37%.
Cùng với đó, chất lượng lao động ở lĩnh vực nông nghiệp nhìn chung còn thấp, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên chỉ chiếm 7,4% đối với vùng Đông Nam Bộ và 2,21% đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn lao động nông, lâm, thủy sản là lao động phổ thông, giản đơn, lao động làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao…
Cách nào để đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho ngành Nông nghiệp?
Nhiều tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực nông nghiệp cho biết, họ đang trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ đại học. Cụ thể, ở Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Huế giai đoạn 2018-2023, hàng năm các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.200-3.000 kỹ sư, bác sĩ thú y, nhưng số sinh viên ra trường chỉ có 1.500-2.000 kỹ sư, đáp ứng 2/3 nhu cầu tuyển dụng.
Tương tự tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tình trạng học sinh đăng ký tuyển sinh cũng giảm nhiều qua các năm. GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện cho biết, đây là thực tế đáng buồn, dù nhà trường đã đẩy mạnh truyền thông tuyển sinh nhưng vẫn “không ăn thua”. "Về lâu dài, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế là bước đi mang tính mở đường để xây dựng và phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn" - bà Lan nói. Bà Lan nhấn mạnh tới chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường, coi đây là chìa khóa để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tạo cơ hội tìm kiếm việc làm tốt, thu nhập cao cho sinh viên. 
Trong khi đó, để giải bài toán thiếu hụt nhân lực chất lượng cao cho ngành Nông nghiệp - ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian tới Bộ sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đồng thời, Bộ cũng tăng đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp không chỉ để làm thuê cho doanh nghiệp mà còn phải tạo ra những người làm chủ.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành Nông nghiệp gặp khó khăn do người học giảm sút. (Ảnh: Đào tạo ngành Nông nghiệp tại ĐH Trà Vinh)
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Giáo dục, đào tạo phải gắn liền nhu cầu cuộc sống, khởi nghiệp nông nghiệp không nên làm theo phong trào, không nên coi đây là “sân chơi” mà cần phải làm thật, tạo ra hiệu quả và giá trị thật. “Không phải chỉ học nông nghiệp đơn thuần mới làm nông nghiệp được. Trong nền kinh tế ngày nay các ngành, môn học cần có sự liên kết với nhau. Ví dụ học du lịch, học quản trị kinh doanh, học thương mại, cơ khí,... cũng làm nông nghiệp được, thậm chí làm rất tốt, đáp ứng được nhiều nhu cầu của nền kinh tế nông nghiệp”.
Hiện nay 3 công nghệ nền tảng chủ đạo: Tự động hóa, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra nhiều thách thức cho nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi trình độ nguồn nhân lực phải bắt kịp với xu thế phát triển của ngành Công nghệ để đáp ứng sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất, quản lý và tiêu dùng.
Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT tập trung sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, xây dựng đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp; mở rộng mô hình thí điểm đào tạo nhân lực nông nghiệp trình độ trung cấp trong các trường cao đẳng của Bộ NN&PTNT theo mô hình tiên tiến…