Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chàng trai thành tỷ phú từ nuôi gà

Như Mai - 07:10 17/12/2021 GMT+7
Anh Phan Văn Tuân sinh năm 1983 (dân tộc Nùng) là một trong những nông dân trẻ khởi nghiệp thành công ở xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Hiện anh Tuân đang sở hữu đầu tư trang trại nuôi gà khép kín rộng 3ha, với quy mô 2 vạn con gà giống và gà thương phẩm cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Giám đốc HTX Trần Phú Phan Văn Tuân (bên phải) giới thiệu quy trình nuôi gà đồi sạch. 

Học để làm nông dân

Trong chuyến công tác tại Bắc Kạn, tôi may mắn gặp chàng trai trẻ Phan Văn Tuân và điều khiến tôi nể phục không chỉ vì Tuân dám nghĩ, dám làm, mà vì Tuân coi việc học là quan trọng và cần thiết, kể cả là chỉ để... làm nhà nông.

Anh Phan Văn Tuân là người dân tộc Nùng. Bản thân anh Tuân đã từng theo học Cao đẳng Kinh tế chuyên ngành kế toán. “Sau tốt nghiệp cũng cố vất vưởng ở thành phố xin việc, nhưng phần vì lương thấp, phần vì tôi tiếc đồng đất ở quê nên quyết định về làm kinh tế. Vợ tôi bây giờ cũng phải đi học mới biết cách tính toán mà giữ tiền”, anh Tuân tâm sự.

Đúng là có học có khác, ngay lần gặp mặt đầu tiên, anh Phan Văn Tuân tạo cho người đối diện cảm giác là, anh… rất “khôn”. Cái khôn ấy thể hiện ngay trong cách anh làm kinh tế. Tuổi đời còn trẻ nhưng anh Tuân nắm trong tay khối tài sản khá lớn: 2 xe tải loại 8 và 5 tấn chuyên vận chuyển gỗ và nông sản, 13ha rừng trồng. 

Với 2 xe tải, anh Tuân đều đặn vận hành 10 chuyến/tháng, thu mua gỗ và nông sản của bà con trong vùng chở về xuôi tiêu thụ. Không để xe chạy thùng trống đi về, Tuân tận dụng mua thêm vật tư nông nghiệp, các loại phân bón để phục vụ bà con. 

Điều đáng nói là, vật tư anh Tuân cung cấp có giá “mềm” hơn nơi khác nên chẳng bao giờ lo thừa, “bởi vì cùng một chuyến xe mình tiết kiệm được chi phí nên giá đến tay bà con cũng rẻ hơn nơi khác”, anh Tuân phân tích. 

Với 13ha rừng, anh Tuân thu tỉa rồi trồng bổ sung ngay diện tích mới, nhờ thế mà không bị ngắt quãng thời gian thu hoạch. Diện tích rừng mà anh Tuân nhận khoán cũng chẳng giống ai, cứ chỗ nào sâu nhất, khó nhất thì  anh nhận, sau đó tự bỏ tiền túi mở con đường dài 3km vào tận cửa rừng để thuận tiện vận chuyển gỗ. Cách làm của anh Tuân, nếu chỉ quen nhìn cái lợi trước mắt đúng là khó lòng thực hiện được, nhưng nhờ được học hành, nhờ sự nhanh nhạy mà đã đi trước “thiên hạ” một bước.

Trang trại gà đồi của Giám đốc HTX Trần Phú - Phan Văn Tuân. 

Liên kết các hộ cùng nuôi gà sạch

Năm 2016, sau khi tìm hiểu về Luật HTX 2012, anh Tuân đã vận động người dân địa phương liên kết sản xuất, thành lập HTX để phát triển trang trại gà quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường; tuy nhiên bước đầu khởi nghiệp không mấy suôn sẻ. 

Anh Tuân chia sẻ: Lúc bấy giờ, với tư duy người dân ở vùng đất Hảo Nghĩa này, 5 ngày mới có một phiên chợ, nuôi cả nghìn con gà thì bán cho ai? Nhiều người bảo anh viển vông, mơ hão. Anh làm cơm mời 20 hộ dân tham dự và bàn chuyện thành lập HTX cùng mình, nhưng chỉ duy nhất một hộ tham gia. “Đó cũng là con số tuyệt vời với tôi lúc đó. Ít nhất mình có cơ hội và hiểu rằng mình không đơn độc”, anh Tuân nói

Anh Tuân chia sẻ: Người dân huyện Nghĩa Hảo đa phần là người dân tộc thiểu số nên bà con chưa hiểu như thế nào là HTX, quyền lợi khi tham gia. Do đó, anh Tuân dành nửa năm, đến từng nhà, phân tích và thuyết phục bà con cùng khởi nghiệp, phát triển mô hình chuỗi gà đồi sạch. Tháng 9/2016, HTX Trần Phú được thành lập và Tuân giữ chức danh Giám đốc. 

Thuyết phục được rồi, nhưng nuôi trồng như thế nào để các hộ cùng đồng lòng làm theo lại là câu hỏi khó không dễ trả lời. Lần này, thay vì thuyết phục, anh Tuân làm trước. Đưa bà con đến “mục sở thị” mô hình chăn nuôi gà của gia đình, anh Tuân cam kết HTX sẽ hướng dẫn bà con nuôi gà, chịu trách nhiệm nhập con giống, thức ăn, bà con chỉ cần yên tâm sản xuất theo đúng kỹ thuật. 

Sau gần 5 năm triển khai đầu tư mô hình trang trại nuôi gà sạch thả đồi, đến nay HTX Trần Phú đã mở rộng diện tích trang trại lên 3ha, xây dựng được 6 khu chăn nuôi riêng biệt, với quy mô trung bình khoảng 2 vạn con/năm. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình anh Tuân thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Mô hình này cũng thường xuyên tạo việc làm ổn định cho 14-15 người, với mức thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Nhận thức được vai trò quan trọng việc liên kết trong sản xuất - tiêu thụ, ngay từ khi thành lập, HTX đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động xây dựng phương án hoạt động.

HTX chú trọng xử lý chất thải chăn nuôi, tận dụng nguồn chất thải gia súc để nuôi giun quế làm thức ăn cho gà. Phân gà được xử lý làm phân hữu cơ bón cây, tạo thành chu trình khép kín đa cây, đa con, tiến tới sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm tổng hợp.

Với tham vọng sản xuất gà sạch theo chuỗi 3F (Feed - Farm - Food) khép kín từ nông trại đến bàn ăn, HTX chủ động tiếp cận các nguồn lực từ Trung ương, địa phương để hoàn thiện quy trình chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Đến nay, HTX tập trung phát triển 2 dòng sản phẩm: gà giống và gà thương phẩm, tự sản xuất con giống, thức ăn, xây dựng lò giết, mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói và đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn.

Hiện, mỗi năm HTX Trần Phú đưa ra thị trường khoảng 40 tấn gà thương phẩm, 60.000 con giống/năm, tiêu thụ rộng rãi ở tỉnh Bắc Kạn và TP. Hà Nội. Sản phẩm gà của HTX có tem nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh cũng như sức khỏe của người tiêu dùng. 

Cuối năm 2019, nhiều “ông lớn” trong chuỗi siêu thị ở Hà Nội bắt đầu ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm gà đồi sạch của HTX. HTX đang hoàn thiện khu giết, mổ, đóng gói sản phẩm để sẵn sàng đưa sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Bắc Kạn đến gần hơn với người tiêu dùng. 

Từ năm 2018 đến nay, HTX Trần Phú đã sản xuất và bán ra thị trường hơn 40 tấn gà thương phẩm với giá trung bình 80.000 đồng/kg, bình quân cho thu nhập trên 5 triệu đồng/thành viên/tháng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 14 hộ gia đình, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển sản xuất của địa phương. Với những thành xuất sắc đạt được, năm 2020, anh Phan Văn Tuân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”.