Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn

07:16 30/11/2021 GMT+7
Nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; bảo quản, chế biến nông sản; chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp… Nhà nước đã có chính sách ưu đãi gì?

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) giải đáp như sau: Đầu tư vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ công và kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn cũng như bảo quản, chế biến nông sản… lâu nay chưa thật sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp và còn gặp nhiều khó khăn trong cơ chế cũng như công tác quản lý. 

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn

Để tháo gỡ khó khăn này, ngày 17 tháng 4 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP “Quy định   một số cơ chế, chính sách khuyến kích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”. Trong đó Nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công, đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và Bảo quản, chế biến nông sản; giết mổ gia súc, gia cầm; chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp; sản xuất sản phẩm phụ trợ. Chính sách này thực sự là động lực để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trên.

Có nhiều loại hình dịch vụ công, vậy loại dịch vụ công nào mà doanh nghiệp cung cấp được hưởng chính sách ưu đãi? Và chế độ ưu đãi cụ thể ra sao, thưa luật sư?

Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 13 Nghị định trên thì có 2 loại hình dịch vụ công mà doanh nghiệp cung cấp được Nhà nước hỗ trợ. Đó là:

1. Doanh nghiệp có dự án cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn được hỗ trợ như sau:

- Hỗ trợ 3 triệu đồng/m3/ngày đêm công suất cho xây mới hoặc 2 triệu đồng/m3/ngày đêm công suất cho nâng cấp cải tạo nhà máy sản xuất nước sạch.

- Hỗ trợ tối đa 50% chi phí đường ống chính dẫn đến các khu vực dân cư có từ 10 hộ trở lên.

2. Doanh nghiệp có dự án thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; nước thải sinh hoạt tại nông thôn; thu gom xử lý chất thải làng nghề, nông thôn được hỗ trợ 60% chi phí mua thiết bị, xây dựng hệ thống xử lý, mức hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng/dự án.

Đối với doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thì được hỗ trợ thế nào?

Doanh nghiệp có dự án nuôi trồng thủy sản có quy mô tối thiểu 5ha trở lên được hỗ trợ 200 triệu đồng/ha để xây dựng hạ tầng, cấp nước, thoát nước, xử lý môi trường. Diện tích nuôi tăng lên mức hỗ trợ được tăng lên tương ứng. Mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng/dự án.

Doanh nghiệp có dự án xây dựng bến cảng phục vụ vận chuyển sản phẩm nông lâm thủy sản, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước, công trình thủy lợi làm dịch vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức hỗ trợ không quá 20 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động: Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có 100 lao động trở lên làm việc thường xuyên tại nhà máy, được hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người lao động mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/m2 xây dựng đối với nhà cấp IV, hỗ trợ 2 triệu đồng/m2 xây dựng đối với nhà 2 tầng trở lên.

Hỗ trợ ngoài hàng rào: Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, theo quy định của Nghị định này nếu bên ngoài hàng rào dự án chưa có đường giao thông đạt chuẩn cấp V miền núi, hệ thống điện, cấp thoát nước để phục vụ dự án thì được hỗ trợ bổ sung 70% chi phí và không quá 5 tỷ đồng đầu tư xây dựng các hạng mục trên.

Chúng ta đang đẩy mạnh mục tiêu xuất khẩu nông sản; mặt khác để tránh tình trạng được mùa, mất giá thì việc bảo quản nông sản có vai trò hết sức quan trọng. Vậy cơ sở bảo quản nông sản có được Nhà nước hỗ trợ?

Doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở bảo quản nông sản (gồm sấy, chiếu xạ, khử trùng, đông lạnh, bảo quản sinh học) được ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau:

Mức hỗ trợ 70% chi phí đầu tư nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, nhà xưởng và mua thiết bị.

Tuy nhiên, để được hỗ trợ phải đáp ứng điều kiện sau:

Công suất cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn, lâm sản phải đạt tối thiểu 100 tấn sản phẩm/ngày; sấy phụ phẩm thủy sản đạt tối thiểu 50 tấn sản phẩm/ngày.

Bảo quản rau, hoa quả tươi, chè, hạt tiêu, hạt điều đạt 1.000 tấn kho; bảo quản lưu trữ giống cây trồng đạt công suất 100 tấn kho.

Bên cạnh việc hỗ trợ bảo quản nông sản, Nhà nước còn có chính sách hỗ trợ chế biến nông sản; cơ sở giết mổ; cơ sở chế tạo máy nông nghiệp…

Xây dựng mương dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên “cánh đồng mẫu lớn” ở  xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.  Ảnh: PV.

Luật sư có thể nói rõ hơn chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; cơ sở giết mổ; cơ sở chế tạo máy nông nghiệp… mà luật sư nêu trên?

 Doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chế biến nông sản; cơ sở giết mổ; cơ sở chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp; cơ sở sản xuất sản phẩm phụ trợ được ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau:

Hỗ trợ cơ sở chế biến nông sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm: 60% kinh phí đầu tư và không quá 15 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án. 

Trường hợp sản phẩm nông sản chế biến quy định nêu trên khi được công nhận là sản phẩm chủ lực quốc gia, ngoài mức hỗ trợ quy định tại các khoản trên thì dự án được hỗ trợ bổ sung 3 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Hỗ trợ cơ sở sản xuất nhà máy cơ khí chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp và nhà máy sản xuất sản phẩm phụ trợ: 60% kinh phí đầu tư và không quá 5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án.

Các dự án đầu tư chế biến nông sản phải bảo đảm các điều kiện giá trị sản phẩm sau chế biến tăng ít nhất 1,5 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu.

Ngoài ra, đối với doanh nghiệp mua tàu làm dịch vụ nghề cá trên biển được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 60% chi phí, mức hỗ trợ tính theo công suất: 30 triệu đồng/tấn tải trọng (DWT); tải trọng tối thiểu tàu 200 DWT, mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng/tàu.

Trường hợp doanh nghiệp hình thành theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 118/2014/NĐ-CP có xây dựng nhà máy chế biến quy định tại khoản 1 Điều 11, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP được hỗ trợ bổ sung cơ sở hạ tầng cho vùng nguyên liệu, định mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/ha và không quá 5 tỷ đồng/dự án.

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (thực hiện)