Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chủ tịch nước dự Lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng ở Cần Thơ

07:59 07/04/2022 GMT+7
Tối 6/4, trong không khí cả nước đang hướng tới ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3, TP. Cần Thơ tổ chức Lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng, một công trình văn hóa thể hiện truyền thống quý báu uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Dự buổi lễ có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể; lãnh đạo địa phương và đông đảo các tầng lớp nhân dân Tp Cần Thơ.

Mở đầu buổi lễ, tại Đền chính của Đền thờ Vua Hùng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương thành kính, tưởng nhớ, tri ân công đức các Vua Hùng. Chủ tịch nước, Chủ lễ dâng hương tại các bàn thờ theo trình tự Quốc Tổ Hùng Vương, Tổ phụ Lạc Long Quân, Tổ mẫu Âu Cơ, Lạc tướng và Lạc hầu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ là điểm hội tụ tâm linh, tại vùng đất phương Nam, vùng đất “Chín Rồng” anh dũng quật cường.

Viết sổ lưu bút tại Đền, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, nơi đây sẽ là điểm hội tụ tâm linh thờ kính tôn nghiêm các Vua Hùng tại vùng đất phương Nam và kết nối linh thiêng với Đền Hùng nơi đất Bắc, như mạch nguồn Bắc - Nam một nhà, non sông một dải, phát triển giàu mạnh, hùng cường.

Sau phần trống hội với chủ đề Việt Nam bản hùng ca, âm hưởng hào hùng, phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời của các bậc tiền nhân: “Con người có tổ, có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn” và nhấn mạnh, từ bao đời nay, từ trong tâm thức của mỗi người dân Việt đã coi các Vua Hùng là Quốc Tổ có công dựng nên Nhà nước đầu tiên của đất nước Việt Nam và là Tổ tiên chung của cả dân tộc. Đó là một giá trị truyền thống riêng có của nước Việt ta.

Chủ tịch nước bày tỏ, Đền thờ Vua Hùng tại vùng đất phương Nam là điểm kết nối linh thiêng với Đền Hùng nơi đất Bắc, như mạch nguồn Bắc-Nam một nhà.

“Có thể nói, Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa sâu sắc, đạo lý truyền thống bền vững nối tiếp qua nhiều thế hệ người Việt ta, là sự thể hiện lòng thành kính, biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của Tổ tiên trong dựng nước và giữ nước. Đồng thời, đây là hoạt động tâm linh, cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thanh bình, thịnh vượng và mang ý nghĩa sâu xa về sự gắn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt, những người có chung một cội, cùng chung một nguồn. Trải qua biết bao thăng trầm trong lịch sử dân tộc hàng nghìn năm, Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền, vun đắp qua bao thế hệ, như một điểm tựa tâm linh vững chắc, cố kết tinh thần dân tộc Việt, là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc ta luôn đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, độc lập, trường tồn với “sông núi Nước Nam, Vua Nam ở” và gìn giữ thái bình, không ngừng mở mang, hợp tác phát triển”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.  

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương thành kính, tưởng nhớ, tri ân công đức các Vua Hùng.

Chủ tịch nước cho biết, từ bao đời nay, Đền Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ là nơi thực hành các nghi lễ trang nghiêm thờ cúng các Vua Hùng. Cả nước còn có hàng trăm đình, đền, miếu... nơi người dân thành kính thờ cúng các Vua Hùng và các tướng lĩnh. Đặc biệt, cộng đồng người Việt trên thế giới cũng luôn thành kính thờ cúng Quốc Tổ như một gắn kết linh thiêng với tổ tông, với quê hương.

Thấu hiểu và trân trọng nguyện vọng, tình cảm và lòng mong mỏi thiết tha của Đảng bộ, nhân dân Thành phố Cần Thơ và đồng bào vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch nước cho biết, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thống nhất chủ trương xây dựng Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ. Đây là điểm hội tụ tâm linh, tại vùng đất phương Nam, vùng đất “Chín Rồng” anh dũng quật cường. 

Các đại biểu dự Lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng.

Cùng với vinh dự là nơi đặt Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ, Chủ tịch nước đề nghị Thành phố làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy công trình này một cách hiệu quả, thiết thực. Công trình Đền thờ Vua Hùng trở thành điểm nhấn trung tâm tại khu vực, lan tỏa kết nối với mạng lưới các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, phục vụ du khách tham quan, chiêm bái, tưởng niệm.

“Chúng ta xây dựng Đền thờ Vua Hùng tại nơi đây không chỉ là tôn vinh Quốc Tổ, nhắc nhớ đạo lý uống nước nhớ nguồn, mà còn khẳng định nền độc lập, tự cường, tự chủ toàn diện của dân tộc ta. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng đi cùng với yêu cầu đặt ra là hội nhập mà không hòa tan. Trong không khí kính lễ trang nghiêm hôm nay, trước anh linh các Vua Hùng, chúng ta hãy cùng nhau kết đoàn, nối nghiệp các bậc Tiên Tổ, như lời Bác Hồ dạy: Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Lời dạy thiêng liêng của Bác không chỉ là lời căn dặn về quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà với Đồng bằng Sông Cửu Long, chúng ta còn có thêm sứ mệnh gìn giữ vùng đất đai màu mỡ trước các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu khắc nghiệt. Việc cùng nhau phải giữ lấy nước cũng chính là đoàn kết quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến 2030 và tầm nhìn đến 2045 vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 2/4/2022”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Đền thờ Vua Hùng.

Sau phần phát biểu của Chủ tịch nước, lễ khánh thành tiếp tục với chương trình nghệ thuật đặc sắc có chủ đề “Thăng hoa hào khí Lạc Hồng”, chia làm ba phần bao gồm Hùng sử Lạc Hồng, Âm vang hùng sử và Thăng hoa hào khí, được diễn họa thông qua nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc như: hò Cần Thơ, sử thi, diễn tấu trống đồng, võ thuật Nam bộ, đờn ca tài tử, hòa đàn nhạc cụ dân tộc, đồng ca… Tất cả nhằm mở ra trang sử hơn 2.000 năm thời kỳ Hùng Vương, là bản sử thi huyền thoại về lịch sử vươn mình của cả dân tộc Việt.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ lễ dâng hương tại các bàn thờ theo trình tự Quốc Tổ Hùng Vương, Tổ phụ Lạc Long Quân, Tổ mẫu Âu Cơ, Lạc tướng và Lạc hầu.

Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ được khởi công vào giữa năm 2019, do Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest tài trợ thiết kế và thi công với số vốn gần 130 tỉ đồng, có quy mô hơn 3,9 ha với các hạng mục là đền thờ, nhà điều hành, nghi môn, nhà bia, sân đường, cây xanh, thảm cỏ... Công trình có kiến trúc độc đáo với điểm nhấn là đền thờ chính có hình tượng trống đồng cách điệu 18 cánh cung, điêu khắc hoa văn, đại diện cho 18 đời Hùng Vương. Đền thờ được bao quanh bởi hồ nước và trong hồ có 54 khối cột hình trụ cao 4,5m, đường kính 1m, tạo thành vòng tròn trong hồ, tượng trưng cho cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đền thờ chính cao 19,5 m, diện tích gần 1.300 m2, có hình khối tròn xây trên nền vuông, tượng trưng cho Trời và Đất. Trong Đền chính có hai câu đối: Hoa gấm Văn Lang đức Vua Hùng đời đời dựng nước/Dào dạt Cửu Long dân Tây Đô mãi mãi nhớ ơn.

Theo VOV