Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chương trình OCOP đưa nông sản Bắc Kạn vươn xa

07:05 12/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthonmoi) Từ chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” đến nay toàn tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng được 170 sản phẩm OCOP. Những sản phẩm OCOP đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương và gia tăng giá trị cho nông sản.

Khai thác tốt tiềm năng sẵn có
Sản phẩm miến dong là một trong những đặc sản đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn được người dân chế biến từ những củ dong riềng. Từ khi Chương trình OCOP được triển khai, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) sản xuất miến dong trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã được hỗ trợ để: Cải thiện chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm và xúc tiến thương mại.
 Nhờ vậy, miến dong Bắc Kạn ngày càng nâng cao chất lượng và giá trị trên thị trường. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều sản phẩm miến dong của các đơn vị được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao như: HTX Tài Hoan, HTX Côn Minh, cơ sở sản xuất Hoàng Thị Mười, cơ sở Nông Văn Luyến…
Chị Nguyễn Thị Hoan -Giám đốc HTX Tài Hoan cho biết: Tham gia vào chương trình OCOP, HTX đã được các sở, ngành, địa phương hỗ trợ để hoàn thiện hơn về các tiêu chuẩn như: Quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, yếu tố môi trường sản xuất, nâng cao kiến thức xúc tiến thương mại, bán hàng… Cũng từ đó, năm 2018 sản phẩm miến dong của HTX đã được công nhận sản phẩm đạt 4 sao và đến năm 2021 được nâng lên 5 sao. Từ khi được chứng nhận OCOP sản phẩm của HTX đã cung cấp cho các trung tâm thương mại, chuỗi cung ứng nông sản, tham gia sàn thương mại điện tử, bán hàng trên mạng xã hội…
Với nguồn khách hàng và thị trường ổn định, HTX Tài Hoan đã chủ động ký kết hợp đồng tiêu thụ dong riềng với 500 hộ dân thuộc 5 xã, với diện tích 70ha, sản lượng 4.200-4.500 tấn củ/năm trên địa bàn toàn huyện Na Rì.
Cũng khai thác tốt tiền năng ở địa phương để phát triển như HTX Tài Hoan, HTX Bún phở Quỳnh Niên (huyện Ngân Sơn) đã đẩy mạnh tiềm năng của các sản phẩm làm từ hạt gạo quê hương (giống gạo Bao thai bản địa) để sản xuất bún, phở.
Chị Lý Thị Niêm - Giám đốc HTX Bún phở Quỳnh Niên cho biết: Tham gia Chương trình OCOP, quá trình sản xuất tại HTX được quản lý chặt chẽ đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; các sản phẩm đều có đầy đủ tem nhãn, mã vạch để truy xuất nguồn gốc. Năm 2019, cả sản phẩm bún khô và phở khô của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Từ khi sản phẩm bún và phở khô của HTX được công nhận sản phẩm OCOP, khách hàng đã đánh giá cao và tin dùng sản phẩm nhiều hơn.
Chính vì vậy, để đảm bảo chất lượng hạt gạo Bao thai và nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất ổn định, từ năm 2018 HTX Bún phở Quỳnh Niên đã cung cấp phân bón cho thành viên HTX để trồng lúa và bao tiêu 100% sản phẩm lúa gạo sau thu hoạch với giá ổn định 14.000 đồng/kg, trung bình thu mua 4 - 5 tấn/tháng gạo bao thai để phục vụ chế biến bún, phở...

UBND tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chương trình, tổ chức các Hội nghị xúc tiến thương mại để tiêu thụ các sản phẩm OCOP của địa phương.

Mở rộng thị trường tiêu thụ

Hiện nay toàn tỉnh Bắc Kạn đã có 170 sản phẩm được chứng nhận OCOP chủ yếu được chế biến từ nông nghiệp, điển hình như: Miến dong, bí xanh, trà mướp đắng rừng, mật ong, gạo nếp và các sản phẩm từ thịt lợn như lạp sườn, thịt áp chảo... Thông qua chế biến nông sản đã được tăng thêm về giá trị, tạo ra tính cạnh tranh và hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Để nâng tầm các sản phẩm OCOP, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ các chủ thể trong việc tư vấn, hỗ trợ phát triển sản phẩm, chuẩn hóa vùng nguyên liệu và quy trình sản xuất, xúc tiến thương mại, phát triển cơ sở giới thiệu, bán hàng OCOP...

Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 13 sản phẩm với vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GACP-WHO; 4 chủ thể duy trì hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất. 100% các sản phẩm OCOP đã được đăng bán trên sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso...; 100% sản phẩm OCOP được công nhận có bao bì hoàn chỉnh, phù hợp, tiện dụng, đáp ứng các quy định của Nhà nước về nhãn hàng hóa đảm bảo lưu thông ngoài thị trường.

Nông sản Bắc Kạn như được thổi làn gió mới từ khi cấp chứng nhận sản phẩm OCOP.

OCOP làn gió mới cho nông sản

Trong tháng 6/2022, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức sự kiện “Xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm, sản phẩm OCOP và trải nghiệm sinh thái vùng bí xanh thơm Ba Bể” tại huyện Ba Bể. Tại sự kiện này đã có 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP được sản xuất, chế biến tại tỉnh Bắc Kạn và các sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của từng đơn vị, địa phương.

Từ những sản phẩm OCOP đã đem lại “Làn gió” mới cho HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố (huyện Chợ Mới), qua những chính sách và cơ chế hỗ trợ của các chương trình, HTX đã xây dựng được phương án sản xuất cụ thể với những mục tiêu, yêu cầu phù hợp với xu hướng thị trường, năng lực và trình độ canh tác của người dân. Sản xuất của HTX có sự đổi mới sang hướng sản xuất theo quy trình, có truy xuất thông tin sản phẩm, từ bán sản phẩm thô sang sơ chế, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng.

Từ năm 2018 đến nay, HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố đã có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, xếp hạng 3 sao là: Trà mướp đắng rừng, Chè Như Cố, Bún khô Bắc Kạn, Mật ong hoa rừng. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, các sản phẩm trên của HTX được mở rộng quy mô sản xuất, mẫu mã bao bì được quan tâm phù hợp với thị hiếu khách hàng, giá trị sản phẩm được tăng lên.

Nâng cao giá trị từ sản phẩm được công nhận OCOP anh Hà Văn Cương - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố cho hay: Sản phẩm Chè Như Cố trước đây chưa được công nhận sản phẩm OCOP giá bán chỉ từ 100.000 - 150.000 đồng/kg, đến nay giá bán thấp nhất là 300.000 đồng/kg với loại móc câu thông thường, 500.000 đồng/kg đối với loại móc câu đặc biệt và 1,5 - 2 triệu đồng/kg đối với loại trà đinh.

Ngoài ra các sản phẩm Bún khô của HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố cũng được nâng cao sản lượng từ quy mô sản xuất 10 tấn/năm thì nay đã tăng lên 35 tấn/năm. Sản phẩm Mật ong tăng sản lượng từ 500 lít/năm lên 1.200 lít/năm; giá bán trước đây từ 100.000 - 120.000 đồng/lít thì nay đã bán được với giá 300.000 đồng/lít. Trà mướp đắng rừng đã được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị Big C, có mặt tại thị trường các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh…

Từ những sản phẩm điển hình trên cho thấy, việc thực hiện Chương trình OCOP đã thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển. Đồng thời làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân, của các chủ thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới vào sản xuất.

Do vậy sản phẩm OCOP Bắc Kạn đã được thị trường, đông đảo khách hàng đón nhận, tiêu thụ rộng khắp trên cả nước thông qua một số chợ đầu mối, siêu thị Big C, công ty, chuỗi cung ứng nông sản, chuỗi bán lẻ… và xuất khẩu ra nước ngoài.