Mới nhất là câu chuyện giải cứu heo ở Đông Nam Bộ, mặc dù cách đây cả chục năm nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ về cuộc khủng hoảng thừa các mặt hàng nông sản do tình trạng “vác chăn chạy theo người”. Như thế, về bản chất cuộc khủng hoảng thừa mía đường lần này của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đường tại tỉnh Hậu Giang cũng xuất phát chủ yếu từ doanh nghiệp.

Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) kêu cứu vì đường tồn kho quá lớn. (Ảnh: Hữu Phước)

Ngành mía đường nội địa lao đao vì đường nhập khẩu từ Thái Lan với giá rẻ hơn, mấu chốt ở “giá cả rẻ hơn”, và đây cũng là bài toán kinh điển trong kinh doanh. Một khi hệ thống vận hành cồng kềnh, tốn kém nhiều loại thuế phí kèm với năng suất lao động thấp là “động lực” thúc đẩy chi phí sản xuất tăng dẫn đến giá cả hàng hóa tăng theo.

Thêm một nguyên nhân được chỉ ra là do đường nhập lậu ồ ạt vào Việt Nam, đây là vấn đề muôn thuở, nó diễn ra ở bất cứ nơi nào có hoạt động kinh tế, cho nên không thể coi đây là nguyên nhân lớn nhất! Chẳng lẽ cả hệ thống hải quan cửa khẩu, các lực lượng vũ trang kinh tế lại bó tay trước hàng lậu? Một khi bước ra biển lớn làm ăn còn đối mặt với nhiều thách thức còn lớn hơn, lúc đó doanh nghiệp xoay xở ra sao?

Người tiêu dùng không thể mãi cứ mang dòng máu dân tộc khi tiêu thụ hàng hóa, bất kể thứ hàng hóa ấy xuất xứ từ đâu miễn rẻ hơn, chất lượng hơn sẽ chiếm được cảm tình. Không những mía đường mà là tổng thể nền kinh tế nếu năng suất lao động thấp, các loại thuế phí không tên càng nhiều thì doanh nghiệp nội còn phơi áo dài dài trên sân nhà.

Sau khi nhiều thứ nông sản phải cần đến lòng thương hại của người tiêu dùng mới thấy được sự nguy hại của cơ chế bao cấp, xin-cho. Hóa ra nhiều doanh nghiệp nội gần như mất hết sức cạnh tranh. Người tiêu dùng có thể rủ lòng thương nhưng cái thương ấy hại nhiều hơn lợi. Bản thân nền kinh tế thị trường vốn có khả năng tự điều tiết phần nào đó.

Doanh nghiệp làm ăn trong nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa không thể sống bằng sự bao cấp và lòng thương mag tính dân tộc. Đôi lúc phá sản hoặc sáp nhập lại có lợi hơn cho tương lai nền kinh tế. Nhà nước không phải tốn tiền cứu vớt và bản thân nội bộ doanh nghiệp tự cơ cấu sắp xếp lại cho phù hợp.

Theo Hiệp định thương mại ASEAN, từ 1/1/2018 hạn nghạch nhập khẩu đường được dỡ bỏ, thuế nhập khẩu đường từ các nước trong khu vực về 0%. Vì thế Hiệp hội mía đường Việt Nam đề nghị Chính phủ dời hạn nghạch đến năm 2022! Điều đó có nghĩa là phá vỡ cam kết với các nước trong ASEAN.

Điều này tuy có lợi trước mắt cho doanh nghiệp nội nhưng về lâu dài chỉ làm cho sức khỏe nền kinh tế yếu đi, chẳng khác nào đóng cửa ta chơi với mình. Đối tượng thiệt hại đầu tiên là người tiêu dùng trong nước, họ (người tiêu dùng) có quyền được mua những sản phẩm giá rẻ hơn đường nội địa. Liệu đến mốc năm 2022 ai dám chắc rằng mía đường Việt Nam sẽ mạnh lên hay cứ mãi không dứt ra khỏi cơ chế xin-cho.

Hẳn nhiên, để thị trường mía đường ổn định không thể thiếu vai trò điều tiết của nhà nước, nhưng nhà nước chỉ tốt nhất nên điều tiết về mặt chính sách, kiến tạo cho doanh nghiệp mạnh lên chứ không nên điều tiết theo lối bao cấp kiểu thu mua dự trữ. Bản thân nhà nước rất khó điều tiết cung cầu, vì cung cầu là một quy luật khách quan bất di bất dịch của kinh tế thị trường.

Tuy nhiên nhà nước có thể tác động để hai mặt của quy luật cung cầu diễn ra cân bằng hơn. Khủng hoảng thừa mía đường là do cung nhiều hơn cầu. Bài toán cần giải ở đây là vì sao cầu nhỏ hơn cung? Hay nói cách khác nhà nước cần phải làm sao để cầu lớn hơn hoặc bằng cung.

Đó là then chốt để tháo dỡ bóng ma khủng hoảng thừa đang bao vây ngành mía đường, và cũng là nguyên lý của kinh tế. Điều đó cũng rất phù hợp với Chính phủ kiến tạo.

Khắc Trà