Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Coi khách hàng như chính người trong gia đình mình

Bùi Ánh - 08:56 13/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chị Nguyễn Thị Huyền chia sẻ “Thương hiệu kinh doanh được tạo bởi chính mình và mình phải có trách nhiệm với ngành nghề của mình, ngành Thực phẩm trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống con người. Do đó hàng ngày bản thân tôi phải trực tiếp quản lý trong khẩu bảo quản chất lượng. Mình kinh doanh thứ gì là phải hiểu thứ đó để vừa tạo niềm tin cho khách vừa thuận lợi khi thu mua các mặt hàng”.

Biết buôn bán hải sản từ bé, chị Nguyễn Thị Huyền trú tại Khối Hải Giang 2, phường Nghi Hải (Thị xã Cửa Lò - Nghệ An) không ngừng nung nấu ý chí, quyết tâm tự làm chủ kinh tế và sẵn sàng nắm bắt cơ hội làm giàu từ.

Chị Nguyễn Thị Huyền – Nông dân điển hình tiên tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khao khát chinh phục thử thách và luôn tìm hướng đi đột phá

Theo lời kể, gia đình bố mẹ chị trước đây rất khó khăn nên mấy anh chị em đều phải mưu sinh từ sớm. Bản thân chị 14 tuổi đã rất “sành” với việc chợ búa trên thành phố Vinh. Trải qua nhiều chợ lớn, chợ nhỏ nhưng cạnh tranh với các mặt hàng đều khó khăn nên chị quyết bám trụ lại chợ Quang Trung (TP. Vinh) là lâu nhất cho tới khi nghỉ buôn bán nhỏ trên chợ. Buôn bán nhỏ vất vả mà lợi nhuận chẳng đáng là bao, ngày nào cũng phải đi săn thuyền mua cá, mực tươi để lên chợ bán lẻ. Những ngày ngược xuôi đi chợ bán hàng cũng không mấy thuận lợi vì mỗi dịp trời yên biển lặng thuyền ra khơi trở về mới có hàng, chị phải đi từng thuyền gom hải sản còn khi biển động thì gần như không có hàng để bán. Việc mua bán bị động và không làm chủ được các nguồn hàng bán, chị bắt đầu về vận động anh em ở nhà xây kho và mua hàng cấp đông để chủ động nguồn hàng. 

Nghĩ là làm, năm 2004, chị quyết tâm xây kho đông lạnh dù nhiều lần bị chồng can ngăn, vì chỉ muốn chị an phận ở nhà lo chăm con nhưng chị nghĩ dù là phụ nữ nhưng bản thân phải lao động, tự chủ về kinh tế. Việc phải lao động kiếm tiền ít nhất là để nuôi sống bản thân, nuôi con cái, sau nữa là phải có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ lúc về già. 

Thời gian lăn lộn buôn bán làm ăn, chị đã nắm bắt nhiều cơ hội để xây dựng được cơ ngơi như hiện nay và kể cả đến giờ chị vẫn luôn khát khao nếu có cơ hội mới thì chị vẫn tiếp tục thử thách, với mong muốn có những hướng đi đột phá để vừa tạo dựng cơ nghiệp cho mình vừa hỗ trợ bà con về công việc tại địa phương.

Mãi đến năm 2012, chị đầu tư xây dựng lại kho đông lạnh lớn và gây dựng dần cho đến hôm nay. Hiện tại, chị có 5 kho cấp trữ đến 400 tấn hàng. Các mặt hàng cung cấp cho thị trường đều dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng. Với phương châm hoạt động thu mua mặt hàng để bán cho những vùng thiếu và nhu cầu sử dụng cao, còn vùng nào dư thừa thì mua về trữ để tạo sự phong phú cho các mặt hàng trong kho và cung cấp khi cần thiết bởi người tiêu dùng thì nhiều mà nguồn hàng ở địa phương thì ít.

Từ nhu cầu đó, ngoài việc thu mua các mặt hàng hải sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An chị bắt đầu mở rộng thu mua ở tận miền Tây với mặt hàng chủ lực là con tôm. Chị cho biết: Tôm ở miền Trung nuôi trọng lượng tôm không thể bằng miền Nam; ở miền Nam tôm đạt khoảng 6 đến 7 con/kg, còn ở miền Trung nếu thuận lợi thì cũng chỉ là 30 con/kg. Hơn nữa, lượng hàng cung mỗi ngày rất lớn nên người nuôi tôm ở đây cũng không thể đáp ứng được. Khi nhu cầu thị trường tiêu thụ cao, chị phải cấp đông cả hàng chục tấn, còn khi tiêu dùng của thị trường chậm chị lại liên kết các nhà máy tại vùng có nguyên liệu cấp đông tại chỗ nhằm đảm bảo hàng hóa tươi sống, chất lượng.

 “Những ngày buôn bán từ các chợ nhỏ lẻ trên thành phố, tôi là một trong những người tiên phong đưa con tôm, con mực lên bàn tiệc cưới. Chính vì điều đó, ngoài việc bán lẻ ở chợ, khách còn đặt hàng tôi mỗi lúc nhà họ có đám cưới, bữa tiệc. Bây giờ khách của tôi phần lớn là khách quen truyền thống, cứ đến dịp là đưa hàng chứ họ không cần phải đến kho để lựa hàng”- chị Huyền cho biết.

Chế biến, sơ chế các mặt hàng hải sản tươi sống trước khi cấp đông vào kho.

Kinh doanh phải có tâm và luôn tôn trọng khách hàng 

Danh hiệu nông dân điển hình tiên tiến đó là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ và luôn luôn có những hướng đi mới vừa tạo cơ hội cho bản thân vừa phục vụ mọi người một cách tốt nhất. Hiện tại, các mặt hàng sơ chế và chế biến hải sản của chị như tôm, mực, cá, chả mực… chỉ đủ để cung cấp cho thị trường trong nước. Những mặt hàng này chủ yếu được chị mua về, sơ chế, chế biến rồi tập kết vào kho sau đó mới phân phối cho các đại lý hoặc bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Và điều đặc biệt hơn, sản phẩm luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng chỉ việc chế biến chiên (rán) hoặc xào tạo ra món ngon.

Chị Huyền chia sẻ “Thương hiệu kinh doanh được tạo bởi chính mình và mình phải có trách nhiệm với ngành nghề của mình, ngành Thực phẩm trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống con người. Do đó, hằng ngày bản thân tôi phải trực tiếp quản lý trong khâu bảo quản chất lượng. Nếu như cùng nguyên liệu tươi ngon nhưng mình không biết bảo quản, mình không có trách nhiệm ở khâu này kịp thời cũng như xử lý các tình huống, hàng về đang còn tươi sống nhưng chỉ cần chậm trễ 1-2 tiếng là hàng đó đã mất đi tính tươi ngon. Mình kinh doanh thứ gì là phải hiểu thứ đó để vừa tạo niềm tin cho khách vừa thuận lợi khi thu mua các mặt hàng”.

Từ việc được khách hàng tín nhiệm, có thời điểm mỗi tháng chị xuất 250 tấn thực phẩm ra thị trường nhưng hiện nay do vừa mới bước đầu ổn định dịch bệnh nên lượng hàng mới chỉ hơn 100 tấn/tháng. Lúc cao điểm giải quyết việc làm cho 40 lao động trên địa bàn, còn như hiện giờ bình quân người làm tại kho dao động từ 25-30 người với mức lương bình quân 7-10 triệu đồng/người/tháng. 

Vì kinh doanh thực phẩm nên một điều rất khác biệt trong kinh doanh của chị là trước khi buôn bán mặt hàng gì trước hết gia đình chị phải nếm thử đầu tiên. Một mặt hàng mới được đưa về chính chị là người vào bếp nấu cho cả gia đình ăn. Nếu thấy sản phẩm phù hợp và chất lượng mới đầu tư xây dựng thương hiệu cho mặt hàng này.

Chị Huyền tâm niệm: “Muốn kinh doanh bền lâu thì mình phải đặt cái tâm vào đó, phải làm cho ngon, sạch sẽ, không vì màu sắc, hình thức mà ảnh hưởng đến chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, chất lượng giá thành phải được đặt lên trên hết. Phục vụ khách hàng tốt là phương châm không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh, ngoài vấn đề chất lượng thì đi kèm đó là luôn tôn trọng khách hàng”.