Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

CPTPP: Nông dân, “sân chơi” và chính sách

22:26 26/07/2019 GMT+7
Khi Việt Nam là thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tâm lý người nông dân khá bộn bề: Có vui, buồn, lo lắng, thờ ơ và chờ đợi. Có khi là sự “phân thân”: một bên là nông dân trực canh cho nông nghiệp phát

Khi Việt Nam là thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tâm lý người nông dân khá bộn bề: Có vui, buồn, lo lắng, thờ ơ và chờ đợi. Có khi là sự “phân thân”: một bên là nông dân trực canh cho nông nghiệp phát triển bền vững; một bên là nông nghiệp làm giàu bằng trao quyền cho doanh nghiệp dẫn dắt? Hai ngả đường đi, người nông dân đang tìm kiếm câu trả lời?

CPTPP – Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt thế nào? Với người nông dân, thì đó là sản xuất ra nông sản có khối lượng lớn, đúng đủ tiêu chuẩn,  giao hàng, thanh toán theo hợp đồng mua – bán đã cam kết giữa Việt Nam với các thành viên trong Hiệp định. Nghĩ hiểu nôm na về CPTPP là vậy! Nhưng thẳm sâu của người nông dân có sự “phân thân”: một bên là nông dân trực canh cho nông nghiệp phát triển bền vững; một bên là nông nghiệp làm giàu bằng trao quyền cho doanh nghiệp dẫn dắt ? Hai ngả đường đi, người nông dân tìm kiếm câu trả lời:

– Gia nhập CPTPP, nông dân có tiêu thụ được nông sản với giá cao, thu nhập có tăng không?

– Gia nhập CPTPP, lao động có vất vả hơn không?

– Gia nhập CPTPP, lợi ích của Nhà nước, tập thể, người nông dân có hài hòa không?

Không có nông dân toàn thể, chung chung, vì quy luật phát triển không đồng đều. Nên, nông dân cũng có sự phân tầng. Ứng với phân tầng đó là sự khác nhau về: đất đai, vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, năng lực tư duy, quản lý, quản trị, tổ chức sản xuất, phát triển thị trường và thái độ chính sách; Do vậy, suy nghĩ về CPTPP, hành động đối với CPTPP cũng khác nhau về cấp độ.

Thu hoạch lúa bằng máy. Ảnh: I.T

Vì vậy, có thể phân tầng và nhận định như sau:

Tầng nông dân “nhìn, thấy cả cơ hội và thách thức”

Tầng này có nông dân là những chủ trang trại, gia trại, chủ doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp toàn quốc. Họ gắn liền với nông sản của từng vùng miền, nông sản xuất khẩu và sẵn sàng tham gia với tư cách là thành viên CPTPP.

Do có nguồn lực về vốn, đất đai, có kiến thức, kỹ năng sản xuất kinh doanh, quản lý, quản trị, dám thay đổi để thích ứng, lớp “ông chủ” này, trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp, trọng giá trị hơn khối lượng. Lấy lợi nhuận là đích, khi có cơ hội sẵn sàng thay đổi đầu tư, phát triển theo chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu. Họ vui khi Việt Nam là thành viên CPTPP nên chủ động học hỏi, tìm kiếm thị trường và liên kết dọc theo đường đi của nông sản. Tầng nông dân này, tuy là số ít (chiếm khoảng 10 – 12% số hộ nông dân trong cả nước)(*), nhưng họ có khát vọng và hành động làm giàu; là lực lượng đi đầu trong nông nghiệp, nông dân hội nhập.

Nên mong đợi lớn nhất của họ là môi trường kinh tế – xã hội có liên quan trực tiếp tới nông nghiệp như: Thể chế, cấu trúc, pháp luật, cơ sở hạ tầng, logistics… với sự đồng bộ, rõ ràng, ổn định, bình đẳng trước pháp luật với thành phần kinh tế khác trong xã hội.

Gia nhập CPTPP, tầng nông dân này lo lắng điều gì? Lo năng lực quản lý, điều hành, sự thuần thục về “luật chơi” quốc tế và sự tận tụy của cán bộ, các bộ, ban ngành trong liên kết ngang khó có thể làm tốt vai trò “kiến tạo và thực thi pháp luật”. Nông dân lo sự cách tân của Nhà nước chưa đủ mạnh để thay đổi được sự ì ạch của thực trạng kinh tế – xã hội hiện giờ.

Do muốn “đi nhanh, làm giàu sớm” tầng lớp nông dân này đã bộc lộ điểm yếu trong liên kết với hộ nông dân, tổ, nhóm hợp tác nông nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản. Không ít doanh nghiệp nông nghiệp bỏ qua đầu tư, né tránh hợp đồng bao tiêu nông sản, chỉ “túm” lấy khâu cung ứng vật tư đầu vào sản xuất, hoặc chuyên 1 khâu cuối cùng của sản phẩm để có được lợi nhuận cao hơn, hoặc đẩy rủi ro về người nông dân trong cơ chế thị trường.

Tầng nông dân “nhìn, thấy thách thức lớn hơn cơ hội”

Tầng này, số lượng hộ nông dân chiếm khoảng 30% số hộ nông dân toàn quốc(*) – Họ là những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp địa phương, nông dân vùng chuyên canh và hộ nông dân có mức thu nhập trung bình đến trung bình vững, khá. Họ ở khắp mọi miền đất nước, lao động đa dạng trong các ngành nghề nông – lâm- ngư nghiệp – thủy sản…

Do nguồn lực tài chính, đất đai có hạn, vốn tích lũy không nhiều, quy mô sản xuất nhỏ và vừa;  kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp còn những mặt hạn chế. Một bộ phận nhỏ, có điều kiện, khả năng mở mang sản xuất, kinh doanh, vươn lên thành hộ giàu, phần còn lại dừng ở mức có thêm thu nhập, cải thiện về đời sống vật chất, tinh thần.

Do được trải nghiệm về mùa- giá – thương trường – Tầng lớp nông dân này, nhận và thấy được thách thức lớn hơn cơ hội khi Việt Nam là thành viên của CPTPP, bởi nông sản do họ làm ra chủ yếu là  nông sản địa phương, tuy có khối lượng lớn, nhưng giá thành cao, chất lượng hạn chế, sức cạnh tranh thấp và phải đầu tư hơn nữa về khoa học kỹ thuật – công nghệ trong thu hoạch, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu… mới có thể gia nhập vào trục nông sản xuất khẩu.

Thậm chí, số rất đông hộ nông dân cho rằng, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các quốc gia trong CPTPP có tiêu chuẩn rất cao, khắt khe về xuất xứ nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, về chất lượng và mẫu mã…vv, nên “nằm ngoài tầm tay với” trong nhiều năm tới. Trong khi tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam diễn ra chậm chạp, thiếu tính đột phá và theo đó là thói quen lao động dựa vào kinh nghiệm của nông dân Việt Nam.

Gia nhập CPTPP, họ thiếu nhất điều gì? Đó là niềm tin, bởi chính bản thân gia đình đã gánh chịu nhiều lần nông sản được giá – mất mùa, hoặc bị giải cứu mỗi khi biến động thị trường và rất ít doanh nghiệp mua – bán nông sản không có hợp đồng. Họ cũng tự nhận thấy, mình yếu kém về kỷ cương lao động, luôn vi phạm quy trình sản xuất nông sản an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm và thiếu hoàn chỉnh sản phẩm đến khâu cuối cùng.

Tầng nông dân “thờ ơ, đợi cơ may đem lại”

Số lượng nông dân tầng này được nhiều chuyên gia, ước khoảng 60% so với tổng số hộ nông dân cả nước(*). Phần lớn họ là hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, quy mô canh tác dưới 0,3 – 0,5ha. Trong số đó có đồng bào dân tộc thiểu số, hộ lao động thuần nông, có thu nhập trung bình và thấp và sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, bãi ngang ven sông, ven biển; vùng luôn có thiên tai, bão lũ hoặc hộ có hoàn cảnh khó khăn…, và thiếu cả kiến thức, nguồn lực phát triển sản xuất.

Gắn với các điều kiện, hoàn cảnh trên là họ sản xuất ra nông sản phổ thông, tiêu dùng trong gia đình, nông sản bán ra thị trường là “chợ làng” nên sức mua và giá thấp. Với điều kiện, hoàn cảnh ấy, cùng với sự biến thiên của kinh tế – xã hội, những khó khăn thường ngày trong việc ăn, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh và các khoản chi xã hội khác… Khó khăn ấy đã làm họ giảm khát vọng và hành động quyết tâm làm giàu. Làm ra nông sản vùng miền đã khó, tham gia vào chuỗi nông sản xuất khẩu vào thị trường có người tiêu dùng đẳng cấp cao thì càng khó hơn. Nên vậy,  lớp nông dân này thờ ơ, trông chờ vào việc mua hàng giá rẻ, nhờ gia nhập CPTPP đem lại.

Thu mua lúa ở Tiền Giang. Ảnh: I.T
Sân chơi và chính sách

Nông nghiệp nước ta đang rõ hơn về sân chơi mới – Sân chơi của doanh nghiệp với chủ trang trại, người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hợp tác xã giỏi. Từ đây, đã hình thành chuỗi liên kết, chuồi giá trị nông sản chất lượng cao, nông sản xuất khẩu. Nhưng, góc khuất của nó là: hộ nông dân sản xuất nhỏ, vùng nghèo miền núi, bãi ngang, vùng thiên tai lũ lụt… có nguy cơ đứng ngoài lề sự phát triển. Nông dân lo lắng, nông dân cần được hỗ trợ về nhiều mặt – Nhưng có được điều ấy, lối mở đầu tiên là chính sách đem lại “lợi ích” cho người nông dân, nông thôn và nông nghiệp.

Việt Nam, qua 12 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với hàng chục Hiệp định thương mại đa phương, song phương được ký kết. Việt Nam là thành viên CPTPP có đa chiều thuận lợi: một mặt là phát triển thị trường tiềm năng. Tiếp theo là giảm thiểu được rủi ro, không để quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Mặt khác là, khẳng định vị thế cạnh tranh nông sản Việt trên thương trường. Đi lên, đi ra từ nông nghiệp, song nhiều năm đã qua, chúng ta vẫn quẩn quanh với 2 cặp mâu thuẫn:

Sản xuất nhỏ >< Thị trường lớn;

Đầu tư thấp >< Rủi ro cao.

Theo đó là một chuỗi vấn đề lớn, cần giải pháp căn cơ về: Yếu tố khoa học kỹ thuật – công nghệ; chất lượng nguồn nhân lực; hạ tầng, logistics nông nghiệp; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nông dân và môi trường biển, môi trường nông nghiệp, nông thôn…

Ở tầm quốc gia, người và cơ quan làm chính sách, đang đối mặt với những câu hỏi, kiến nghị quan trọng: Bao giờ có Luật Nông nghiệp, Luật Môi trường biển, Luật Môi trường miền núi, Luật Nông dân?  Và cần kíp hơn là sửa đổi, bổ sung, sửa đổi, làm mới Luật Đất đai… Tiến triển dường như đang rất chậm! Trong khi, các vấn đề tam nông “nóng” lên từng ngày, có “điểm nóng” đã trở nên xung đột về môi trường, đất đai, chất lượng vật tư đầu vào sản xuất, dịch bệnh cây trồng vật nuôi và lưu thông phân phối.

“Điểm nóng” tuy xảy ra cục bộ, ở một số địa phương, nhưng nhiều chuyên gia dự cảm, mâu thuẫn vẫn phát sinh cả về số vụ và diện… bởi có nguyên nhân từ một số chính sách cũ đã lỗi thời, chưa được sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh. Chính sách mới ban hành thì thiếu đồng bộ, chưa đủ mạnh, còn khoảng trống – Đó là cái “rễ” của tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, của nông dân thu nhập thấp và số đông còn thờ ơ với CPTPP.

Câu chuyện sau đây, là một tham khảo:

Ngay khi Australia và Việt Nam chính thức thông qua CPTPP, Công ty SunRice cũng hoàn tất việc mua lại nhà máy chế biến gạo tại tỉnh Đồng Tháp. SunRice được thành lập năm 1950 do các nông dân trồng lúa hùn vốn và cho tới năm 1987 thì được cổ phần hóa.

Với 1.500 nông gia trồng lúa, mức sản xuất gạo tại Australia đã lên tới hàng triệu tấn hằng năm và trên một nửa được xuất khẩu. Lúa Australia trồng theo cách luân canh: 2 năm trồng lúa, 2 năm trồng cỏ nuôi cừu, 2 năm trồng lúa mì, xong rồi xoay qua trồng lúa. Nhờ thế, năng suất lúa rất cao,  trung bình là 10 tấn/ha và được xem là gạo sạch, vì sử dụng rất ít phân bón hóa học, rất ít dùng thuốc trừ sâu. SunRice, ba năm gần đây, đã dùng 200 triệu USD để mua khoảng 5% lượng gạo Việt Nam xuất khẩu. Việc SunRice gia nhập thị trường Việt Nam có 3 điểm đáng ghi nhận:

Thứ nhất, phá vỡ thế độc quyền, tạo ra cạnh tranh trong thu mua và xuất khẩu gạo với các doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, SunRice có thể sẽ thu mua lúa sạch, dùng ít phân hóa học sử dụng ít thuốc trừ sâu hơn, như thế, giúp nông dân giảm bớt bị nhiễm độc hóa chất và bớt ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, mọi trợ giúp nông dân từ chính phủ có thể vi phạm vào các điều khoản CPTPP và có thể bị SunRice kiện, vì thế, sẽ thúc đẩy chính phủ có các biện pháp để trợ giúp nông dân phù hợp.

Hiện còn quá sớm để thấy được liệu việc này và CPTPP nói chung, có giúp ích được gì cho nông dân Việt Nam. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, đổi mới và toàn cầu hóa đã, trong một số biểu hiện của nó không hẳn mang lại lợi ích cho nông dân như đã kỳ vọng.

Nước láng giềng Thái Lan – Chính phủ trợ giá gạo bằng cách mua lúa của nông dân, sau đó sẽ bán lại cho các công ty xuất cảng. Vụ mùa 2018-2019, chính phủ Thái hỗ trợ gần 3 tỷ USD cho ngành lúa gạo, gồm những khoản cho vay, khoản trợ cấp trực tiếp cho nông dân, nếu họ đồng ý giữ lúa trong kho và bán ra khi được giá. Mức trợ giá thường được định tính ra cao hơn mức giá thị trường toàn cầu từ 40 đến 50%. Từ con số Thái Lan bảo trợ nông dân, nếu so sánh thì nông dân nước ta, có lợi nhuận từ xuất khẩu gạo thấp hơn rất nhiều.

Gia nhập CPTPP – Nếu mọi chính sách được xây dựng chỉ dựa vào mong muốn chủ quan thì sẽ gặp rất nhiều trắc trở khi thực hiện. Vì vậy, không chỉ hiểu về môi trường, điều kiện, mà còn phải hiểu về người nông dân Việt Nam thì mới xây dựng được chiến lược phù hợp nhất cho xuất khẩu nông sản, đảm bảo khả năng thực thi chắc chắn nhất. Hiểu về người nông dân không chỉ định danh, định tính mà còn phải định lượng được thì mới đưa ra chính sách phù hợp phát triển “Tam nông” đúng hướng, bền vững, người nông dân là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp.

CPTPP – Nông dân, sân chơi và chính sách – Đó là khi nông sản Việt Nam có được từ sản xuất đến thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap thì mới có hợp đồng mua – bán. Đó là cách tìm, mở thị trường cho nông sản Việt Nam vào thị trường các Quốc gia trong khối CPTPP. Nhà nước hỗ trợ, nông dân liên kết “4 nhà” (hay 6 nhà, theo cách nói hiện nay) theo chuỗi giá trị để nông sản có khối lượng lớn, chất lượng cao, giá thành hạ mới đủ sức cạnh tranh thương trường. Đó là cơ hội, thách thức và đường đi cho nông sản Việt Nam.

(*) Theo Viện Chính sách và Chiến lược (Bộ NN&PTNT)

   Hoàng Trọng Thủy