Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Dịch tả lợn châu Phi cận kề biên giới, nghiêm cấm vận chuyển vào Việt Nam

10:34 29/10/2018 GMT+7

Ngày 27/10/2018, Cục Thú y-Bộ NN-PTNT ra thông báo khẩn : Dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được ghi nhận tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), đây là tỉnh giáp với các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta.

Theo đó, từ tháng 3 – 10 năm nay, Trung Quốc ghi nhận trên 49 ổ dịch ASF tại 13 tỉnh, thành phố, gần đây nhất là tỉnh Vân Nam, đã khiến 210.000 con lợn buộc phải tiêu hủy.  Vân Nam là tỉnh giáp với các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, nên nguy cơ xâm nhiễm vào VN ở mức rất cao.

Cục Thú y khuyến cáo các tỉnh biên giới: 1/Kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm mọi hình thức giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới; 2/Ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh bắt giữ một vụ vận chuyển lậu lợn vào Việt Nam. Ảnh: TBKD

Cục Thú y cũng yêu cầu lực lượng thú y, người chăn nuôi, thú y cơ sở giám sát chặt chẽ diễn biến trên đàn lợn. Nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh ASF hoặc lợn chết không rõ nguyên nhân, phải báo ngay cho các cơ quan thú y để lấy mẫu xét nghiệm.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành công điện hỏa tốc số 1194/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp  ngăn chặn bệnh ASF xâm nhiễm vào Việt Nam.

Bộ NN&PTNT sau đó đã có văn bản yêu cầu tạm dừng nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ Hungary và Ba Lan vào Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các bộ, ban, ngành liên quan, các địa phương thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và công điện của Bộ NN&PTNT, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương quyết liệt phòng chống dịch bệnh, bảo vệ thành quả của ngành chăn nuôi.

Tổng cục Hải quan cũng đưa ra thủ tục hải quan đối với mặt hàng lợn và các sản phẩm của lợn nhập khẩu như hàng hóa phải được quản lý tại cửa khẩu nhập đầu tiên. Không giải quyết thủ tục chuyển cửa khẩu, đưa hàng về bảo quản, chỉ thông quan khi có Giấy chứng nhận kiểm dịch đạt yêu cầu của cơ quan kiểm dịch. Thời gian thực hiện tạm thời kể từ khi nhận được văn bản này đến khi có hướng dẫn mới.

Trường hợp phát hiện các lô hàng lợn và các sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới thì dừng làm thủ tục thông quan. Đồng thời, thông báo cho cơ quan liên quan để xử lý.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khoảng 19.581 tấn thịt lợn, tổng giá trị kim ngạch gần 22,23 triệu USD. Hai thị trường chính cung cấp thịt lợn cho Việt Nam là Ba Lan với khối lượng trên 7.000 tấn, và Tây Ban Nha là trên 4.500 tấn.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi

Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh trên tất cả các loại heo (heo nhà, heo hoang dã) do virus gây ra. Heo mắc bệnh ASF có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào độc lực của virus, như sốt cao (40,5-42°C), lười ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm thành đám, đau vùng lưng, vùng bụng, di chuyển khó khăn, một số vùng da màu trắng chuyển sang đỏ, nhất là vành tai, đuôi, hông, da phần dưới vùng ngực và bụng có thể màu đỏ tím. Heo mang thai có thể sẩy thai mọi giai đoạn. Tỷ lệ chết 70%. Những con heo khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính có thể mang virus suốt đời, là vật chủ mang mầm bệnh ASF nên cũng phải bị tiêu hủy.

Dù bệnh không lây từ heo sang người như cúm gia cầm, nhưng ảnh hưởng lớn đến kinh tế và ngành công nghiệp chăn nuôi heo bởi vì hiện nay chưa có vaccine chủng ngừa bệnh, cũng như phương pháp điều trị hiệu quả. Theo khuyến cáo của OIE, nếu xảy ra dịch ASF, heo bệnh phải bị tiêu hủy, heo trong khu vực có bán kính 3km bị cấm vận chuyển buôn bán.

PV