Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đối mặt với các vấn đề về trí nhớ hậu COVID-19: Bạn nên làm gì?

13:18 29/01/2022 GMT+7
Nhiều bệnh nhân sau hồi phục COVID-19 đang gặp các vấn đề về trí nhớ. Sương mù não hoặc rối loạn chức năng nhận thức là một trong những triệu chứng phổ biến hậu COVID-19. Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia.

Bạn có đang cố gắng tập trung vào công việc, quên nhiều thứ, không thể hiểu đầy đủ những gì người khác đang nói trong quá trình phục hồi COVID-19? Nhiều bệnh nhân sau khi bình phục COVID-19 đang gặp các vấn đề về trí nhớ khiến họ rất lo lắng. Sương mù não hoặc rối loạn chức năng nhận thức là một trong những triệu chứng phổ biến.

Trong khi đối với hầu hết mọi người, các triệu chứng này không kéo dài lâu, thì một số người có thể gặp các vấn đề về trí nhớ trong nhiều tháng. Các chuyên gia cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể tác động đến não bộ theo nhiều cách.

Tiến sĩ Praveen Gupta, Trưởng khoa Thần kinh, Viện Nghiên cứu Fortis Memorial, Gurugram, cho biết: “COVID-19 có thể dẫn đến tổn thương mạch máu do rối loạn chức năng điện oxy thấp và mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh. Vì vậy, chúng ta phải tìm cách bảo vệ não khỏi mất trí nhớ do COVID-19 gây ra. Nếu bạn bị mất trí nhớ, sương mù não, rối loạn chức năng đột ngột ở các bộ phận cơ thể, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa thần kinh sớm nhất có thể”.

Tiến sĩ Gupta khuyên mọi người nên tiêm phòng vì điều đó có thể ngăn ngừa bệnh COVID-19 nặng, gây tổn thương não. Ông cũng đã chia sẻ một số biện pháp đối phó với tình trạng này.

Kiểm tra mức vitamin B12

“Hãy kiểm tra mức độ hormon tuyến giáp và vitamin B12 của bạn và bình thường hóa chúng. Thực hiện một chế độ ăn uống nhiều trái cây, rau và sữa vì chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng trong chúng giúp duy trì chức năng não”, theo chuyên gia.

Ăn uống điều độ, tập trung vào giấc ngủ

Ăn uống thường xuyên và chú ý đến giấc ngủ của bạn. Nếu xảy ra tình trạng mất trí nhớ đáng kể và chụp MRI não cho thấy một số bất thường, liệu pháp miễn dịch với steroid và IVIG (globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch) có thể hữu ích.

Quản lý căng thẳng để cải thiện chức năng não

COVID-19 có thể tác động đáng kể đến các chất dẫn truyền não và gây ra lo lắng và mất ngủ, cũng có thể dẫn đến rối loạn các chất dẫn truyền trí nhớ trong não.

Tiến sĩ Gupta cho biết: “Nó có thể dẫn đến chứng hay quên, rối loạn chức năng nhận thức, mất tập trung. Vì vậy, đừng suy nghĩ quá nhiều về bệnh tật, bởi nó làm tiêu hao chất dẫn truyền của não. Ưu tiên những việc quan trọng, điều trị lo âu, uống thuốc bổ đối với người bị suy nhược để cải thiện chức năng não bị rối loạn do căng thẳng”.

Chuyên gia cũng khuyến nghị nên thư giãn và tham gia vào các trò chơi, giải trí và sở thích khiến người bệnh vui vẻ để trẻ hóa não bộ và bảo vệ khỏi các rối loạn chức năng do căng thẳng gây ra./.

Theo VOV

TỪ KHÓA #bài y tế