Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Đưa hàng nông thôn lên thành thị”

08:42 18/12/2020 GMT+7

Ngày 2/12/2020, tại phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến việc “đưa hàng từ nông thôn lên thành thị” và nhấn mạnh đến góc độ một sáng kiến mới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu sáng kiến “đưa hàng nông thôn lên thành thị” tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11/2020. Ảnh: Quang Hiếu

Cứ khoảng vài ba tuần một lần, bố mẹ, hoặc anh chị bên ngoại của chúng tôi từ Yên Bái lại gửi xuống cho các con một ít thực phẩm quê nhà, như gạo Séng Cù xát còn nguyên cám, gà quê, rau hoa quả các loại theo mùa. Không chỉ thực phẩm do người nhà nuôi trồng, mà rất nhiều khi do anh chị ở quê mua giúp từ những nguồn tin cậy. Chúng tôi thường đặt thêm cho bạn bè, gửi gộp một lần cho giảm bớt giá cước, cũng là cách giúp người dân vùng quê tiêu thụ một phần nông sản họ làm ra. Những nông sản ấy đều có thể truy xuất được nguồn gốc.

Đó không còn là một câu chuyện đơn lẻ. Rất nhiều gia đình khác ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và những thành phố khác vẫn có liên hệ thường xuyên với những nguồn cung cấp hàng hoá từ nông thôn về thẳng gia đình họ, bên cạnh việc mua sắm ở siêu thị hay các cửa hàng ở thành phố. Ở quy mô nhỏ lẻ gia đình, chuyện này có giao thoa giữa một chút tự cung, tự cấp và nền kinh tế hàng hoá. Rộng hơn một chút, nhiều chủ trang trại, hoặc các bạn trẻ kinh doanh bằng các cửa hàng online trên Internet đã từng bước làm thành một “kênh phân phối” hàng hoá từ quê ra thành phố. Sản phẩm không chỉ là nông sản thực phẩm, mà còn đủ thứ, từ tinh dầu tràm chưng cất thủ công, cho đến sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống, hàng gia dụng, thậm chí cả cây cảnh, và nhiều thứ khác.

Việc đưa hàng quê lên phố từ góc độ kinh tế hàng hoá không hề là câu chuyện tầm phào khi chúng ta nhìn vào tiềm năng thị trường 100 triệu dân trong nước với tốc độ đô thị hoá đang diễn ra rất mạnh mẽ hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh sản xuất và đời sống xã hội gặp nhiều khó khăn trước làn sóng thứ 3 của đại dịch Covid-19 đang có dấu hiệu trở lại ở nước ta, thì việc khuyến khích tiêu dùng nội địa đối với nông sản và hàng hoá nông thôn trở nên cực kỳ có ý nghĩa.

Hội chợ kết nối cung cầu đưa hàng nông thôn ra thành thị được triển khai đẩy mạnh vào dịp cuối năm. Ảnh: Vũ Long

Ngày 2/12/2020, cụm từ “đưa hàng từ nông thôn lên thành thị” đã có thêm một ý nghĩa mới, khi tại phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến việc “đưa hàng từ nông thôn lên thành thị” và nhấn mạnh đến góc độ một sáng kiến mới: “Chúng ta thường nói kích cầu tiêu dùng bằng cách đưa hàng về nông thôn. Nhưng hôm nay chúng ta đưa ra sáng kiến mới, đề xuất chương trình mới, đưa hàng từ nông thôn lên thành thị. Đó là phải đưa hàng của bà con nông dân, nông thôn ra thành thị. Có như vậy mới giúp chuyển thu nhập từ thành thị về nông thôn, mới giúp thúc đẩy sản lượng, công ăn việc làm và tăng trưởng vùng nông thôn…” – Thủ tướng phát biểu.

Phát biểu của Thủ tướng trong bối cảnh nước ta vừa phải tích cực phòng chống dịch bệnh Covid-19 như một ưu tiên quan trọng, vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là kinh tế – xã hội khu vực nông thôn. (Năm nay, kinh tế nước ta có khả năng đạt tăng trưởng 2,5-3% -mức cao so với thế giới và nước tăng trưởng dương duy nhất trong khu vực Đông Nam Á đến thời điểm hiện nay.

Những mặt hàng đặc trưng của các vùng miền, theo kỳ vọng của người đứng đầu Chính phủ, phải được đưa ra tiêu thụ ở các đô thị, thành phố, thị xã lớn, không phải chỉ thiên về đưa hàng từ thành thị về nông thôn. Phải đưa chuyện này ngược lại thành một chương trình. Các doanh nghiệp nhà nước, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức tư tương, cá nhân, hiệp hội phải tổ chức chương trình “đưa hàng từ nông thôn lên thành thị”.

Nhấn mạnh việc “đưa hàng từ nông thôn lên thành thị” như một sáng kiến mới, từ góc độ người đứng đầu Chính phủ cho thấy một tư duy mới về tổ chức phân phối lưu thông hàng hoá quy mô quốc gia trong bối cảnh hiện nay. Thay vì vẫn coi trọng việc đưa hàng Việt về nông thôn như lâu nay, coi thị trường nông thôn chủ yếu là nơi tiêu thụ hàng hoá nội địa, rất nhiều nếu không muốn nói là phần lớn trong đó là hàng hoá bình dân giá rẻ, thị trường thành thị để cho rất nhiều hàng hoá có nguồn gốc nhập khẩu cạnh tranh, hoặc phải qua nhiều tầng nấc trung gian làm tăng giá cả lên cao hơn nhiều, thì đã đến lúc, từ góc độ tổ chức phân phối mang tầm quốc gia, cần phải tạo thêm những giải pháp tổ chức phân phối khả thi, tạo cơ hội mạnh mẽ hơn cho hàng Việt Nam từ khu vực nông thôn có cơ hội phục vụ tốt hơn, chu đáo hơn cho người thành thị nội địa.

So với chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” trên nền của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (triển khai từ 2009 đến nay), thì việc “đưa hàng từ nông thôn lên thành thị” ban đầu sẽ gặp không ít thách thức từ năng suất chất lượng lao động, quy mô sản xuất, quy chuẩn hàng hoá quy mô lớn và các chương trình tiếp thị đủ hấp dẫn cho người thành thị. Tuy nhiên, “điểm cộng” cạnh tranh của hàng hoá từ nông thôn có thể lại cũng nằm ở tính chất riêng biệt, quy mô nhỏ, được làm thủ công hoặc, nuôi trồng theo phương pháp truyền thống, khi có tích hợp thêm khoa học kỹ thuật, công nghệ ở mức độ chấp nhận được, chất lượng sản phẩm sẽ được cải thiện trong khi vẫn giữ được những lợi thế này.

Mua bán cà chua sạch tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: N.H

Để hình thành được những chương trình “Đưa hàng nông thôn lên thành thị”, sẽ còn rất nhiều việc phải làm từ Chính phủ cho đến người nông dân. Những mục tiêu lớn cũng cần được mô tả rõ ràng cụ thể. Giải pháp có thể chưa được đề cập ngay, nhưng một khi ý tưởng tốt đã xuất hiện, thì quyết tâm cao của người đứng đầu sẽ có đủ năng lượng lay động, thúc đẩy giải pháp, sáng kiến của các cơ quan, tổ chức cũng như sáng kiến trong nhân dân, và kết quả từ đó mới có thể đạt được. Sáng kiến “Đưa hàng nông thôn lên thành thị” trong những ngày qua đã thu hút được nhiều sự quan tâm của người dân, nhất là những người nông dân, cán bộ Hội NDVN người làm chính sách kinh tế. Hi vọng, các cơ quan Chính phủ sẽ sớm có chương trình cụ thể hoá sáng kiến này.

Trong một trường ý nghĩa liên quan, có một câu chuyện vui về thực phẩm an toàn từ nông thôn vào những ngày cận Tết nguyên đán Tân Sửu (2021). Đó là hiện tượng “rau hai luống, lợn hai chuồng” nổi cộm một thời, nay đã giảm hẳn. Kết quả này đã được khẳng định sau 3 năm triển khai Chương trình phối hợp số 526/CTPH giữa Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 – 2020”.

Hi vọng với sáng kiến hay và quyết tâm lớn, những giải pháp tốt sẽ sớm xuất hiện.

Hoàng Sơn