Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Dùng Youtube phát triển nghề "ăn ong" nơi đất rừng U Minh Hạ

11:12 01/02/2022 GMT+7
Phạm Duy Thái (ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh) năm nay 21 tuổi nhưng đã có thâm niên “ăn ong” 6 năm và quảng bá nó qua Youtube để có thể bán mật, phát triển nghề.

Gác kèo ong (còn gọi “ăn ong”) là nghề truyền thống, đã được công nhận di sản cấp Quốc gia của người dân đất rừng U Minh hạ (Cà Mau). Nhiều thế hệ ông cha đi trước đã đúc kết những kinh nghiệm quý báu, cốt lõi để giúp đời sau duy trì nghề. Đến nay, những người trẻ gắn bó với nghề không chỉ gìn giữ mà còn ứng dụng công nghệ vào để hành nghề, phát triển nghề.

Dùng Youtube quảng bá ong

Phạm Duy Thái (ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh) năm nay 21 tuổi nhưng đã có thâm niên “ăn ong” 6 năm. Duy Thái có một Kênh Youtube chuyên đăng tải thông tin về sản vật, đời sống nơi mình chôn rau, cắt rốn - đất rừng U Minh hạ. Những Clip chủ yếu đăng tải về các chuyến đi “ăn ong” đang giúp kênh của anh có hơn 12.000 lượt theo dõi.

Kênh Youtube của Duy Thái còn giúp quảng bá về nghề "ăn ong".

Khi khởi phát làm nghề, mỗi tháng Duy Thái chỉ bắt được khoảng 20 lít mật nhưng bán không ai mua. Người thanh niên trẻ tuổi đã đưa những clip giới thiệu về mật ong U Minh hạ lên kênh Youtube “Săn bắt rừng tràm” của mình. Người xem có thể thấy tận mắt tổ ong, cách bắt ong nên việc bán mật của anh ngày càng dễ dàng hơn. Khi bán mật ong qua kênh Youtube được vài lần  Phạm Duy Thái biết mình đã tìm được hướng phát triển nghề “ăn ong”.

Thái chia sẻ: "Tôi có đam mê làm Youtube, khi đi bắt ong thì cứ đội cái camera trên đầu. Đi có sao nói vậy để cho khán giả của mình xem ,đồng hành cùng. Khi cuối clip thì tôi chia sẻ số điện thoại của mình, ai có nhu cầu dùng mật ong sẽ liên hệ. Tất cả mật ong tôi bắt từ trước tới giờ thì chỉ bán trên Youtube thôi chứ không bán bên ngoài".

Duy Thái hiện đang gác kèo ong trên 40 ha đất của gia đình và thuê của người dân địa phương. Vào mùa "ăn ong" như hiện nay anh thu được khoảng 100 lít mỗi tháng nhưng không đủ cung cấp cho các đơn đặt hàng. Kênh Youtube của Duy Thái còn giúp bán khoảng 200 lít mật mỗi tháng cho người dân tại địa phương. Đặc biệt, người thanh niên năng động còn chế tạo ra bình phun khói chuyên dùng giúp việc việc bắt ong thuận lợi hơn.

Chế tạo bình phun khói bắt ong

Từ thực tế việc bắt ong theo cách truyền thống bằng đuốc, bùi nhùi dễ làm rơi rớt tàn lửa, gây cháy rừng đã thôi thúc Duy Thái chế tạo bình phun khói bắt ong. Tại địa phương, người dân sử dụng phổ biến bếp than nên gia đình nào cũng có 1 cái quạt thổi khí mini hỗ trợ bếp nhanh bén lửa. Hình ảnh ngọn lửa bùng cháy, khói bốc lên khi bật quạt đã tạo ý tưởng cho người thanh niên trẻ tuổi chế tạo bình phun khói bắt ong vào năm 2019.

Duy Thái cũng tham khảo thiết kế của bình phun khói được cơ quan chức năng địa phương hỗ trợ cho người đi “ăn ong” rồi lên mạng đặt mua các mạch điện tử, mô tơ về tìm tòi, lắp ráp thành bình phun khói chuyên dụng.

Anh Phạm Duy Thái chia sẻ: "Tôi bỏ lá chuối vô bình tự làm rồi đốt trước, bật quạt lên thì nó thổi khói ra tầm 3-4m. Nếu trời không có gió thì có thể đẩy được đến 5m. Ưu điểm của bình là có thể chống cháy rừng. Trước kia, mùa hạn mà tôi dùng đuốc, rớt tàn xuống thì có thể sẽ gây cháy rừng. Còn bình này thì không lọt tàn lửa ra ngoài nên yên tâm sử dụng".

Duy Thái tận dụng các vỏ lon sữa để chế tạo cánh quạt cho bình phun khói; tận dụng lá dừa, lá chuối khô tại địa phương làm nguyên liệu tạo khói. Chiếc bình có nhiều tiện lợi hơn như: Không dùng pin mà dùng sạc điện; phun ra khói nhiều và xa hơn; đặc biệt là phát huy rất tốt việc bảo vệ rừng khi không làm rơi rớt tàn lửa.

Nhiều người biết đến đặt mua bình phun khói nhưng Duy Thái không làm bán. Anh đã chia sẻ chi tiết cách làm bình lên kênh Youtube của mình và cũng chế tạo một số bình để tặng những người thân quen.

Bình phun khói Duy Thái tạo ra giúp bảo vệ rừng

Anh Trần Chí Tài, người dân địa phương đánh giá cao sự tiện lợi về bình phun khói Duy Thái chế tạo ra. "Bình của Thái tiện lợi ở chỗ là đốt ít hao nguyên liệu; khói nhiều bắt ong ít hung dữ hơn. Cái quan trọng nhất là giúp phòng chống cháy rừng, an toàn. Cũng rất dễ sử dụng, chỉ cần kiếm vật liệu đốt làm khói để vào rồi đốt lên cho nó cháy. Có cái công tắc mình bật lên thì mô tơ chạy thổi gió, thổi khói ra".

Phạm Duy Thái học hết lớp 7 đã nghỉ để gắn bó với mảnh đất rừng quê hương. Anh đã từng luôn cố gắng học hỏi để hiểu hết về nghề "ăn ong" truyền thống. Từ người gác 10 kèo ong chỉ được 1 tổ đến nay Duy Thái gác 10 kèo đạt đến 7-8 tổ ong. Một người không biết gì về Youtube đã phát triển kênh có hơn 12.000 lượt theo dõi. Cũng từ không biết gì về điện tử, điện cơ, người thanh niên trẻ tuổi đã chế tạo ra bình phun khói chuyên dụng bắt ong.

Đặc biệt, những việc Duy Thái đang làm còn giúp quảng bá đặc sản đất rừng U Minh hạ; góp phần giúp người dân đang gắn bó với nghề “ăn ong” cùng phát triển./.

Theo VOV

Làm giàu từ nuôi ong và bò sữa
Thực hiện Đề án 24 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) về xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, từ năm 2017 đến nay, Hội ND thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội) đã xây dựng được 10 tổ hội nghề nghiệp về chăn nuôi, trong đó có nhiều tổ