Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Được học nghề nông dân hết thất nghiệp

07:14 22/07/2021 GMT+7

Nhờ được đào tạo nghề mà hàng chục nghìn lao động nông thôn ở Đồng Tháp có công việc, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Nông dân ở Đồng Tháp sơ chế ớt.

Học nghề xây dựng nhiều mô hình làm nông nghiệp điển hình

Điển hình trong số này phải kể đến các mô hình như trồng ớt ở huyện Thanh Bình. Hiện Đồng Tháp có khoảng 2.000ha trồng ớt, riêng huyện Thanh Bình chiếm 85% diện tích.

Để phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng vùng chuyên canh cây ớt phục vụ sản xuất hàng hóa, huyện Thanh Bình đã hướng tới hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Anh Nguyễn Văn Út, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) cho biết, năm 2017 anh được dạy nghề trồng trọt, trong đó có nghề trồng ớt. Sau 3 tháng học nghề, anh nắm được kỹ thuật căn bản của việc trồng cây ớt nên quyết định chuyển việc. Từ chỗ là công nhân xa nhà, bỏ lại vợ con lên Bình Dương làm việc, giờ đây anh đã quay lại quê chuyển đổi hơn 1ha đất trồng rau sang trồng ớt.

Kết quả khá khả quan, sau 3 năm trồng ớt, tới nay thu nhập của gia đình tốt lên. Trung bình mỗi sào ớt thu về được gần 200 triệu đồng/năm. Trừ chi phí anh cũng bỏ túi được khoảng 170 triệu đồng/vụ. Như vậy gia đình 4 người với 2 lao động chính cũng có thu nhập tạm ổn, có thể lo cho con cái học hành.

Không riêng gì anh Út, hàng nghìn nông dân ở huyện Thanh Bình cũng được hưởng lợi từ các chương trình dạy nghề, tập huấn nâng cao kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi.

Sau học nghề, kiến thức kỹ thuật được nông dân áp dụng vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí gieo trồng. Cụ thể, nếu trước kia mô hình trồng ớt chỉ đạt năng suất từ 1,5 tấn/ha thì nay đã tăng lên 2 đến 2,5 tấn/ha.

“Chất lượng quả ớt cũng đẹp, đạt tiêu chuẩn phục vụ cho tiêu thụ hàng hóa trong nước, xuất khẩu. Lúc cao điểm ớt có thể bán được tới 35.000 đồng/kg, thấp điểm rẻ nhất cũng được 25.000 đồng/kg. Thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng rau, lúa”, anh Út chia sẻ.

Ngoài dạy nghề nông nghiệp, huyện Thanh Bình cũng là địa phương tham gia đào tạo các nghề trọng điểm quốc gia. Có thể kể đến 2 nghề là điện công nghiệp và chế biến thủy hải sản. Hai nghề này được trường Trung cấp nghề huyện Thanh Bình giảng dạy đã 7 năm nay. Bước đầu đào tạo ra được những lao động có kỹ năng nghề cao, phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu lao động, thực hiện công nghiệp hóa, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả.

Nhiều nông dân ở Đồng Tháp đã thoát nghèo vươn lên có cuộc sống khấm khá nhờ nghề trồng ớt.

Hơn 85% lao động nông thôn sau học nghề có việc làm

Sau 10 năm triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, tới nay tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 210.000 người (vượt 16% so với kế hoạch). Trung bình, mỗi năm tỉnh này đào tạo cho khoảng 21.500 học viên. Với kết quả này năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 50%.
Qua 10 năm (2011 – 2020) thực hiện Đề án dạy nghề, khoảng 75% học viên học nghề có trình độ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay. Đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 85%; 100% lao động đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp đều được bố trí việc làm.
Để hỗ trợ lao động nông thôn tạo việc làm sau học nghề tỉnh đã tạo điều kiện cho 24.000 lao động vay vốn với tổng kinh phí 207 tỷ đồng. Nhờ vậy, giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo, ổn định kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Nhiều mô hình cũng phát huy hiệu quả, góp phần tạo công việc ổn định, tăng thu nhập cho lao động ở nông thôn, điển hình như: Mô hình may gia công tại một số xã của huyện Hồng Ngự; mô hình trồng cây ớt an toàn tại xã Tân Long, huyện Thanh Bình.

Ông Bùi Thành Nhơn – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 75.000 lao động, trong đó: 8.500 người được đào tạo trình độ cao đẳng; 11.500 người được đào tạo trình độ trung cấp, 60.000 người được đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng để đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79%, trong đó qua đào tạo nghề là 57%. Giai đoạn 2021 – 2025 với chỉ tiêu đào tạo nghề cho khoảng 9.107 lao động nông thôn (bình quân đào tạo khoảng 1.821 lao động/năm).

Với mục tiêu này, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 của tỉnh sẽ được nâng lên 79%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề là 57% và tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội đến năm 2025 đạt 40%.
Theo đó, mục tiêu kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Nông nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đồng thời đảm bảo chất lượng và hiệu quả, sau khi học xong ít nhất có 80% lao động có việc làm ổn định và tăng thu nhập.

“Thời gian tới tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng dạy, học nghề. Theo đó, tỉnh đầu tư trang thiết bị đào tạo nghề cho cơ sở giáp dục nghề nghiệp. Phương châm đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiệm cận thị trường lao động…”, ông Bùi Thành Nhơn – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Tháp cho hay.

Trong 10 năm qua, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cũng đã tổ chức hàng nghìn buổi tập huấn. Riêng trong 3 năm (2014-2017), tỉnh phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức trên 880 lớp tập huấn kỹ thuật và trình diễn mô hình trong những lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, cơ giới hóa nông nghiệp, cho hơn 28.000 lượt hội viên ND tham gia.
Ngoài dạy nghề, tập huấn kỹ thuật, Hội Nông dân tỉnh cũng phối hợp tổ chức trên 300 điểm hội thảo chuyên đề trồng màu trên nền đất lúa; chuyển giao các giải pháp hạ giá thành sản xuất lúa; mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”… nhờ vậy góp phần nâng cao tay nghề, cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới để nông dân làm kinh tế nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho hội viên. Qua đánh giá, hầu hết hội viên đã tham gia học nghề làm nghề cũ cho năng suất thu nhập cao hơn trước. Số khác thì chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hoặc làm việc mới theo sự tư vấn hướng dẫn của đơn vị dạy nghề địa phương.

Minh Thuý