Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Được mùa, được giá quýt nhờ biết liên kết

Thùy Ngân - 07:03 15/01/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Vụ quýt năm nay ở Phù Yên (Sơn La) được mùa, được giá. Từ nhiều năm qua, người dân đã liên kết với hợp tác xã để mở rộng vùng trồng, áp dụng quy trình VietGAP và xây dựng thương hiệu nên cây quýt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Quýt Nghĩa Hưng năm nay được mùa, được giá. Ảnh: Thu Thùy

Niềm vui nhân đôi

Dù đại dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng nhưng mùa quýt chín ở Phù Yên vẫn nhộn nhịp khí thế được mùa. Trong những năm gần đây, huyện Phù Yên đã tập trung phát triển diện tích cây ăn quả có múi, chủ lực là các loại cam và quýt ngọt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập và làm giàu cho nhiều hộ gia đình. 

Tháng 11, 12 hàng năm là thời điểm bà con nông dân huyện Phù Yên nhộn nhịp với vụ thu hoạch quả quýt. Năm nay quýt được mùa, sản lượng lớn, dự báo giá cả ổn định, nhân lên niềm vui cho người nông dân nơi đây. Là vùng trọng điểm trồng quýt của huyện, năm nay, sản lượng quýt của xã Mường Cơi ước đạt 30 tấn/ha, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020.

Những năm gần đây, tại bản Nghĩa Hưng, nhiều gia đình đã chuyển đổi từ cây ngô sang trồng quýt ngọt. Trong đợt giãn cách xã hội do dịch Covid-19 vừa qua, mặc dù mất 1 tháng không chăm sóc, bón phân kịp thời, nhưng vườn quýt của các hộ gần như không bị ảnh hưởng lớn.

Anh Nguyễn Văn Phú - một hộ trồng quýt ở bản Nghĩa Hưng (xã Mường Cơi, huyện Phù Yên) cho biết: “Trong dịch Covid-19 không được ra khỏi nhà, cỏ lên rất nhanh, vườn cây bị sâu bệnh. Khi hết giãn cách, phải thuê 2-3 nhân công đi phát cỏ, bón phân cho cây. So với năm ngoái không bị giãn cách, tôi đi phát chỉ mất 1-2 ngày là xong, năm nay mất nhiều công hơn”.

Dễ trồng, dễ chăm sóc và sai quả, cây quýt dần trở thành loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đây. Với hơn 10ha cho thu hoạch, năm nay sản lượng quýt ngọt của xã Mường Cơi ước đạt khoảng 300 tấn, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Mặc dù vậy theo các nhà vườn thì vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Với độ ngon, ngọt hơn loại quýt cùng loại trồng từ nơi khác, nên việc tiêu thụ quýt của người dân rất dễ dàng, không lo thương lái ép giá.

Trồng quýt được 10 năm và đây là vụ thứ 5 gia đình anh Nguyễn Văn Sử, thành viên HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng (xã Mường Cơi, huyện Phù Yên) được thu hoạch từ loại cây ăn quả này. Vụ trước, với 1,5ha quýt, gia đình anh Sử thu được 35 tấn quýt ngọt, cho doanh thu khoảng 800 triệu đồng. 

Năm nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng sản lượng quýt của gia đình vẫn ước đạt 40 - 45 tấn; với giá bán tại vườn 25.000 đồng/kg, doanh thu của gia đình năm nay sẽ đạt trên 1 tỷ đồng. Đây không chỉ là niềm vui đối với gia đình anh Sử, mà còn là niềm vui đối với các thành viên trong HTX.

“Năm nay, gia đình chúng tôi nói riêng và HTX nói chung đến giờ này rất phấn khởi, do năm nay thời tiết mưa thuận gió hòa, cùng trên đơn vị diện tích, sản lượng tăng một gấp rưỡi”, anh Sử chia sẻ.

Sản lượng quýt Mường Cơi năm nay ước đạt 30 tấn/ha, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020.

Phát huy vai trò “bà đỡ”

Tại hợp tác xã (HTX) trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, cây quýt ngọt được xác định là một trong những cây trồng mũi nhọn phát triển kinh tế của bà con nông dân ở địa phương. Được thành lập năm 2018, HTX gồm 11 thành viên, với 28,5ha trồng cây ăn quả các loại như: Cam đường canh, quýt Thái, bưởi diễn, bưởi da xanh, cam Vinh… 

Để xây dựng thương hiệu bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, HTX tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, trong đó tiếp tục chú trọng duy trì quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, HTX còn chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên.

Ông Nguyễn Duy Khanh, Giám đốc HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng cho biết, từ năm 2019, sản phẩm quýt ngọt Nghĩa Hưng đã được cấp chứng nhận VietGAP, gắn tem truy xuất nguồn gốc trước khi xuất bán ra thị trường. Năm 2020, sản phẩm quýt ngọt của HTX Trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP và đạt tiêu chí 3 sao. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để trái ngọt này tìm được chỗ đứng trong thị trường nông sản Việt Nam. 

“Đầu ra cho sản phẩm, mọi năm, chờ chín tầm 70-90% mới mở vườn bán. Năm nay chín đến đâu, bán đến đấy, thực tế như gia đình tôi năm nay cũng bán được hơn 1 tuần rồi, mỗi ngày vài tạ chứ không để chín rộ như mọi năm. Sản phẩm quýt của HTX chúng tôi tiêu thụ rất dễ, giá cả vẫn đạt 25.000 đồng/kg đổ cho các điểm bán”, ông Khanh cho biết thêm.

Để cây ăn quả đạt năng suất và sản lượng cao, các xã viên HTX rất chú trọng bước chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây ở các thời điểm như ra hoa, đậu quả, quả non. Ngoài ra, trước khi thu hoạch quả từ  1 - 2 tháng tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để quả không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Quýt ngọt sau khi thu hái sẽ được sơ chế, đóng gói bao bì, dán tem nhãn giúp người tiêu dùng nhận diện đầy đủ thông tin về quá trình sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ khi truy cập mã vạch.

Ông Trần Thanh Bình - thành viên HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng cho biết: Chúng tôi làm cam sạch, an toàn, sau 2-3 năm, một số anh em trong HTX thay đổi cam an toàn, cam sạch sang VietGAP mang lại hiệu quả rất là cao, được các khách ở xa biết tới, tìm đến và đặt hàng mua”.

Theo ông Nguyễn Duy Khanh, trong thời gian tới, HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng quảng bá, khai thác tối đa việc bảo vệ quyền thương hiệu như bao bì, đóng gói, nhãn mác, mã QR, đầu tư xây dựng hạ tầng, thiết bị máy móc. Tiếp tục vận động thêm một số bà con trồng cây ăn quả trên địa bàn tham gia HTX , chủ động được nguồn nguyên liệu, nắm bắt tín hiệu thị trường để khai thác tối đa lợi ích kinh tế theo quy mô. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các thành viên HTX thực hiện chăm sóc cây ăn quả theo quy trình VietGAP, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, cũng như nâng cao uy tín sản phẩm, tạo thương hiệu sản phẩm của HTX. 

Với hơn 10ha cho thu hoạch, năm nay sản lượng quýt ngọt của xã Mường Cơi ước đạt khoảng 300 tấn, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Mặc dù vậy theo các nhà vườn thì vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Với độ ngon, ngọt hơn loại quýt cùng loại trồng từ nơi khác, nên việc tiêu thụ quýt của người dân rất dễ dàng, không lo thương lái ép giá.