Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giải quyết nạn tham nhũng: Chính phủ phải thực sự gương mẫu, quyết liệt

17:04 19/02/2022 GMT+7
Trước nạn tham nhũng hiện nay đòi hỏi Chính phủ phải thực sự gương mẫu, quyết liệt chống tham nhũng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và khách quan công bằng trong xem xét xử lý các đối tượng tham nhũng.

Tham nhũng không chỉ gây bức xúc trong xã hội mà còn làm giảm lòng tin của nhân dân với cơ quan quyền lực của Nhà nước. Chính vì vậy, chống tham nhũng là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để đáp ứng nguyện vọng của người dân cũng như yêu cầu phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. (Ảnh: TTXVN)

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đặt lên hàng đầu

Trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Số lượng vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý tăng cao; cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm tiến độ khởi tố, điều tra xử lý các vụ việc, vụ án. Nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến, qua đó đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, thể hiện sự nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đáng nói, năm 2021, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ đặt lên hàng đầu, coi phòng ngừa là cơ bản, chiến lược lâu dài, công tác xử lý và khắc phục hậu quả các vụ việc xảy ra là cấp bách quan trọng. Báo cáo của Chính phủ đã nêu ra những con số tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, nổi bật là: toàn ngành thanh tra đã triển khai hơn 6.700 cuộc thanh tra hành chính và trên 188.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực. Các cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã thụ lý, điều tra 582 vụ án, gần 1.300 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 310 vụ, 665 bị can, tăng 20 vụ, 49 bị can so với kỳ báo cáo năm trước; đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 305 vụ, 804 bị can, tạm đình chỉ điều tra 37 vụ, 58 bị can.

Quán triệt xuyên suốt phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, Đảng, Chính phủ đã kiên quyết xử lý hình sự một số cán bộ cấp cao có vi phạm, qua đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ đảng viên và nhân dân.

Vấn nạn tham nhũng: Chính phủ phải thực sự gương mẫu, quyết liệt.

Tham nhũng vặt vẫn diễn biến phức tạp

Thực tế cho thấy, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi, tham nhũng vặt ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương. Quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính ngân sách, vốn và tài sản công tiếp tục là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, có thể gia tăng với một số vụ việc với mức độ tinh vi hơn. Trong khi, số vụ án tham nhũng được phát hiện điều tra, truy tố, xét xử còn chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng. Việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới vẫn là khâu yếu

Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, các cấp, các ngành cần có quyết tâm cao và hành động quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trước vấn nạn tham nhũng hiện nay đòi hỏi Chính phủ phải thực sự gương mẫu, quyết liệt chống tham nhũng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và khách quan công bằng trong xem xét xử lý các đối tượng tham nhũng.

Để làm được điều này, ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ cho rằng, trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần nhấn mạnh chế độ trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các giải pháp, biện pháp phòng ngừa tham nhũng; trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong phạm vi thẩm quyền của mình.

Tiến sỹ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ

Trước tình trạng tham nhũng vặt có dấu hiệu diễn biến phức tạp, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử. Chỉ khi hệ thống trình tự, thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp được cải tiến càng đơn giản, càng công khai, minh bạch bao nhiêu thì nguy cơ người dân bị sách nhiễu, đòi hỏi càng giảm đi bấy nhiêu.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển cho rằng, cải cách hành chính là một khâu đột phá để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển; là khâu quan trọng, góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng để xây dựng một nhà nước trong sạch, vững mạnh. Vấn đề không phải chỉ dừng lại ở câu chuyện bớt đi thủ tục này, bớt đi thủ tục kia, mà là trách nhiệm anh giải quyết đến nơi đến chốn như thế nào. Cải cách hành chính rất quan trọng, nó có thể phòng ngừa được câu chuyện tùy tiện và tham nhũng. Đó là quy trình thủ tục ban hành, không phải chỉ cấp địa phương mà công tác ban hành văn bản ở cấp bộ, ngành còn nhiều vấn đề. Chuyện ban hành những quy định đó tạo sự tùy tiện cho các quan chức hành pháp trong việc lạm dụng quyền hạn ban hành sai thẩm quyền, ban hành sai nội dung, thậm chí là vi phạm pháp luật.

TS Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển. Ảnh: Tuoitre

Những năm gần đây, nhiều vụ việc phức tạp nhạy cảm nổi cộm dư luận bức xúc được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời nghiêm minh. Tuy nhiên, có nơi, có thời điểm, lãnh đạo công tác kiểm tra chưa chủ động, thường xuyên, ráo riết, thiếu quyết liệt, vẫn còn tình trạng nể nang né tránh.

Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, khẳng định, phải chọn đúng người thực hiện trách nhiệm kiểm tra, giám sát, lựa chọn đúng người nghĩa là không thể mang những người tham nhũng đi chống tham nhũng được, không thể mang những người không trong sạch đi kiểm tra để tìm đến sự trong sạch. Lỗi hệ thống nhất của chúng ta là ở chỗ này, nhiều vụ việc kiểm tra đi thanh tra lại không phát hiện ra.

Cần chống tham nhũng trong xây dựng chính sách pháp luật

Chống tham nhũng nói chung rất quan trọng, cần thiết nhưng chống tham nhũng trong xây dựng chính sách pháp luật càng quan trọng hơn. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, để giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật, cần phải nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật ở tất cả các khâu, chủ yếu là quy trình ban hành văn bản, Chính phủ chịu trách nhiệm đến cùng các dự án luật mình trình, Quốc hội cũng dành thời gian để kiểm soát, đánh giá chính sách để bảo đảm luật đó thực sự vì lợi ích của dân.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM

Bên cạnh đó, tham gia xây dựng pháp luật chưa phải có chuyên môn mới giỏi mà đội ngũ bổ trợ tư pháp như luật sư cũng rất quan trọng. Đặc biệt, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan tham gia xây dựng pháp luật, phải tạo ra một cơ chế phản biện các chính sách này của các luật gia, luật sư, người quản lý, những người chịu tác động trực tiếp những dự án luật. Những ý kiến đó cần phải được tiếp thu, giải trình minh bạch và cần thiết phải có những cuộc hội thảo, hội nghị, có sự phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội.

Một điểm nữa là phải tăng cường vai trò của các cơ quan tư pháp trong việc kiểm soát văn bản pháp quy và ít nhất những văn bản dưới luật, có thể trao cho Tòa án thẩm quyền phán quyết những văn bản đó là hợp pháp hay hợp hiến hay không./.

Theo VOV