Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hà Nội với những khoảnh khắc cuối cùng của năm Quý Mão

Minh Tú - 17:00 09/02/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những ngày cuối cùng của năm Quý Mão đang chầm chậm đi qua. Hà Nội đã vắng nhiều hơn, những con phố thưa người qua lại, những cửa hàng đóng cửa im lìm, những ngõ phố đỏ rực cờ bay. Nhưng khu phố cổ vẫn nhộn nhịp người qua lại, những khách quốc tế háo hức ghi lại từng khoảng khắc rộn ràng của cái Tết Á Đông rực rỡ sắc màu…

Ngã tư Hàng Bài – Tràng Tiền luôn tấp nập người xe, nay lượng phương tiện giảm hẳn. Trên góc đẹp nhất của Nhà Triển lãm 45 Tràng Tiền, có một bức tranh đã in dấu trong tâm trí người dân thủ đô suốt nhiều thập niên qua. Bức tranh được tạo hình giản dị và cô đọng, thể hiện hình ảnh Bác Hồ bế một bé gái trên nền là chim bồ câu trắng ngậm cành ô liu và bầu trời xanh ngắt. Đây là tác phẩm của họa sĩ Trần Từ Thành, nguyên Phó hiệu trưởng của trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp sáng tác năm 1976 và được thể hiện trên tường năm 1979.

Quảng trường Cách mạng tháng Tám trước Nhà Hát lớn vắng lặng người qua. Năm nay, Hà Nội không tổ chức chương trình văn hóa nghệ thuật tại địa điểm này.

Chiều 30 Tết, khi mọi việc chuẩn bị cho ngày Tết đã cơ bản hoàn thiện, người Hà Nội thảnh thơi rủ nhau đi ngắm phố phường. Xung quanh hồ Hoàn Kiếm rực rỡ hoa cỏ mùa xuân, mọi người mặc đẹp, tranh thủ ghi lại cho nhau những khoảnh khắc cuối cùng của năm Quý Mão.

Đoàn du khách quốc tế háo hức ghi lại từng khoảng khắc rộn ràng của cái Tết Á Đông rực rỡ sắc màu

Những cô gái xuân thì trong tà áo dài rực rỡ tạo dáng cho nhau trước cửa đề Ngọc Sơn cổ kính

Phố Hàng Mã tấp nập người qua lại. Người tranh thủ mua thêm ít đồ trang trí đỏ rực rỡ cầu may mắn, người tranh thủ chụp ảnh trên con phố tấp nập người qua

Ngã tư Hàng Mã, Hàng Lược, phiên chợ đồ cổ cuối năm như thông lệ bao đời nay vẫn đông khách qua lại. Phiên chợ này chỉ mở đúng 10 ngày, từ 20 đến 30 tháng Chạp. Người mua, kẻ bán ngay dưới lòng đường, đồ cổ, giả cổ, thật giả lẫn lộn, tạo nên một nét đặc sắc của riêng Hà Nội.

Một vị khách to ra “sành sỏi” đang xem xét rất kỹ chiếc bát chiết yêu, có nơi gọi tắt là bát yêu. Ông chủ tươi cười cho biết chiếc bát có tuổi đời trăm năm và ông chỉ có duy nhất 3 cái.

Một vị khách đã mua xong cặp lộc bình Trung Quốc cổ chuẩn bị đóng gói mang về.

Một vị khách dừng xe bên đường mua một bó lá mùi già. Theo quan niệm của người Hà Nội xưa, việc tắm lá mùi chiều cuối năm là để xua tan những chuyện không vui, những bụi trần vướng bận trong suốt một năm qua. Được tắm gội bằng nồi nước lá mùi với hương thơm nồng nàn, ấm áp trong ngày cuối cùng của năm cũ là như thấy những điều chưa toại nguyện, chưa vẹn tròn hay những nỗi buồn phiền còn vương vấn trong tâm tư được trút bỏ, để từ đó sẵn sàng đón nhận niềm vui trong năm mới.

Cuối phố nhà Thờ, những quán café đông nghịt khách, khách ngồi tràn cả ra vỉa hè. Mọi người thảnh thơi vừa thưởng thức café vừa ngắm Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse.

Nhà thờ được xây dựng từ 1884 đến 1888, là công trình tiêu biểu cho phong cách Gothic Châu Âu, mô phỏng theo kiến trúc nhà thờ Đức Bà Paris. Chiều rộng 21m, chiều dài 65m, có 2 tháp chuông cao gần 32m và được cố định bằng những trụ đá lớn.

Một vị khách nước ngoài đi ngang qua Đền Bạch Mã, một trong Thăng Long tứ trấn trên phố Hàng Buồm vắng người qua lại.

Những ngày cuối cùng của năm Quý Mão đang đi qua, năm Giáp Thìn với nhiều kỳ vọng phát triển đang đến.

 

Hãy cho trẻ nhiều cơ hội để thấy điều thú vị của Tết
Việc chủ động và tạo điều kiện cho con tham gia vào các hoạt động ngày Tết thì con sẽ hiểu và háo hức với Tết nhiều hơn.