Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hà Tĩnh: Gần 123 tỷ đồng nguồn chi trả phát thải nhà kính sẽ về đâu?

Đức Cảnh - 17:00 11/04/2024 GMT+7
Năm 2023, Hà Tĩnh được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam điều phối gần 123 tỷ đồng nguồn chi trả phát thải nhà kính cho các chủ rừng. Tuy nhiên, đến nay địa phương chưa thể giải ngân, bởi những vướng mắc pháp lý. Tình thế này đặt các chủ rừng đứng trước nguy cơ không nhận được tiền nếu phải trả lại nguồn.

Triển vọng lớn

Ngày 28/12/2022, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính Vùng Bắc Trung Bộ (sau đây gọi tắt là ERPA); thời gian thực hiện từ năm 2023-2025. Từ chủ trương này, hơn 200 nghìn héc ta rừng tự nhiên ở Hà Tĩnh được xem xét để nhận hưởng lợi.

Triển khai thực hiện Nghị định số 107, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Lâm nghiệp đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, trong đó có hướng dẫn thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành Quyết định số 178/QĐ-UBND, ngày 16/1/2024, phê duyệt kế hoạch tài chính tổng thể từ nguồn ERPA và Quyết định số 302/QĐ-UBND ngày 26/1/2024, phê duyệt kế hoạch tài chính năm 2023.

Rừng tự nhiên tại Hà Tĩnh có diện tích lớn
Rừng tự nhiên ở Hà Tĩnh có diện tích lớn, không chỉ góp phần giảm phát thải khí nhà kính mà còn là nguồn tài chính tiềm năng

Qua soát xét từ các số liệu thống kê, Hà Tĩnh hiện có 201 nghìn hecta rừng tự nhiên được nhận chi trả từ nguồn ERPA, gồm 16 đơn vị là tổ chức và 42 xã. Trên cơ sở đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã điều phối gần 123 tỷ đồng nguồn chi trả phát thải nhà kính cho các chủ rừng, hứa hẹn giúp địa phương phát triển kinh tế xanh, mang lại một nguồn thu lớn.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện tư vấn phát triển bền vững và tài chính carbon cho biết thêm về giá trị của rừng Hà Tĩnh trong xu hướng phát triển xanh: "Với tỉ lệ che phủ rừng cao trên 52%, diện tích rừng hiện có của Hà Tĩnh không chỉ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu mà còn là nguồn tài chính tiềm năng thông qua thương mại carbon rừng"

Được biết, để đảm bảo thời gian chi trả cho năm 2023, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Hà Tĩnh đã tổ chức ba khóa tập huấn về các nội dung liên quan đến chính sách chi trả cho chủ rừng là tổ chức và chủ rừng là UBND cấp xã tại ba địa điểm thành phố Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên và Hương Khê.

Hà Tĩnh có hơn 217 nghìn héc ta rừng tự nhiên.

Các đối tượng thụ hưởng tiền chi trả giảm phát thải khí nhà kính, gồm: Chủ rừng theo quy định tại Điều 8 Luật Lâm nghiệp, được giao quản lý rừng tự nhiên; UBND xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên theo quy định của pháp luật; Cộng đồng dân cư, UBND xã có thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng với chủ rừng là tổ chức; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; Các đối tượng khác có hoạt động liên quan đến hoạt động giảm phát thải và hấp thụ khí nhà kính từ rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Giải ngân nguồn gặp khó

Chỉ tính riêng tại Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn (Hà Tĩnh), một trong những đơn vị được cấp chứng chỉ FSC về quản lý rừng bền vững với hơn 19 ngàn hecta. Đơn vị đã được cấp hơn 3,4 tỷ đồng từ nguồn chi trả giảm phát thải nhà kính (ERPA), dự kiến chi cho 4 hạng mục: Phí quản lý cho chủ rừng, hỗ trợ cộng đồng tham gia quản lý rừng, hỗ trợ sinh kế, các biện pháp lâm sinh. Mặc dù vậy, số tiền trên đến nay vẫn chưa thể giải ngân.

Ông Trần Trung Anh- Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác đầu tư thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn (Hà Tĩnh)

Ông Trần Trung Anh - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác đầu tư thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn (Hà Tĩnh), cho biết: “Để lập danh sách đối tượng hưởng lợi từ nguồn ERPA, chủ rừng phải rà soát đối tượng đảm bảo diện tích rừng tự nhiên khoán bảo vệ không trùng với diện tích có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước và đảm bảo nguyên tắc hợp lý, không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước. Trong khi diện tích rừng nói trên đã được nhận hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho phát triển rừng bền vững nên việc chi trả như điều kiện đặt ra là gần như không thể thực hiện, đặt chủ rừng trước tình huống phải trả lại nguồn”.

Với hơn 50 nghìn ha rừng tự nhiên, Vườn Quốc gia Vũ Quang là tổ chức đang được giao quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên lớn nhất ở Hà Tĩnh hiện nay. Vừa qua, đơn vị được cấp hơn 10 tỷ đồng từ nguồn ERPA.

Ông Thái Cảnh Toàn - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang, cho biết: “Nguồn ERPA đã được chi trả cho đơn vị nhưng việc giải ngân nguồn tiền này đang vướng vào những điều kiện pháp lý. Mặt khác, theo quy định đến hết tháng 6/2024, các chủ rừng phải giải ngân xong nguồn tiền của năm 2023, thời gian chưa đầy ba tháng nữa nên khả năng thực hiện được là rất thấp”.

Việc chi trả nguồn phát thải khí nhà kính cho diện tích rừng tự nhiên tại Hà Tĩnh đang vướng một số khó khăn

Cùng với các đơn vị chủ rừng, người dân 42 xã có rừng trên địa bàn Hà Tĩnh cũng được cấp kinh phí từ nguồn chi trả giảm phát thải khí nhà kính. Ý kiến của một số địa phương có diện tích rừng lớn, phức tạp thì việc thống kê rà soát cũng gặp không ít khó khăn, phải sửa đổi bổ sung nhiều lần.

Ông Đinh Thiện Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết: “Người dân rất sẽ rất vui mừng khi nhận được nguồn ERPA chi trả. Vậy nhưng,  một địa phương được giao quản lý rừng tự nhiên với diện tích lớn như chúng tôi thì việc rà soát hồ sơ, đảm bảo các điều kiện pháp lý để hưởng lợi cũng cần rất nhiều thời gian, vì thế nguồn tiền đến nay chưa thể tiếp cận được với người dân”.

Ông Đinh Thiện Quốc- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Hà Tĩnh chỉ ra thêm một số vấn đền liên quan mà các chủ rừng gặp phải: “ Đối với biện pháp lâm sinh làm giàu rừng tự nhiên thời gian kéo dài thực hiện bốn năm, trong khi nguồn ERPA chỉ thực hiện chi trả trong ba năm (2023-2025); các chủ rừng ở Hà Tĩnh đã xây dựng quản lý rừng bền vững khi chưa có kế hoạch nguồn ERPA nên không đưa nội dung thực hiện biện pháp lâm sinh vào. Do đó, việc xây dựng hồ sơ các biện pháp lâm sinh trên địa bàn tỉnh gặp trở ngại.

Cán bộ dự án khảo sát, đánh giá diện tích rừng trồng theo tín chỉ cac-bon ở Hương Sơn (Hà Tĩnh)

Trao đổi về hướng giải quyết vấn đề này, ông Phạm Thái Bình, Quyền Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Hà Tĩnh cho biết: “Chính sách chi trả giảm phát thải ERPA là nội dung mới, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn còn ít gây khó khăn về tiến độ thực hiện nhiệm vụ năm 2023 cho các địa phương. Bởi vậy, để tháo gỡ những vướng mắc về giải ngân nguồn hỗ trợ này cần có hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành, đồng thời, cần sự nỗ lực của các đơn vị chủ rừng trong thống kê, rà soát các hạng mục”.