Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đền Quan Tuần Tranh: Nơi thờ vị thần khai phá và gìn giữ vùng đất Ninh Giang, sông Tranh

Việt Tùng - 17:28 21/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Quan lớn Tuần Tranh, là Hoàng tử thứ Năm của vua Thủy Tề, người có công lao to lớn trong việc khai phá, xây dựng, canh giữ vùng đất sông Tranh, nên được vua phong hầu. Ông phải lòng một cô gái xinh đẹp là vợ lẽ của quan Phủ nhưng cô giấu ông; vì tội này vua phạt đầy ải ông lên biên giới phía Bắc. Để chứng tỏ mình vô tội, ông đã gieo mình xuống sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn) rồi xác “bơi” về bến đò Tranh, nhớ ơn công lao, tiếc thương nên nhân dân nơi đã lập đền thờ Ông

Chuyện tình ly kỳ

Theo sử tích, đền Tranh ở xã Đồng Tâm (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) là công trình kiến trúc cổ, thờ quan lớn Tuần Tranh, là một vị Thủy thần, con thứ Năm của vua Thủy Tề.

Trước kia đền Tranh chỉ là một cái miếu thờ nhỏ, sau đó được người dân dựng lại khang trang như hiện nay.

Quan lớn Tuần Tranh là người có công lớn trong việc khai phá và gìn giữ vùng đất Ninh Giang, sông Tranh ngày nay, vì thế ông đã được vua phong công hầu. Trong một lần đi tuần trên sông, ông bắt gặp một cô gái xinh đẹp đang dạo thuyền chơi trên sông, ông đem lòng yêu và được cô gái này đáp lại. Nhưng tiếc thay, côi gái đã có chồng, cô là vợ lẽ của một viên quan Phủ, nhưng vì chán cảnh chồng chung; gặp ông cô đã giấu chuyện mình đã có chồng.

Sự việc vỡ lở, viên quan Phủ đã tâu với vua, rằng ông đã dụ dỗ vợ mình, khiến gia đình tan nát. Để phạt ông, vua đã đầy ông lên mạn biên giới phía Bắc, khu vực sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn ngày nay). Để chứng minh mình trong sạch, ông đã gieo mình xuống dòng sông Kỳ Cùng, rồi xác trôi về bến đò Tranh nơi ông dựng nghiệp năm xưa.

Lãnh đạo huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) đánh trống khai mạc Lễ hội đền Tranh xuân Giáp Thìn năm 2024.

Để tưởng nhớ công lao và tiếc thương cho số phận của ông, nhân dân là chôn cất và dựng miếu thờ ông ngay tại bờ sông Tranh này. Tuy nhiên, theo năm tháng, bờ sông Tranh bị xói mòn, ngôi miếu cùng bị cuốn trôi, mãi đến năm 1935, người dân lập một đền thờ mới tại thôn Tranh Xuyên. Ngôi đền này vẫn được dân chúng giữ tên gọi là đền Tranh cho đến ngày nay.

Được biết, hiện nay ở Lạng Sơn cũng có một ngôi đền thờ Quan lớn Tuần Tranh, đó là đền Kỳ Cùng, ở phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn). Theo tấm bia lịch sử ghi trong đền Kỳ Cùng, nơi này không có năm xây dựng, chỉ có các mốc tu sửa vào năm 1928, 1931, 1967. Đến năm 1993, đền Kỳ Cùng được Nhà nước chứng nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Hàng năm, nơi đây đều tổ chức lễ hội nhộn nhịp và chào đón du khách từ mọi miền đất nước. 

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương và huyện Ninh Giang dâng hương tại đền Tranh trong ngày Khai hội.

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 4/4/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH - TT - DL) đã ký quyết định đưa Lễ hội truyền thống đền Tranh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Là lễ hội thứ 2, sau Lễ hội truyền thống đình Trịnh Xuyên ở xã Nghĩa An, của huyện Ninh Giang được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, trao Quyết định công nhận Di tích đền Tranh là điểm du lịch của tỉnh Hải Dương

Từ sự ly kỳ của sự tích Quan lớn Tuần Tranh nên vào mỗi kỳ lễ hội, Ban Tổ chức Lễ hội truyền thống đền Tranh đều mời đại diện chính quyền, Ban quản lý di tích đền Lạc Dục và nhân dân xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ (nơi có di tích đền Lạc Dục thờ thân phụ và thân mẫu Quan lớn Tuần Tranh) và đại diện chính quyền, Ban Quản lý di tích đền Kỳ Cùng, nhân dân phường Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn (nơi thờ Quan lớn khi ngài lên trấn ải chốn Kỳ Cùng) về tham dự lễ hội.

Trải qua nhiều thế kỷ, với những biến cố thăng trầm của lịch sử, đền Tranh vẫn giữ được bản sắc văn hóa vốn có, là nơi tập trung và phong phú nhất về tín ngưỡng dân gian mà điển hình là nhân vật huyền thoại Quan lớn Tuần Tranh.

Ngày 19/3, tại Khu di tích quốc Đền Tranh (thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) đã diễn ra lễ hội đền Tranh Xuân Giáp Thìn 2024. Đền Tranh là ngôi đền cổ, có từ thời nhà Trần, với tổng diện tích là 29.417m2. Đền Tranh thờ Quan lớn Tuần Tranh là vị tôn quan thứ Năm trong Ngũ vị Tôn Ông của tín ngưỡng thờ Tứ phủ trong dân gian của người Việt.

Nhân dân và du khách thập phương kính lễ tại Lễ hội đền Tranh năm 2024.

Trước đó, ngày 25/3/2009, đền Tranh được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích quốc gia. Lễ hội truyền thống đền Tranh được Bộ VH-TT-DL công nhận ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 4/4/2022.

Lễ hội đền Tranh diễn ra vào ngày 19/3 (10/2 âm lịch, hội chính ngày 14/4 âm lịch) bao gồm các nghi lễ và hoạt động như lễ rước nước; chương trình văn nghệ và múa lân sư rồng; diễn văn khai hội; đánh trống khai hội; công bố và trao quyết định của UBND tỉnh Hải Dương công nhận di tích quốc gia đền Tranh là điểm du lịch; đọc chúc văn; lễ dâng hương của nhân dân và du khách thập phương…

Múa rồng tại Lễ khai mạc Lễ hội đền Tranh xuân Giáp Thìn, năm 2024.

Từ ngày 23 đến ngày 24/3 (ngày 14 và 15/2 âm lịch) nhằm vào ngày đản sinh Quan lớn Tuần Tranh, Ban Tổ chức lễ hội sẽ tổ chức các trò chơi dân gian như: Đập niêu đất, bắt chạch trong chum, bịt mắt bắt dê, vật dân tộc, đi cầu kiều trên cạn, bóng bàn, bóng chuyền hơi nam - nữ, pháo đất, kéo co, cờ tướng, múa rối nước và lễ tế tạ.

Một số hình ảnh tại Lễ hội đền Tranh năm 2024:

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Hải Dương được giới thiệu, bày bán tại Lễ hội đền Tranh xuân Giáp Thìn, năm 2024.